(GLO)- Thị xã An Khê vừa phê duyệt dự án tư vấn phát triển mô hình trồng, thu hái, chế biến cà gai leo và xây dựng nhãn hiệu trà dược liệu An Khê. Đây là điều kiện để chế biến cây cà gai leo thành sản phẩm trà túi lọc, góp phần nâng cao giá trị cây cà gai leo, tăng thu nhập cho người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Trồng dược liệu theo hướng hữu cơ
Cuối năm 2018, UBND thị xã An Khê đã phê duyệt dự án trồng cà gai leo tại làng Pơ Nang (xã Tú An) với diện tích 2 ha. Dự án được giao cho Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Tú An 1 thực hiện với tổng mức đầu tư 373 triệu đồng. Trong đó, thị xã An Khê hỗ trợ hơn 130 triệu đồng để xây dựng nhà màng rộng 300 m2, tập huấn kỹ thuật và mua cây giống; số tiền còn lại người dân đóng góp. Tham gia dự án có 10 hộ dân làng Pơ Nang.
HTX Nông nghiệp Tú An 1 đang trồng 5 ha cây thảo quyết minh một trong những loại thảo dược làm trà cà gai leo túi lọc. Ảnh: Ngọc Minh |
Theo chị Hồ Thị Viên-một trong những hộ tham gia dự án, cây cà gai leo vốn là cây bản địa nên sinh trưởng và phát triển tốt, không bị sâu bệnh. “Đặc biệt, cà gai leo trồng theo hướng hữu cơ nên từ khi trồng cho đến khi thu hoạch, ngoài cuốc cỏ, bấm ngọn, tưới nước, chúng tôi không bón phân hoặc phun bất cứ một loại thuốc gì”-chị Viên chia sẻ.
Ông Lê Văn Bộ-Giám đốc HTX Nông nghiệp Tú An 1-cho hay: Để cà gai leo sinh trưởng và phát triển tốt, trước khi trồng, chúng tôi đã xử lý mầm bệnh trong đất, đồng thời bổ sung phân chuồng và phân vi sinh, mắc hệ thống tưới nước nhỏ giọt… Đây cũng là quy trình được HTX áp dụng với các loại dược liệu khác trên địa bàn xã. Ngoài cà gai leo, HTX Tú An 1 đang trồng 5 ha cây thảo quyết minh; thời gian tới sẽ trồng một số cây dược liệu như: diệp hạ châu, cây cỏ ngọt, mật nhân... Các loại thảo dược này sẽ được phối trộn cùng cà gai leo để sản xuất trà cà gai leo túi lọc.
Nâng tầm cây cà gai leo
Sau hơn 3 tháng xuống giống, đầu tháng 5 vừa qua, HTX cùng người dân làng Pơ Nang tiến hành thu hoạch cây cà gai leo. “Trước mắt, chúng tôi thu hoạch 2 sào được 800 kg tươi. Sau khi chặt nhỏ, phơi khô cho ra 200 kg khô. Số thành phẩm này HTX xuất bán cho khách hàng ở tỉnh Lâm Đồng và một số nhà thuốc trên địa bàn thị xã An Khê với giá bình quân 70.000 đồng/kg khô”-ông Bộ nói.
Thành viên HTX Nông nghiệp Tú An 1 đóng gói cà gai leo để giao khách hàng. Ảnh: N.M |
Nhận xét về chất lượng cây cà gai leo trồng tại làng Pơ Nang, lương y Đường Minh Vũ-chủ nhà thuốc Đông y Phổ Lợi (thị xã An Khê) cho rằng, cây cà gai leo trồng trên đất An Khê có mùi thơm đặc trưng, vị đậm đà ngon không thua kém cà gai leo trồng ở những vùng khác. “Nếu người làng Pơ Nang trồng với số lượng lớn, chúng tôi sẽ thu mua tươi để nấu thành cao. Loại cà gai leo phơi khô hiện cũng được thị trường ưa chuộng bởi công dụng đào thải độc tố trong gan, hạ men gan; tiêu giảm mụn nhọt do nóng trong; hỗ trợ điều trị làm giảm triệu chứng men gan cao, xơ gan, gan nhiễm mỡ…”-lương y Đường Minh Vũ cho biết.
Để nâng cao giá trị cây cà gai leo, UBND thị xã An Khê vừa phê duyệt dự án tư vấn phát triển mô hình trồng, thu hái, chế biến cà gai leo thành sản phẩm trà túi lọc; xây dựng nhãn hiệu trà dược liệu An Khê, xúc tiến quảng bá sản phẩm, xây dựng kênh tiêu thụ; thu hút doanh nghiệp và thúc đẩy liên kết sản xuất-tiêu thụ nông sản dược liệu. Ông Phan Ngọc Thành-Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp thị xã An Khê-khẳng định: “Thị xã đã giao nhiệm vụ cho Trung tâm mời các chuyên gia về tập huấn kỹ thuật, nâng cao năng lực quản trị HTX; tập huấn về quy trình công nghệ chế biến sản phẩm, xây dựng thương hiệu, bao bì nhãn mác, phối trộn công thức sản xuất ra trà túi lọc cà gai leo”.
Trong khi đó, Giám đốc HTX Nông nghiệp Tú An 1 cũng thông tin thêm: “Ngoài việc được thị xã hỗ trợ xây dựng nhãn mác, tập huấn cách phối trộn dược liệu, HTX cũng tranh thủ nguồn vốn đối ứng của các thành viên HTX, nguồn kinh phí từ Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới… để mua sắm máy móc, trang-thiết bị đóng gói trà túi lọc. Dự kiến đầu năm 2020 sẽ ra mắt sản phẩm trà cà gai leo túi lọc An Khê”.
NGỌC MINH