Bạn đọc

Nên đoạn tuyệt bao ni lông

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Ngày 28-8-2017, Kenya đã chính thức thực hiện lệnh cấm sử dụng bao ni lông. Theo đó, bất kỳ ai bị phát hiện bán, sản xuất, sử dụng bao ni lông sẽ bị phạt 38.000 USD hoặc lãnh án tù 4 năm. Ước tính người dân Kenya sử dụng đến 24 triệu bao ni lông mỗi tháng. Trước đó, các quốc gia châu Phi khác như Nam Phi, Rwanda và Eritrea cũng đã cấm sử dụng bao ni lông.
 

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Ở nước ta, túi ni lông đã trở nên quen thuộc trong đời sống sinh hoạt hàng ngày của cộng đồng. Với ưu điểm bền, tiện dụng và giá rẻ, túi ni lông được sử dụng phổ biến và có mặt ở mọi nơi, từ cửa hàng bán thực phẩm nhỏ lẻ đến trung tâm thương mại, siêu thị… Mua con cá, quả ớt, cọng hành ngò… tất cả đều được đựng trong túi ni lông. Ngay cả cửa hàng bán cháo dinh dưỡng cho trẻ em cũng dùng bao ni lông. Theo khảo sát của nhóm nghiên cứu thuộc Trường Đại học Khoa học Tự nhiên TP. Hồ Chí Minh thì trung bình mỗi ngày người dân thành phố này sử dụng đến 30 tấn bao bì nhựa.

Ai cũng biết tác hại của bao bì ni lông đối với môi trường là rất nghiêm trọng. Sản xuất túi ni lông phải từ dầu mỏ và khí đốt cùng các phụ gia chủ yếu được sử dụng là các chất hóa dẻo, kim loại nặng, phẩm màu… Đây là những chất cực kỳ nguy hiểm đối với sức khỏe và môi trường sống của con người. Hiện có các loại bao bì ni lông thông dụng như: bao bì HDPE (thường được dùng trong siêu thị, chợ, trung tâm thương mại), túi sản xuất từ hạt nhựa LDPE (thường được đựng đường, muối), túi sản xuất từ hạt PP (dùng phân liều thuốc trong các nhà thuốc). Trong đó, túi làm từ nhựa HDPE là loại cần quan tâm giảm thiểu sử dụng nhất. Túi ni lông có thể tồn dư trong đất hàng trăm năm mà vẫn không bị phân hủy, đã vậy chúng ngăn ô xy đi qua đất, gây xói mòn, làm đất bạc màu. Không chỉ gây nguy hại tới môi trường đất và nước mà khi đốt, túi ni lông còn tạo ra nhiều chất độc hại như dioxin, fura, ảnh hưởng đến tuyến nội tiết, giảm khả năng miễn dịch, gây ung thư…

Bên cạnh tác hại nêu trên, túi ni lông còn ảnh hưởng đến mỹ quan. Cứ thử dạo một vòng quanh các con phố ở Pleiku, đặc biệt là đi dọc tuyến quốc lộ 14, quốc lộ 19 sẽ tận thấy hàng triệu túi ni lông nằm la liệt ven đường. Thậm chí thói quen dùng bao ni lông của người Việt còn “xuất khẩu” sang cả nước ngoài. Có người nói vui rằng “Cứ thấy túi ni lông ở đâu nghĩa là báo hiệu sẽ gặp đồng hương ở đó”. Đúng vậy, bây giờ có dịp qua Ratanakiri (Campuchia) hay Attapeu (Lào) sẽ thấy hai bên đường đã kín bao ni lông gần các cụm dân cư người Việt.

Còn nhớ thời thơ ấu ở quê tôi, những người phụ nữ đi chợ thường cắp bên hông chiếc rổ có nắp đậy, nếu là người thành phố thì mang theo chiếc giỏ xách nhựa (làn). Các loại thực phẩm mua về dùng đều được đựng trong giỏ xách hoặc trong rổ rất tiện. Theo thứ tự, thịt cá, củ quả nằm bên dưới, các loại rau bên trên, không hề thấy túi ni lông. Bây giờ có lẽ do công việc, phụ nữ đi làm về tranh thủ ghé chợ mua thức ăn nên hiếm thấy người nào mang theo giỏ xách, chủ yếu đựng thức ăn trong bao bì ni lông.

Sử dụng túi ni lông đã trở thành thói quen trong đời sống hàng ngày của người dân nhiều nước trên thế giới. Không dễ một sớm một chiều đã đoạn tuyệt được, do đó cần sản xuất và quảng bá tiêu dùng các loại bao bì thân thiện với môi trường, đó là giải pháp hiệu quả nhất trong sinh hoạt hiện đại của người dân.

Thanh Phong

Có thể bạn quan tâm