Chính trị

Tin tức

Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức HCM

Nền giáo dục của chúng ta là do dân và vì dân

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Ngày nay, chúng ta tự hào vì các bậc phụ huynh Việt Nam, dù giàu hay nghèo cũng sẵn sàng dồn hết công của cho con ăn học. Vì họ nhận thấy: “Trẻ con bây giờ nếu không có bằng đại học, thì rất khó kiếm ra việc tốt”. Trong di sản Tư tưởng Hồ Chí Minh, tư tưởng về giáo dục luôn có ý nghĩa lý luận và thực tiễn sâu sắc đối với sự nghiệp cách mạng Việt Nam. Người đã từng nói: Đào tạo con người xã hội chủ nghĩa không có con đường nào khác ngoài giáo dục tri thức khoa học và lý tưởng, đạo đức xã hội chủ nghĩa. Đó là nền giáo dục nhằm phát triển con người toàn diện, vừa “hồng” vừa “chuyên” trong thời đại mới. Bác cũng lưu ý giáo dục “cần phải liên tục và có nội dung thiết thực”, không nên hình thức, “chớ đặt những chương trình, kế hoạch mênh mông, đọc nghe sướng tai nhưng không thực hiện được”, mà phải “nói được, làm được”.

Ảnh: Đức Thụy
Giáo dục cũng có nhiều cố gắng thay đổi để phù hợp với tiến trình phát triển của xã hội. Tuy nhiên, việc tổ chức thi cử của chúng ta vẫn có những bất cập, gây nhiều sự tranh cãi đến nay vẫn chưa ngã ngũ. GS. Trần Thanh Đạm cho rằng: “Mỗi một kỳ thi quốc gia như một trận động đất trong cả nước”, “trò sợ, thầy sợ, cha mẹ sợ, nhà trường và cả địa phương cũng sợ”. “Giá như giáo dục có nhiều con đường để đi vào đời sống, để học lên cao, tùy theo năng lực, hoàn cảnh của người học, thì tình hình có thể khác. Đằng này chỉ có một chuyến đò sang sông vào đại học. Đò nhỏ, khách đông nên ai cũng tìm mọi cách vượt sông”. Có người còn nói: “Thi tốt nghiệp các cấp là việc làm lạc hậu nhất, kém hiệu quả nhất một tàn tích còn sót của lối học cũ. Nó hoàn thiện một chu trình: Học để thi- Thi để lấy bằng- Lấy bằng để làm quan. Trong khi đó đáng lý học phần nào thi ngay phần đó, thi để học cho tốt, chứ không phải thi vì mảnh bằng. Vì hiện nay, các nước có nền giáo dục tiên tiến không có kiểu thi tốt nghiệp như ta. Giống như việc sản xuất một cỗ máy, họ kiểm tra thật kỹ chất lượng từng chi tiết và khi hoàn thiện, chỉ kiểm tra việc lắp ráp. Trong khi đó ở ta thì gần như bỏ qua khâu kiểm tra chi tiết mà chờ lắp hoàn thiện một cái máy rồi mới kiểm tra tổng thể”.

Được biết, trong tổng số chi phí dành cho giáo dục của nước ta, thì tỷ lệ đóng góp từ phía người dân là 40%, và nếu xét theo tỷ lệ so với GDP thì chi phí cho giáo dục từ phía người dân tại Việt Nam là rất cao, chiếm 3,3%. Chúng ta thấy rằng chỉ trong một hoạt động thi đại học- cao đẳng, toàn xã hội đã phải tiêu tốn hàng trăm tỉ đồng. Nhiều câu hỏi đã đặt ra: Sở dĩ kỳ thi đại học vẫn được duy trì là do chi phí của nó quá cao không? Phải chăng người ta mới tính đến chi phí cá nhân của các thí sinh mà chưa tính đến tổng chi phí xã hội? Tổng chi phí lớn như thế này đem lại lợi ích gì cho các cơ quan quản lý, điều hành giáo dục? “Các biện pháp cải cách giáo dục, thi cử… từ trước tới nay ít tính đến việc giảm thiểu chi phí xã hội trong giáo dục, trong khi ai cũng biết rằng: Giảm thiểu chi phí xã hội trong giáo dục là một biện pháp khoan sức dân và nâng cao dân trí”.

Thấy được khuyết điểm này, trước đó, Bộ Giáo dục- Đào tạo đã từng công bố dự định tiến tới một kỳ thi Quốc gia sau THPT vào năm 2010 để lấy kết quả công nhận tốt nghiệp THPT và xét tuyển vào các trường cao đẳng- đại học. Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2009 lần đầu tiên áp dụng 2 phương thức mới là “chấm chéo” và “thi theo cụm” được xem là một bước chuẩn bị quan trọng để có kết quả thi khách quan, trung thực, chính xác hơn, thể hiện quyết tâm thực hiện lộ trình đổi mới công tác thi và tuyển sinh của ngành. Tuy nhiên, thông tin mới đây cho biết: Bộ quyết định năm 2010 vẫn còn 2 kỳ thi với hy vọng vừa đảm bảo tính nghiêm túc trong thi cử vừa không gây xáo trộn nhiều. Vì Bộ không thể cùng một lúc tiến hành quá nhiều công việc lớn.

Theo lời Adam Stikoff, Giám đốc Phòng Thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam: “Việt Nam cần cải tổ giáo dục một cách quyết liệt”, “Nếu quý vị muốn cạnh tranh trong khu vực IT và quý vị muốn thu hút công việc có lương cao, thăng tiến mạnh, thì quý vị cần một lực lượng lao động có trí tuệ và được giáo dục tốt”.

Nền giáo dục của chúng ta là nền giáo dục do dân và vì dân. Chúng ta cần nhanh chóng khắc phục những khó khăn, và hạn chế để nhanh chóng xây dựng một nền giáo dục Việt Nam tiên tiến, có bản sắc dân tộc đậm nét và tính định hướng xã hội chủ nghĩa rõ ràng, xứng đáng ngang tầm và đáp ứng đầy đủ yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Thiên Ân

Có thể bạn quan tâm