Văn hóa

Văn học - Nghệ thuật

Nâng tầm nghệ thuật múa phong trào ở Gia Lai

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Phong trào nghệ thuật quần chúng, trong đó có nghệ thuật múa là món ăn tinh thần không thể thiếu trong mỗi chương trình biểu diễn. Để nâng cao hơn nữa trình độ chuyên môn cho đội ngũ biên đạo không chuyên của tỉnh Gia Lai, Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch vừa phối hợp với Hội Nghệ sĩ Múa Việt Nam tổ chức lớp tập huấn biên đạo múa phong trào với sự tham gia của 30 học viên.
Lớp tập huấn diễn ra từ ngày 4-4 đến 15-4 tại Nhà hát Ca múa nhạc tổng hợp Đam San. Dưới sự hướng dẫn của các nghệ sĩ đến từ Hội Nghệ sĩ Múa Việt Nam, 30 học viên đã có những buổi học vô cùng thú vị về nghệ thuật biên đạo múa. Tại đây, họ được trang bị phương pháp dựng múa, xây dựng nội dung chương trình, chủ đề hình tượng múa cũng như tìm hiểu về chất liệu xây dựng một bài múa hoàn chỉnh. Kết thúc khóa học, học viên đi thực tế để lấy tư liệu, tự mình dàn dựng một tác phẩm múa phong trào theo những kiến thức đã được tập huấn.
 Các học viên hào hứng tham gia lớp tập huấn. Ảnh: P.L
Các học viên hào hứng tham gia lớp tập huấn. Ảnh: P.L
Những năm gần đây, nghệ thuật múa phong trào trên địa bàn tỉnh đã dần thoát khỏi cái bóng của các tác phẩm múa chuyên nghiệp, thoát khỏi sự mô phỏng các động tác minh họa của công việc, lao động, sản xuất. Các động tác, tổ hợp động tác múa đã trở nên giàu hình tượng, mang đậm bản sắc địa phương hơn. Bằng chứng là Đội Tuyên truyền lưu động (Nhà hát Ca múa nhạc tổng hợp Đam San) đã lấy lại danh tiếng thông qua các liên hoan ca múa nhạc không chuyên, hội diễn nghệ thuật quần chúng ở các tỉnh bạn với nhiều giải thưởng cao. Điều ấy cho thấy sự nỗ lực không ngừng nghỉ của đội ngũ biên đạo và nghệ sĩ múa đang hoạt động trong ngành Văn hóa. Trên đà phát triển đó, lớp tập huấn được tổ chức đã đáp ứng nhu cầu nâng cao kỹ thuật dàn dựng, biểu diễn cho đội ngũ làm văn hóa, đặc biệt là nghệ thuật quần chúng.
Với nhiều học viên, được tham gia lớp tập huấn lần này là một cơ hội tốt để nâng cao trình độ. Chị Ksor Hương (Trung tâm Văn hóa-Thông tin huyện Ia Pa) chia sẻ: “Bà con ở cơ sở rất thích xem các buổi biểu diễn văn nghệ, đặc biệt là các tiết mục múa hát được dàn dựng bài bản, giàu chất nghệ thuật. Vì vậy, khi được tham gia lớp tập huấn này, dưới sự hướng dẫn của các nghệ sĩ kỳ cựu của Hội Nghệ sĩ Múa Việt Nam, tôi thấy mình rất may mắn. Tôi sẽ áp dụng những kiến thức này để góp phần nâng cao hơn nữa chất lượng phong trào văn hóa văn nghệ quần chúng ở cơ sở”. Và, nói như bà Chu Thị Thúy Hà-Phó Giám đốc phụ trách Nhà hát Ca múa nhạc tổng hợp Đam San-thì: “Lớp tập huấn giúp chúng tôi tạo nguồn, phát triển đội ngũ biên đạo múa phong trào từ cơ sở và nâng cao chất lượng hoạt động biểu diễn nghệ thuật múa phong trào, đáp ứng nhu cầu thưởng thức nghệ thuật ngày càng cao của công chúng”.
 PHƯƠNG VI

Có thể bạn quan tâm