30 bệnh nhi bị viêm não, viêm màng não đang được điều trị tại Bệnh viện Nhi Trung ương, Hà Nội, nhiều bé nhập viện khi đã hôn mê.
Bé Hà Mỹ Ngọc 3 tháng tuổi ở Hải Phòng được chuyển đến Bệnh viện Nhi Trung ương ngày 4/3. Bé đã nằm viện tuyến dưới 2 ngày, sốt cao liên tục không giảm. Bác sĩ Bệnh viện Nhi Trung ương chẩn đoán bé bị viêm màng não mủ, đã biến chứng thần kinh. Hơn một tháng nằm viện, tình trạng bệnh nhi chuyển biến tốt hơn song vẫn cần được theo dõi.
Chị Nguyễn Thị Trang, mẹ bé cho biết trước lúc nhập viện 4 ngày, bé không may bị ngã, sau đó bắt đầu sốt cao, bỏ bú. Người mẹ nghi ngờ con bệnh do ngã. Tuy nhiên bác sĩ xác định nguyên nhân chính là bé bị viêm màng não mủ do vi khuẩn, tình cờ phù hợp với thời điểm bé ngã.
Kế giường bệnh của bé Ngọc, chị Nguyễn Thị Dung ở Hà Tĩnh ôm con gái nhỏ 6,5 tháng chỉ nặng 5,3 kg. Bé nhập viện từ ngày 13/2 do viêm màng não mủ kèm viêm não.
"Ban đầu bé kém ăn, ngủ nhiều, hai chân sưng nhẹ, ba ngày sau thì sốt cao kèm co giật nên phải vào viện", chị Dung chia sẻ.
Hiện bé đã được bác sĩ mổ dẫn lưu giảm não thất, tuy nhiên tình trạng chưa tiến triển nhiều. Hai ngày tới, bé tiếp tục được phẫu thuật.
Hai gia đình bệnh nhi đều cho biết các bé chưa được tiêm vắcxin phòng bệnh viêm não, viêm màng não.
Chị Dung chăm sóc con gái bị viêm màng não tại Bệnh viện Nhi Trung ương. Ảnh: Lê Nga. |
Chia sẻ tại hội thảo Cập nhật chẩn đoán và điều trị bệnh viêm não ở trẻ nhỏ phía Bắc ngày 23/4, Phó giáo sư Trần Minh Điển, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương, cho biết những ngày nắng nóng bệnh viện liên tục tiếp nhận bệnh nhi bị viêm não, viêm màng não. Nhiều bé nhập viện trong tình trạng rất nặng. Đây là bệnh lý rất nguy hiểm, tỷ lệ tử vong hoặc để lại di chứng rất lớn nếu không được điều trị kịp thời. Mỗi năm, Bệnh viện Nhi Trung ương tiếp nhận khoảng 500 ca viêm não, viêm màng não. Hiện có 30 bé điều trị tại viện.
Viêm màng não liên quan đến vi khuẩn với 3 loại phổ biến là phế cầu, hib và não mô cầu, ngoài ra còn có tụ cầu, liên cầu, E.coli... Khi màng ngoài của não bị vi khuẩn tấn công, tỷ lệ tử vong lên tới 50% nếu không được điều trị. Trường hợp bệnh nhân được chẩn đoán sớm trong 24-48 giờ đầu, tỷ lệ tử vong 8-15%. Đến 10-20% trường hợp được cứu sống sẽ bị di chứng về thần kinh, vận động. Bệnh nhân tuổi càng nhỏ, tiên lượng càng xấu.
Theo thống kê của Bệnh viện Nhi Trung ương, trẻ mắc viêm màng não đứng thứ ba trong số các bệnh lý vào viện điều trị và là nguyên nhân gây tử vong thứ hai cho trẻ dưới 5 tháng tuổi. Có trẻ phải điều trị 6-7 tháng.
Viêm não thường do virus (chiếm 60%), phổ biến là virus viêm não Nhật Bản, Herpes, virus EV gây bệnh tay chân miệng... Tác nhân gây bệnh tấn công trực diện vào nhu mô não, tỷ lệ tử vong 10-15% và 35-45% để lại các di chứng về thần kinh, vận động.
Trẻ cũng có thể bị viêm não thứ phát sau khi mắc các bệnh cúm, sởi, thủy đậu, quai bị... do virus biến thể sau 1-2 tuần.
Tiến sĩ Nguyễn Văn Lâm, Giám đốc Trung tâm Y học Các bệnh nhiệt đới trẻ em, Bệnh viện Nhi Trung ương, cho biết nếu phát hiện sớm bệnh nhân viêm màng não thì điều trị đơn giản, "chỉ một liều kháng sinh là ổn". Phát hiện càng muộn, điều trị càng khó khăn, nguy cơ tử vong hoặc di chứng cao hơn.
Để chẩn đoán viêm não hay viêm màng não, bác sĩ cần chọc dò tủy sống để xét nghiệm dịch não tủy.
Thông thường vào mùa hè từ tháng 5 đến tháng 8, tỷ lệ trẻ bị viêm não tăng cao, đặc biệt là viêm não Nhật Bản.
Lê Nga (VNE)