Văn hóa

Văn học - Nghệ thuật

“Nét Tây Nguyên”

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Tại Ngày hội Di sản văn hóa năm 2024 vừa diễn ra ở khu vực Bảo tàng tỉnh Gia Lai, tác phẩm “Nét Tây Nguyên” gồm 1 cụm 5 trụ gỗ của nhà điêu khắc Nguyễn Nam-Hội viên Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh đã tạo nên điểm nhấn, một nét Tây Nguyên riêng có giữa lòng phố núi.

Tác phẩm thu hút sự quan tâm thưởng lãm của đông đảo người dân và du khách.

Họa sĩ Nguyễn Nam (tên thật là Nguyễn Xuân Nam) sinh năm 1989, ở vùng đất Thanh Hóa anh hùng. Anh vào sinh sống và làm việc ở Gia Lai đã gần 2 thập kỷ. Trong khoảng thời gian gắn bó với mảnh đất cao nguyên đầy nắng và gió, anh có cơ hội được tiếp xúc, gặp gỡ đồng bào các dân tộc thiểu số, tìm hiểu đời sống thường ngày của họ. Từ đây, anh Nam dần mê say vẻ đẹp văn hóa, yêu mến nét mộc mạc, dung dị, đời thường của bà con.

Theo anh Nam, vài năm trở lại đây, tượng gỗ Tây Nguyên đang có sự chuyển dịch rõ rệt về mục đích, không gian sử dụng cũng như cách thức chế tác. Từ việc chỉ đặt ở nhà mồ, trang trí nhà sàn, ở làng... nay tượng được sử dụng rộng rãi ở nhiều không gian và biến tấu thành những trụ gỗ thể hiện nét văn hóa Tây Nguyên, tạo sự gần gũi hơn với công chúng. Vì vậy, anh muốn chạm khắc những nét tinh hoa của văn hóa lên những thân gỗ, để gìn giữ lâu dài. “Trong các tác phẩm của mình, tôi luôn muốn giữ nguyên vẹn bản sắc văn hóa dân tộc. Mỗi một tác phẩm truyền tải một câu chuyện của buôn làng, của văn hóa Tây Nguyên, giúp người xem có cái nhìn bao quát và thiện cảm đối với vùng đất đỏ bazan xinh đẹp này”-anh Nam chia sẻ.

hoa-si-nguyen-nam-ben-tac-pham-dieu-khac-net-tay-nguyen.jpg
Họa sĩ Nguyễn Nam bên tác phẩm điêu khắc Nét Tây Nguyên. Ảnh: N.A.M

Những năm gần đây, họa sĩ Nguyễn Nam đã có một số tác phẩm điêu khắc được chọn tham gia các triển lãm trong và ngoài tỉnh. Gần đây nhất, tại triển lãm mỹ thuật Nam miền Trung và Tây Nguyên lần thứ 29-2024 tại Quảng trường 2-4 (TP. Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa), nhà điêu khắc Nguyễn Nam là 1 trong 3 tác giả lọt vào danh sách giải thưởng trẻ với tác phẩm “Nét Tây Nguyên 2” (chất liệu gỗ, kích thước 90x120x180 cm).

Trong không gian văn hóa Tây Nguyên, tượng gỗ dân gian có một vị trí đặc biệt quan trọng, gắn liền với đời sống, sinh hoạt văn hóa, tâm linh và có sự độc đáo riêng. Mỗi tượng gỗ dân gian mang một dáng vẻ biểu cảm, một sắc thái riêng biệt, được các nghệ nhân tạo nên chỉ từ những dụng cụ thô sơ như: rìu, đục, rựa... Tượng gỗ phản ánh đời sống văn hóa, tín ngưỡng dân gian của người Tây Nguyên. Nhận thức được điều đó, họa sĩ Nguyễn Nam và cộng sự đã tổng hợp, khái quát các loại hình tượng gỗ, mặt nạ, hoa văn... khắc lên những thân gỗ lớn để lưu giữ những nét Tây Nguyên mộc mạc, đồng thời để người xem có cái nhìn tổng thể hơn về văn hóa Tây Nguyên thông qua tác phẩm của mình.

Tác phẩm “Nét Tây Nguyên” gồm 1 cụm 5 trụ gỗ, được làm từ gỗ sao xanh mỗi trụ cao 5,2 m, đường kính trung bình 40 cm, dựng thẳng đứng, cố định trên đế bê tông cốt thép có kích thước 2,7x 3,7 m, được họa sĩ Nguyễn Nam và cộng sự làm liên tục trong 6 tháng. “Nét Tây Nguyên” được tạo nên từ cảm hứng, niềm đam mê của họa sĩ đối với những nét hoa văn trên thổ cẩm và dòng tượng gỗ mang linh hồn của các dân tộc ở Tây Nguyên. 5 trụ gỗ sừng sững hướng lên bầu trời tượng trưng cho 5 tỉnh Tây Nguyên, cũng là đại diện cho 5 dân tộc Bahnar, Jrai, Ê Đê, M’Nông, Cơ Ho cùng sinh sống đoàn kết trên địa bàn Tây Nguyên. Dựa theo 2 mép mỗi trụ gỗ, cơ bản là 2 đường thẳng song song, Nguyễn Nam điêu khắc các đường sóng nước, hình răng cưa, hình ô trám, hình sao, hình người cách điệu...

cac-nghe-nhan-xa-glar-dak-doa-chup-anh-luu-niem-truoc-tac-pham-net-tay-nguyen.jpg
Các nghệ nhân xã Glar (huyện Đak Đoa) chụp ảnh lưu niệm trước tác phẩm “Nét Tây Nguyên”. Ảnh: N.A.M

Thêm vào đó là nhóm tượng trang trí mang đậm bản sắc Tây Nguyên, chủ yếu là tượng miêu tả cảnh sinh hoạt hàng ngày trong buôn làng, tượng trai gái xoang, đánh cồng chiêng trong lễ hội... “Qua tác phẩm, ngoài việc để thỏa mãn niềm đam mê điêu khắc, tôi còn muốn giới thiệu đến người xem những nét tinh hoa trên tượng gỗ Tây Nguyên và cũng góp phần gìn giữ, bảo tồn bản sắc văn hóa của địa phương”-họa sĩ Nguyễn Nam trải lòng.

Theo chia sẻ của ông Lê Thanh Tuấn-Giám đốc Bảo tàng tỉnh, nếu có kinh phí, Bảo tàng tỉnh sẽ lưu giữ tác phẩm “Nét Tây Nguyên” để trưng bày lâu dài, tạo điểm nhấn trưng bày ngoài trời cho Bảo tàng. Trong thời gian diễn ra Ngày hội Di sản văn hóa năm 2024, đã có nhiều người dân và du khách đến tham quan, chụp ảnh lưu niệm cùng với tác phẩm “Nét Tây Nguyên”. Nhiều người trầm trồ, thán phục trước tầm vóc và yếu tố mỹ thuật, đặc biệt là góc độ biểu thị văn hóa dân gian Tây Nguyên của tác phẩm. Còn họa sĩ Nguyễn Nam thì cho hay: “Nét Tây Nguyên” có kích thước lớn nên mỗi lần di chuyển rất khó khăn và tốn kém, không cẩn thận sẽ ảnh hưởng đến phần mỹ thuật. Vì vậy, sau Ngày hội Di sản văn hóa năm 2024, tác phẩm vẫn được trưng bày tại khu vực Bảo tàng tỉnh để công chúng tham quan, thưởng lãm.

Có thể bạn quan tâm