Báo xuân 2025

Tết Việt

Nét đẹp tặng chữ đầu xuân

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Mỗi dịp Tết đến Xuân về, người dân Việt lại náo nức với những phong tục truyền thống mang đậm bản sắc dân tộc. Trong đó, nét đẹp tặng chữ đầu xuân đã trở thành một truyền thống hiếu học của dân tộc và mang ý nghĩa cầu chúc may mắn, tài lộc, hạnh phúc cho năm mới.
Ông đồ Đỗ Phúc Hưng-Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ Thư pháp chữ Việt Pleiku viết thư pháp trước cổng chùa Bửu Hải trong dịp đầu xuân tặng chữ người dân. Ảnh: Đinh Yến

Từ thời phong kiến, người Việt đã có thói quen xin và tặng chữ vào dịp đầu năm. Ông đồ Đỗ Phúc Hưng-Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ Thư pháp chữ Việt Pleiku-cho biết: Qua đọc sử sách, thời ấy, khi chữ Hán-Nôm còn phổ biến, chỉ những người học rộng, tài cao, thường là các thầy đồ, nhà nho, mới có thể viết thư pháp.

Vì vậy, việc xin chữ không chỉ thể hiện lòng thành kính đối với tri thức mà còn phản ánh mong ước về công danh, tài lộc trong năm mới. Đến hôm nay, chữ Quốc ngữ đã thay thế chữ Hán-Nôm, song phong tục xin chữ đầu xuân vẫn được duy trì, trở thành một nét đẹp văn hóa không thể thiếu mỗi dịp Tết đến xuân về.

Tặng chữ không chỉ đơn thuần là việc trao tặng một tấm giấy với những nét bút mềm mại, uyển chuyển mà còn là cách người tặng gửi gắm những điều tốt lành đến người nhận. Ảnh: Đinh Yến

Cũng theo ông đồ Đỗ Phúc Hưng, tặng chữ không chỉ đơn thuần là việc trao tặng một tấm giấy với những nét bút mềm mại, uyển chuyển mà còn là cách người tặng gửi gắm những điều tốt lành đến người nhận.

Mỗi chữ viết trên giấy đều mang ý nghĩa sâu sắc, đơn cử như chữ “Phúc” thể hiện mong ước về cuộc sống hạnh phúc; chữ “Lộc” tượng trưng cho tài lộc dồi dào; chữ “An” gửi gắm hy vọng về sự bình an và yên vui.

Các chữ này giờ thường được viết bằng nghệ thuật thư pháp, với những nét bút uyển chuyển, tinh tế thể hiện sự sáng tạo và tâm huyết của người viết. Những bức thư pháp đỏ thắm thường được treo trong nhà suốt cả năm, như một lời nhắc nhở về giá trị của những điều tốt đẹp trong cuộc sống.

Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ Thư pháp chữ Việt Pleiku Đỗ Phúc Hưng (ngồi) viết chữ tặng khách vãn chùa Bửu Hải. Ảnh: Đinh Yến

Với ý nghĩa đó, từ mùng 1 Tết đến nay, tại cổng chùa Bửu Hải (tổ 5, phường Ia Kring, TP. Pleiku), Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ Thư pháp chữ Việt Pleiku Đỗ Phúc Hưng trong tà áo dài truyền thống, đầu đội khăn xếp ngồi bên bàn mực tàu giấy đỏ viết chữ tặng khách vãn chùa.

“Sau 6 năm học viết chữ thư pháp, Xuân Ất Tỵ này, tôi mới tự tin viết chữ tặng. Dù lần đầu viết chữ tặng khách nhưng rất nhiều người tìm đến xin chữ. Ngày mùng 2 Tết, tôi ngồi viết liên tục 6 giờ mà khách đến xin chữ vẫn còn nhiều”-anh Hưng cho biết.

Bà Quách Thị Thúy Nga-Chủ cơ sở tạp hóa Nga Đông (đường Hoàng Văn Thụ, TP. Pleiku) xin chữ đầu xuân. Ảnh: Đinh Yến

Còn nhiều người tìm đến chùa Bửu Hải để xin chữ đầu xuân, mỗi người một tâm thế khác nhau. Bà Quách Thị Thúy Nga-Chủ cơ sở tạp hóa Nga Đông (đường Hoàng Văn Thụ, TP. Pleiku) đi chùa cầu bình an và cầu cho người chồng vừa khuất được siêu thoát. Đến xin chữ, bà được ông đồ Hưng tặng chữ “Vọng tiền nhân” và “Thuận buồm xuôi gió”.

“Tôi sẽ treo những chữ này trong phòng thờ chồng và nơi kinh doanh để việc buôn bán được thuận lợi, hanh thông, cuộc sống được bình an ngay từ đầu năm”-bà Nga bày tỏ.

Hai mẹ con bà Võ Thị Kim Liên (thị trấn Đak Đoa, huyện Đak Đoa) phấn khởi sau khi xin chữ đầu xuân. Ảnh: Đinh Yến

Tương tự, bà Võ Thị Kim Liên (thị trấn Đak Đoa, huyện Đak Đoa) cùng gia đình đi chùa đầu năm; đồng thời, ghé quầy xin chữ “gia đình bình an” và chữ “Trí minh” cho con gái đang học năm nhất Trường Đại học mở TP. Hồ Chí Minh.

Bà Liên bộc bạch: “Chúng tôi là nông dân, trước đây không được học hành nhiều như bây giờ nên thông qua từng con chữ ông đồ viết tặng, người xin chữ như chúng tôi có thêm động lực phấn đấu hiện thực hóa dự định cho bản thân và gia đình trong năm mới”.

Cầm chữ trên tay, bé Dương Thị Kiều Trinh (8 tuổi; trú xã Ia Krăi, huyện Ia Grai) vui vẻ nói: “Từ lớp 1 cháu được nghe cô giáo giảng bài hình ảnh về ông đồ viết chữ tặng cho những ai hiếu học. Hôm nay, cháu nhìn thấy thầy đồ viết chữ, cháu xin chữ “An khang thịnh vượng”. Nhận chữ thầy đồ tặng cháu vui lắm. Những chữ này, cháu treo ở góc học tập để đón những may mắn, thành công, gia đình an khang, hạnh phúc trong năm mới”.

Bé Dương Thị Kiều Trinh (xã Ia Krăi, huyện Ia Grai) thành tâm xin chữ thầy đồ. Ảnh: Đinh Yến

Có thể thấy, việc xin chữ, tặng chữ đầu năm như một món quà tinh thần không thể thiếu trong đời sống văn hóa của người Việt. Xuất phát từ việc gửi gắm những mong muốn mọi điều tốt đẹp sẽ thành hiện thực trong năm mới, người xin chữ trước khi đến gặp ông đồ đã đặt niềm tin vào những con chữ muốn xin hoặc nói lên những nguyện vọng để thầy tặng chữ hay lời chúc phù hợp.

Giữa nhịp sống hiện đại, việc giữ gìn và phát huy phong tục tặng chữ đầu xuân là cách để chúng ta kết nối với cội nguồn, trân trọng giá trị văn hóa truyền thống và lan tỏa những điều tốt đẹp cho cuộc sống.

Chính vì lẽ đó, tặng chữ đầu xuân được ông Đỗ Phúc Hưng dù mới thực hiện lần đầu tại chùa Bửu Hải trong Xuân Ất Tỵ này, song đã để lại nhiều dấu ấn đẹp trong lòng du khách gần xa.

Có thể bạn quan tâm