(GLO)- Qua 3 năm triển khai Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), Gia Lai đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Việc đẩy mạnh phát triển chương trình đã tạo ra các sản phẩm có giá trị kinh tế cao, được thị trường đón nhận, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn.
Đa dạng đặc sản địa phương
Huyện Đak Đoa có số lượng sản phẩm đạt chứng nhận OCOP nhiều nhất tỉnh với 19 sản phẩm, trong đó có 5 sản phẩm đạt 4 sao và 14 sản phẩm đạt 3 sao. Ông Nguyễn Kim Anh-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện-cho biết: Hàng năm, huyện xây dựng kế hoạch, tổ chức rà soát ý tưởng, sản phẩm tiềm năng; hướng dẫn, hỗ trợ tư vấn cho các chủ thể hoàn thiện sản phẩm, thiết kế nhãn mác, in bao bì; hỗ trợ truy xuất nguồn gốc, đăng ký sở hữu trí tuệ, tham gia quảng bá sản phẩm. Sau khi được chứng nhận OCOP, các sản phẩm đã có bước tiến về chất lượng, đa dạng về mẫu mã, đảm bảo điều kiện, quy định về tem, nhãn mác... được người tiêu dùng đón nhận, dần vươn ra thị trường lớn.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan (bìa phải) thăm Hợp tác xã nông nghiệp và dịch vụ Nam Yang (huyện Đak Đoa). Ảnh: Lê Nam |
Thời gian qua, huyện Phú Thiện tập trung phát triển 3 nhóm sản phẩm có thế mạnh, mang tính đặc trưng gồm: thực phẩm, dệt thổ cẩm, dịch vụ du lịch nông thôn để tham gia Chương trình OCOP. Ngoài ra, huyện khuyến khích phát triển các sản phẩm có tiềm năng như: tinh dầu sả, bò một nắng, heo một nắng, muối lá é, rượu cần... Chủ tịch UBND huyện Trịnh Văn Sang cho hay: Đến nay, sản phẩm gạo Phú Thiện của Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Chư A Thai đã đạt 4 sao cấp tỉnh, sản phẩm chả cá thác lác Cô Sáu (hộ kinh doanh Ngô Viết Giỏi) và chả cá thác lác (HTX nuôi trồng thủy sản Ayun Hạ) đạt 3 sao. Các sản phẩm sau khi được công nhận OCOP đã giúp các chủ thể ký kết được hơn 40 hợp đồng cung ứng bao tiêu cho các tổ chức, cá nhân trong và ngoài huyện.
Hiện nay, các sản phẩm OCOP 3-4 sao cấp tỉnh đã có bước tiến về chất lượng, đa dạng về mẫu mã, bao bì. Ngoài những kênh truyền thống, các chủ thể đã linh hoạt bán hàng trên các trang điện tử như Tiki, Lazada, Shopee... Nhờ đó, doanh số bán hàng tăng khoảng 20% so với thời điểm chưa tham gia Chương trình OCOP. Bên cạnh đó, mỗi sản phẩm được chứng nhận OCOP theo bộ tiêu chí đánh giá thang điểm sẽ là căn cứ giúp người tiêu dùng tin cậy, an tâm về chất lượng. Đây cũng là ưu thế để nâng cao giá trị sản phẩm.
Nâng tầm giá trị nông sản
Hợp tác xã mật ong Phương Di Ia Grai (xã Ia Dêr, huyện Ia Grai) có 4 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP cấp tỉnh gồm: mật ong hoa cà phê đạt 4 sao năm 2019, mật ong đa hoa đạt 4 sao năm 2020, hạt điều A Sanh đạt 3 sao năm 2020, gạo A Sanh đạt 3 sao năm 2021. Bà Trần Thị Hoàng Anh-Giám đốc HTX-phấn khởi nói: “Chúng tôi luôn xác định sản phẩm trọng tâm phải dựa trên tiềm năng sẵn có của địa phương, từ đó vạch ra hướng đi cụ thể để phát triển thành sản phẩm OCOP. Năm 2019, HTX đã tham gia 2 sản phẩm và đạt chứng nhận 4 sao OCOP. Đó là động lực để HTX tiếp tục đưa sản phẩm tham gia đánh giá vào năm tiếp theo. Hiện các sản phẩm đạt chứng nhận OCOP của HTX đã có mặt tại một số siêu thị và các chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch ở TP. Hồ Chí Minh”.
