Kinh tế

Nâng tầm hạt gạo Ayun Hạ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Vùng trọng điểm lúa Ayun Hạ, Gia Lai có gần 10.000 ha lúa nước. Là cây trồng chủ lực, cây lúa Ayun Hạ không chỉ phục vụ cho nhân dân trong vùng mà còn được đưa đi tiêu thụ nhiều nơi. Tuy nhiên, có một thực tế là hầu hết nhà hàng và những người có tiền vẫn quay lưng lại với hạt gạo Ayun Hạ vì chất lượng gạo còn hạn chế.
Kỳ tích về năng suất lúa
Vụ đông Xuân 2009-2010, toàn vùng gieo trồng được 9.835 ha lúa nước, chiếm gần 61% tổng diện tích lúa vụ Đông Xuân của toàn tỉnh. Trong đó, tập trung nhiều nhất là huyện Phú Thiện 5.920 ha, Ia Pa 2.935 ha, thị xã Ayun Pa 980 ha.
Nông dân Phú Thiện được mùa lúa. Ảnh: T.D
Nông dân Phú Thiện được mùa lúa. Ảnh: T.D
Kể từ khi công trình đại thủy nông Ayun Hạ được hoàn thành, dòng nước kéo về đã biến thung lũng Ayun Pa quanh năm khô cằn thành những cánh đồng lúa nước bạt ngàn. Tiếp đến, năm 2000 chương trình cấp I hóa giống lúa của tỉnh được triển khai đã thay đổi toàn bộ các giống lúa địa phương năng suất thấp (1 tấn/ha) bằng các giống lúa có năng suất vượt trội như: Q5, TH85, TH205, DV108, Khang Dân 18, Ải 32… Ruộng lúa nước Phú Thiện đã tạo ra những kỳ tích về năng suất và thay đổi cuộc sống của người trồng lúa. “Năng suất trung bình ở đây thường 7-8 tạ/sào/vụ. Toàn xã Ia Sol có 1.200 ha lúa nước hai vụ, là xã có diện tích lúa nhiều nhất trong vùng. Số hộ có thu nhập trên 100 triệu đồng mỗi năm nhờ trồng lúa có đến vài trăm hộ...”-Chủ tịch UBND xã Ia Sol Mã Mạnh Khái cho biết.
“Ayun Hạ đang là vùng đất trồng lúa cho năng suất cao nhất nước. Nhờ đất đai, nguồn nước, thời tiết và khí hậu ở đây hợp với cây lúa, nông dân lại biết áp dụng những quy trình kỹ thuật phù hợp để tăng năng suất nên tổng sản lượng lúa của các huyện: Phú Thiện, Ia Pa và thị xã Ayun Pa mỗi vụ đạt trên 70.000 tấn. Hạt lúa Ayun Hạ không chỉ cung cấp đủ nguồn lương thực cho các địa phương mà còn cung cấp cho các Tổng kho dự trữ quốc gia”-Kỹ sư nông nghiệp Thái Doãn Cần-Trạm trưởng Trạm Thực nghiệm Giống cây trồng Ayun Hạ nhìn nhận.
Nhưng chất lượng chưa cao
Cũng phải thừa nhận một thực tế rằng, chất lượng hạt gạo của vùng Ayun Hạ hiện nay chưa tương xứng với tiềm năng. Ông Trần Đức Hội- Phó Chủ tịch HĐND thị xã Ayun Pa băn khoăn: “Gần như khắp các nhà hàng, quán ăn sang trọng, kể cả những người dân hơi có tiền một chút đều không mua gạo Ayun Hạ về ăn, mà mua gạo nơi khác với giá cao hơn nhiều lần nhờ có hạt cơm ngon hơn. Lâu nay, đa số nông dân trong vùng sử dụng giống lúa năng suất cao, chạy theo số lượng, mà chưa chú tâm đến chất lượng sản phẩm”.
Hiện nay, giống lúa được sản xuất đại trà trên vùng Ayun Hạ chủ yếu là các giống có năng suất vượt trội. Trong đó phổ biến nhất là giống lúa Q5 có năng suất 8-10 tấn/ha, dễ trồng, kháng bệnh tốt, nên đã chinh phục hầu hết hộ nông dân. Tuy nhiên, lúa Q5 khi thu hoạch về chủ yếu do thương lái thu gom để chế biến thức ăn gia súc và các sản phẩm công nghiệp khác mà ít được sử dụng vào bữa ăn hàng ngày.  Ông Trương Thanh Hiếu- chủ nhà hàng Giọt Đắng, thị xã Ayun Pa nhận xét: “Hạt gạo vùng Ayun Hạ chủ yếu sản xuất từ giống lúa có năng suất cao nhưng hạt cơm bị rời, khô, ăn không dẻo và thơm ngon như nhiều loại gạo khác có bán trên thị trường. Để giữ khách hàng, chúng tôi buộc phải mua gạo chất lượng cao của các nơi khác trồng dù phải chịu giá cao hơn”.
Nâng tầm giá trị hạt gạo Ayun Hạ
Hiện tại, lúa thịt trên thị trường có giá trung bình khoảng 4.000 đồng/kg, vì vậy mỗi ha lúa nông dân vẫn lợi khoảng 20 triệu đồng. Đây là số tiền không nhỏ khiến người trồng lúa không dễ gì từ bỏ các giống lúa năng suất cao đã sản xuất ổn định trên đồng ruộng lâu nay.  
Theo chương trình giống cây trồng, giống vật nuôi, giống cây lâm nghiệp và giống thủy sản giai đoạn 2010-2015 vừa được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 750/QĐ-UBND với tổng kinh phí gần 115 tỷ  đồng, sẽ có 10 tỷ đồng dành cho tiểu dự án sản xuất giống lúa năng suất, chất lượng cao.
Hiện nay, giá gạo vùng Ayun Hạ sản xuất chỉ 7.000-8.000 đồng/kg; trong khi đó gạo hạt dài, dẻo và gạo chất lượng cao của vùng đồng bằng sông Cửu Long bán với giá 11.000 đồng-16.000 đồng/kg. Rõ ràng nông dân tỉnh ta đã bị thua ngay từ sân nhà. Chủ một đại lý kinh doanh lúa gạo ở chợ thị xã Ayun Pa, cho biết: “Sau nhiều năm mua bán gạo, tôi thấy rằng càng ngày người dân càng thích mua lúa gạo chất lượng cao ở nơi khác đem đến với giá cao, mà ít có người hỏi mua gạo sản xuất tại chỗ dù giá có rẻ hơn nhiều. Khi người dân có tiền thì ai mà chịu xài hàng chất lượng thấp chứ!”.

Do nhu cầu cuộc sống ngày càng cao, thị trường đòi hỏi về chất lượng hạt gạo, người trồng lúa bước đầu đã ý thức được việc trồng những giống lúa chất lượng cao. Ông Thái Doãn Cần cho biết thêm: “Cùng với 100 ha lúa Tám Thơm đã sản xuất ổn định ở xã Pờ Tó (huyện Ia Pa), trong 2 vụ sản xuất vừa qua, một số xã ở huyện Phú Thiện cũng bước đầu sản xuất được 70 ha lúa chất lượng cao các giống PM2001, PC10... Dù vẫn còn nhỏ lẻ, nhưng đây là tín hiệu vui của vùng trọng điểm lúa”.
Đức Phương

Có thể bạn quan tâm