Trẻ em chơi đùa với nước trong ngày nắng nóng tại New Delhi, Ấn Độ, ngày 31/5. (Ảnh: AFP/TTXVN) |
Từ Bắc xuống Nam, từ Đông sang Tây, nắng nóng cực đoan đã thiêu đốt nhiều khu vực trên khắp Ấn Độ trong những ngày qua, đẩy sức chịu đựng của con người lên mức tới hạn và cướp đi sinh mạng của gần 100 người.
Những kỷ lục về nhiệt độ tối đa đã được ghi nhận ở nhiều khu vực, trong đó thủ đô New Delhi hứng chịu mức nhiệt 52,9 độ C - mức cao nhất trong 100 năm qua - và Nagpur - thành phố lớn thứ ba của bang Maharashtra, miền Tây Ấn Độ - đã bị hun trong nền nhiệt 56 độ C, xô đổ mọi kỷ lục trước đó. Những bang khác ở Ấn Độ đều chứng kiến mức nhiệt xấp xỉ 50 độ C.
Trên bản đồ nhiệt, toàn bộ Ấn Độ chìm trong màu đỏ đậm - màu của sóng nhiệt nghiêm trọng.
Thông thường, nắng nóng ở Ấn Độ xảy ra trong khoảng thời gian từ tháng Tư đến tháng Bảy nhưng trong vài năm trở lại đây, những đợt nắng nóng đã trở nên khủng khiếp hơn, thường xuyên hơn, sớm hơn và kéo dài hơn.
Đặc biệt, ngay từ đầu mùa Hè năm nay, người dân Ấn Độ đã phải chật vật chống chọi với những đợt nắng nóng kinh hoàng mà giới chuyên gia cho là do biến đổi khí hậu bắt nguồn từ chính con người.
Cục Khí tượng Ấn Độ (IMD) đã ban hành cảnh báo nắng nóng cực đoan (thường xuyên ở mức đỏ, cam) tại nhiều khu vực, như Delhi, Haryana, Uttar Pradesh, Tây Bengal, Bihar, Maharashtra và Odisha.
Các đợt nắng nóng đã tạo ra gánh nặng cho hệ thống y tế, mạng lưới điện quốc gia, hệ thống cấp nước sinh hoạt, nông nghiệp cũng như các hệ thống kinh tế-xã hội và văn hóa khác.
Để ứng phó với những hậu quả do hiện tượng thời tiết cực đoan trên gây ra, Bộ trưởng Y tế Delhi Saurabh Bharadwaj đã yêu cầu 26 bệnh viện do chính quyền điều hành ở Delhi dành các giường cho bệnh nhân say nắng, sốc nhiệt.
Bác sỹ Seema Balkarishna phụ trách Phòng đột quỵ nhiệt tại Bệnh viện Ram Manohar Lohiya (Delhi) cho biết trong những ngày gần đây, đơn vị này liên tục tiếp nhận các bệnh nhân trong tình trạng nguy kịch với các triệu chứng như say nắng, sốc nhiệt, lơ mơ, khó thở thậm chí bị co giật… Những biểu hiện trên đều liên quan tới sóng nhiệt.
Tại bang lân cận của Delhi là Uttar Pradesh, lãnh đạo Sở Y tế Kanpur, bà Sanju Agarwal cho hay toàn bộ các bệnh viện trong Kanpur đã được trang bị đầy đủ cơ sở vật chất để điều trị cho bệnh nhân bị sốc nhiệt.
Bà cảnh báo say nắng có thể dẫn đến đột quỵ não trong những trường hợp nghiêm trọng do mất nước, máu đặc và máu khó lưu thông.
Để phòng ngừa các bệnh liên quan tới nhiệt, bà Sanju Agarwal khuyên mọi người nên “ở trong nhà càng nhiều càng tốt, tránh tiếp xúc với ánh nắng Mặt Trời, ăn uống cân bằng, sử dụng các dụng cụ để bảo vệ cơ thể…”.
Bác sỹ Ajay Shukla tại Bệnh viện Ram Manohar Lohiya chia sẻ: “Tỷ lệ tử vong do say nắng rất cao, từ 60% đến 80%. Bệnh nhân có thể sống sót nếu được chăm sóc y tế sớm và kịp thời, như làm mát cơ thể nhanh chóng".
Hầu hết bệnh nhân say nắng của Bệnh viện Ram Manohar Lohiya đều đến từ các cộng đồng nghèo, nơi người lao động không có lựa chọn nào khác ngoài việc phải lao động ngoài trời dưới ánh nắng.
Nắng nóng ảnh hưởng nghiêm trọng tới cuộc sống, công việc và học tập của người dân. Chị Manvi - chuyên gia thiết kế nội, ngoại thất cho biết, chị đã phải làm việc từ xa và chỉ dám ra khỏi nhà vào sáng sớm hoặc tối mịt để tránh ánh nắng Mặt Trời. Do không thể tới tận nơi công trình nên hiệu suất lao động của chị giảm rõ rệt và dự kiến thời gian thực hiện hợp đồng hiện tại với chủ công trình sẽ phải kéo dài theo “chiều dài của ánh nắng".