Với nhiều chủ thể, những nỗ lực và cố gắng ban đầu khi xây dựng sản phẩm OCOP đã tạo nền tảng giúp họ từng bước nâng giá trị nông sản địa phương. Ông Lê Hữu Anh-Giám đốc HTX nông nghiệp và dịch vụ Lam Anh (xã Glar, huyện Đak Đoa) chia sẻ: “Từ vùng nguyên liệu cà phê ở địa phương, HTX đã ứng dụng quy trình canh tác theo hướng hữu cơ và lên ý tưởng nâng cao giá trị gia tăng cho nông sản thông qua việc chế biến sâu. Kết quả, sản phẩm cà phê bột Slarland Coffee của HTX đạt chứng nhận OCOP 3 sao năm 2020. Hiện nay, thị trường tiêu thụ sản phẩm được mở rộng ra nhiều tỉnh, thành trong nước”.
Gian hàng trưng bày các sản phẩm OCOP của tỉnh tại Siêu thị Co.op Mart Pleiku. Ảnh: Đức Thụy |
Ông Phạm Minh Trung-Chủ tịch UBND huyện Đak Đoa-nhận định: Các sản phẩm được chứng nhận OCOP có sự khác biệt, mang đặc thù gắn với truyền thống, văn hóa, điều kiện tự nhiên, tạo nên lợi thế cạnh tranh riêng, góp phần phát triển kinh tế vùng nông thôn. Thời gian tới, huyện tiếp tục rà soát những ý tưởng, sản phẩm tiềm năng để tư vấn hỗ trợ các chủ thể phát triển thành sản phẩm OCOP mới. Cùng với đó, hỗ trợ sản xuất hàng hóa nông nghiệp tập trung có ứng dụng khoa học công nghệ; xây dựng các chuỗi sản xuất liên kết để phát triển vùng nguyên liệu tại địa phương.
Giai đoạn 2018-2020, toàn tỉnh có 22 sản phẩm đạt 4 sao và 127 sản phẩm đạt 3 sao cấp tỉnh. Năm 2021, toàn tỉnh có thêm 67 sản phẩm được đề nghị UBND tỉnh công nhận sản phẩm OCOP cấp tỉnh.. |
Còn ông Trịnh Văn Sang-Chủ tịch UBND huyện Phú Thiện thì cho rằng: Lợi thế của huyện đó là có nguồn thủy năng dồi dào từ hồ Ayun Hạ, tạo điều kiện thuận lợi trong việc sản xuất và nuôi thủy sản, phát triển du lịch nông thôn… Ngoài ra, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm trên 64% với nhiều nét đặc sắc về văn hóa, ẩm thực riêng cũng là tiềm năng để xây dựng thành sản phẩm OCOP. “Huyện xác định Chương trình OCOP đóng vai trò “hạt nhân”, tạo ra sản phẩm có giá trị gia tăng cao, khối lượng lớn, thúc đẩy phát triển kinh tế nông nghiệp-nông thôn-nông dân toàn diện, lâu dài và bền vững. Huyện phấn đấu mỗi năm có tối thiểu 10 sản phẩm được công nhận đạt sao cấp tỉnh trở lên”-ông Sang cho hay.
Trao đổi với P.V, ông Vũ Ngọc An-Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT-cho biết: Thời gian tới, tỉnh sẽ đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ truy xuất nguồn gốc sản phẩm OCOP, ưu tiên phát triển nhãn hiệu hàng hóa, chỉ dẫn địa lý cho các sản phẩm chủ lực của tỉnh, khuyến khích ứng dụng công nghệ cao, hiện đại trong sản xuất, bảo quản, chế biến. Phấn đấu đến hết năm 2025 có khoảng 500 sản phẩm OCOP 3-4 sao, trong đó có ít nhất 1 mô hình du lịch nông thôn tham gia và 2 sản phẩm dự thi OCOP 5 sao. Định hướng đến năm 2030, toàn tỉnh có khoảng 1.150 sản phẩm đạt OCOP 3-4 sao và phấn đấu có ít nhất 2 sản phẩm đạt OCOP 5 sao.
“Để đạt được mục tiêu này, ngành Nông nghiệp và PTNT xác định Chương trình OCOP là một trong những nhiệm vụ trọng tâm phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn nhằm phục vụ sản xuất gắn với tiêu dùng nội địa và hướng đến thị trường xuất khẩu. Bên cạnh đó, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động các doanh nghiệp, chủ thể có sản phẩm đã được công nhận OCOP tiếp tục đầu tư nâng cấp trang-thiết bị, đổi mới công nghệ để nâng cao chất lượng, hoàn thiện bao bì, nhãn mác… nhằm gia tăng giá trị cho sản phẩm và có tiềm năng để đánh giá thăng hạng sao OCOP. Ngoài ra, chú trọng và đẩy mạnh công tác xây dựng kế hoạch, tổ chức hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối cung-cầu cho sản phẩm OCOP, giúp doanh nghiệp, chủ cơ sở quảng bá, giới thiệu, phát triển sản phẩm OCOP, mở rộng thị trường, kết nối tiêu thụ giữa các tỉnh, thành trong cả nước”-ông An thông tin.
VŨ THẢO - LÊ NAM