Đô thị

Nhịp sống Đô thị

Ngã 7 "đô la"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Ngã 7 “đô la” là nơi giao nhau giữa đường Nguyễn Văn Cừ-đường Hoàng Sa-đường vào Đội Quản lý vận hành lưới điện cao thế Gia Lai-đường lên đỉnh núi Đá-2 đường vào Nghĩa trang Pleiku và đường đi huyện biên giới Ia Grai (tỉnh lộ 664). Đây là ngã 7 có một không hai ở TP. Pleiku.
Là điểm đầu của tuyến đường dẫn đến nghĩa trang và nơi thi hành án tử hình nên dân gian quan niệm, nơi ấy, vong hồn của những người chết dễ trở thành ma đói, quỷ đói. Để những vong hồn có thức ăn, quần áo mặc, tiền tiêu xài, không quấy phá những người dân lương thiện thì phải cúng bái, rải tiền âm phủ, đô la âm phủ, gạo, muối... “tiếp tế”. Và cái tên ngã 7 “đô la” ra đời với ý nghĩa đó.
Cụ Nguyễn Hữu Dũng (hơn 80 tuổi, ở tổ 7, phường Ia Kring) khẳng định: Cụ làm ăn, sinh sống ở đây từ năm 1963 đến nay. Sau năm 1975, chính quyền thường áp tải những người phạm trọng tội đến ngã 7 núi Đá, rồi dẫn giải họ xuống phía dưới lưng chừng núi này để thi hành án tử hình. Một số người sống gần đó nghĩ “nghĩa tử là nghĩa tận” nên mua sắm vàng mã đô la giả (có khi cả đô la thật) đốt cho những người chết. Từ đó, người dân trong vùng gọi ngã 7 núi Đá là ngã 7 “đô la”. Đến nay, nhiều người vẫn còn cúng bái, đốt vàng mã tại khu vực này.
Khu vực ngã 7 “đô la”-nơi giáp ranh giữa TP. Pleiku và huyện Ia Grai. Ảnh: Hoàng Cư
Khu vực ngã 7 “đô la”-nơi giáp ranh giữa TP. Pleiku và huyện Ia Grai. Ảnh: Hoàng Cư
Cũng với những thông tin trên, ông Đỗ Văn Sơn (con trai ông Đỗ Văn Ba-người hành nghề đào huyệt chôn cất người chết và xây dựng bia mộ từ trước năm 1975) nối nghề nghiệp cha hơn 30 năm nay cho rằng: “Nghĩa trang TP. Pleiku lúc còn đất chôn người chết thì việc cúng bái, rải vàng mã khu vực ngã 7 “đô  la” ngày nào cũng có. Còn ngày nay, vào ngày rằm, mùng một, nhất là rằm tháng 7, ngã 7 “đô la” vẫn có người cúng bái, đốt vàng mã”.
Nằm sát ngã 7 “đô la” là núi Đá. Đứng ở đây có thể cảm nhận những luồng gió mát lành từ hồ nước trong xanh, thu vào tầm mắt rừng thông xanh, cánh đồng rau màu xanh tươi toàn cảnh TP. Pleiku, những cột điện gió sừng sững dưới nền trời xanh ở xã Ia Pếch (huyện Ia Grai). Khung cảnh kỳ thú này thu hút khách du lịch đến tham quan, trải nghiệm. Ông Puih Blí-Chủ tịch UBND xã Ia Dêr (huyện Ia Grai) cho hay: “Núi Đá cao nhất vùng và phong cảnh núi hồ, ruộng rẫy hữu tình, nhất là khu rừng thông bằng phẳng, rộng lớn. Bà con trong xã luôn có ý thức bảo vệ cảnh quan, giữ gìn trật tự, an toàn cho mọi người đến đây vui chơi, thư giãn”.
Đối diện với đường lên núi Đá là 2 tuyến đường vào Nghĩa trang Pleiku. Vào dịp Tết, đông đảo người dân đến viếng mộ. Ông Trần Trọng Nghĩa-Đội trưởng Đội Quản lý Nghĩa trang TP. Pleiku (Công ty TNHH một thành viên Công trình đô thị Gia Lai) cho biết: “Nghĩa trang Pleiku được hình thành từ năm 1985 với hơn 35.000 ngôi mộ trong diện tích 50 ha. Đội Quản lý nghĩa trang thường xuyên tuyên truyền, vận động để người dân không điều khiển xe ô tô đi lại trong nghĩa trang nhằm hạn chế tình trạng ùn tắc giao thông, mất trật tự, nhất là ở trong và ngoài cổng nghĩa trang, khu vực ngã 7 đô la”.
Thành phố Pleiku đã và đang tập trung nguồn lực phát triển du lịch sinh thái, xây dựng thành phố “Cao nguyên xanh vì sức khỏe”. Và ngã 7 “đô la” là cửa ngõ phía Tây của thành phố với điểm du lịch núi Đá nổi tiếng. Trước tình trạng rải vàng mã, cúng bái khu vực ngã 7 “đô la”, Thượng tọa Thích Quang Phúc-Phó Trưởng ban Trị sự kiêm Chánh Thư ký Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh-nhìn nhận: “Rải và đốt vàng mã, tiền âm phủ là những việc làm lãng phí, gây ô nhiễm môi trường, dễ dẫn đến tai nạn giao thông, cháy nổ, mất mỹ quan đô thị. Chúng ta cần loại bỏ hành vi này. Nếu ai đó có điều kiện nên sử dụng tiền của vào việc khác hợp lý hơn, có ích lợi hơn cho chúng sinh”.
HOÀNG CƯ

Có thể bạn quan tâm