Chị Kajan Juneja - chủ tiệm chăm sóc da và tóc cho phụ nữ - tâm sự nắng nóng đã kìm chân người dân trong nhà khiến tiệm chị vắng khách nhiều tuần qua. Trong khi đó, Kritika - sinh viên nội trú năm cuối trường JNU - đã phải tới thư viện (nơi được trang bị điều hòa không khí) để ôn thi tốt nghiệp xuyên đêm vì không thể chịu đựng được sức nóng như lò nướng bánh trong ký túc xá.
Người vô gia cư tránh nắng dưới cầu vượt bên bờ sông Yamuna ở New Delhi, Ấn Độ, ngày 31/5. (Ảnh: AFP/TTXVN) |
Nhiệt độ cao kỷ lục đã đẩy nhu cầu nước tăng nhanh, dẫn tới tình trạng thiếu nước sinh hoạt nghiêm trọng trên khắp vùng thủ đô Delhi. Nguồn cung nước thường xuyên bị cắt ở nhiều nơi, người dân phải xếp hàng dài chờ đợi nhiều giờ để lấy nước từ các xe bồn của chính phủ và tư nhân. Khi không nhận được nguồn cung nước từ các xe bồn, nhiều người buộc phải mua nước đóng chai để uống và nấu ăn. Điều này thực sự là khó khăn đối với người nghèo.
Bà Anita Malik cho biết khu vực gia đình bà ở thuộc quận Vasant Kunj, Tây Nam Delhi, chỉ được cung cấp nước 2 ngày/1 lần, thay vì 2 lần như trước. Mỗi lần cấp nước chỉ kéo dài một giờ đồng hồ. Điều này buộc các thành viên phải sử dụng nước tiết kiệm nhất có thể.
Theo cô Niyahti Gupta ở Qutub Minar, “mùa Hè năm nay đã trở nên tồi tệ hơn khi chúng tôi phải đối diện với tình trạng thiếu nước. Xe bồn chỉ đến một lần trong ngày thay vì hai lần, thậm chí khi tới nơi, nước trong xe bồn chỉ còn một nửa."
Trước khi giải quyết thực trạng này, Bộ trưởng Nước Delhi, bà Atishi đã kêu gọi người dân nêu cao tinh thần "trách nhiệm tập thể," tránh sử dụng nước lãng phí nếu không chính phủ sẽ buộc phải hợp lý hóa việc cung cấp nước ở thủ đô. Chính quyền cũng công bố mức phạt 2.000 rupee (24 USD) vì lãng phí nước trong bối cảnh khủng hoảng nước nghiêm trọng và nắng nóng gay gắt.
Tại bang Rajasthan miền Tây Ấn Độ, khoảng 23 thành phố và thị trấn phải đối mặt với tình trạng thiếu nước trầm trọng và 11 thành phố được cấp nước 1 lần trong 96 giờ và có 12 thành phố được cấp nước 1 lần trong 72 giờ.
Nhiệt độ cao đã thúc đẩy nhu cầu điều hòa không khí và làm lạnh lên mức kỷ lục hoặc gần kỷ lục vào thời điểm này trong năm. Lưới điện bị quá tải ở mức 246 triệu kilowatt vào ngày 29/5 và sau đó là 250 triệu kilowatt vào ngày 30/5, phá vỡ kỷ lục trước đó là 240 triệu kilowatt hồi tháng Chín năm ngoái.
Người dân đội mũ và khăn để tránh nắng nóng tại New Delhi, Ấn Độ. (Ảnh: AFP/TTXVN) |
Bên cạnh đó, nắng nóng kinh hoàng đang làm khô cạn các khu vực chứa nước. Cục Nước ngầm Trung ương tuyên bố rằng 70% số lô nước ngầm ở bang Rajasthan đã bị ảnh hưởng hạn hán. Tại thủ phủ Bhopal, bang Madhya Pradesh, mực nước trên hồ Upper đã giảm mạnh xuống dưới mức ghi nhận năm ngoái.
Trong khi đó, lượng nước dự trữ tại 150 hồ chứa lớn ở Ấn Độ đã giảm xuống mức thấp nhất trong 5 năm vào tuần trước, làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu nước ở nhiều bang và ảnh hưởng đáng kể đến hoạt động sản xuất thủy điện, nông nghiệp…
Trước thực trạng này, Thẩm phán độc lập Anoop Kumar Dhand thuộc Tòa án Cấp cao Rajasthan (HC) cho rằng cần phải tuyên bố đợt nắng nóng hiện nay là thảm họa quốc gia để nhà nước chuẩn bị đối phó.
Đánh giá về hiện trạng thời tiết cực đoan ở Ấn Độ, ông Farwa Aamer tại Viện Chính sách Xã hội châu Á, nhận định xu hướng này là biểu hiện rõ ràng về tác động ngày càng tăng của biến đổi khí hậu.
Ông nhấn mạnh: “Nhiệt độ gia tăng đáng báo động này phản ánh nhu cầu cấp thiết cần có chiến lược ứng phó mạnh mẽ và biện pháp chủ động ở Ấn Độ và khu vực để bảo vệ cuộc sống, sinh kế của người dân, đặc biệt là đối với những nhóm dễ bị tổn thương”.