Thời sự - Sự kiện

Thời sự quốc tế

Nga tìm cách tăng cường hiện diện hải quân ở Địa Trung Hải

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Giữa lúc Mỹ và Nga tranh giành ảnh hưởng ở châu Phi, Moscow tìm cách để các tàu chiến của mình có thể tiếp cận một cảng của Libya ở Địa Trung Hải, qua đó tăng cường hiện diện hải quân ở khu vực được xem là 'sân sau' của NATO.

Theo tường thuật của báo The Wall Street Journal (WSJ) ngày 15.9, các quan chức cấp cao của Nga, bao gồm Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Yunus-Bek Yevkurov, đã gặp nhà chỉ huy quân sự quyền lực Khalifa Haftar ở Libya trong những tuần gần đây để thảo luận về quyền cập cảng lâu dài ở phía đông Libya. Phía Nga đã yêu cầu được tiếp cận cảng Benghazi hoặc cảng Tobruk, cả hai đều nằm cách Hy Lạp và Ý chưa đầy 650 km.

Tiết lộ với WSJ, các quan chức và cố vấn ở Libya cho biết giới chức Nga đã nói với ông Haftar, người đứng đầu lực lượng Quân đội Quốc gia Libya (LNA) đang kiểm soát miền đông Libya, rằng việc tiếp cận cảng Benghazi hoặc cảng Tobruk sẽ cho phép Nga tiếp nhiên liệu, bổ sung nhu yếu phẩm và sửa chữa các tàu hải quân của mình.

Hai cảng nói trên đã có cơ sở hạ tầng đáp ứng yêu cầu của Nga, và hiện vẫn chưa rõ liệu Moscow có muốn nâng cấp các cơ sở này để đóng quân, lưu trữ đạn dược hoặc các vật tư khác ở đó hay không.

Ông Khalifa Haftar (mũ đỏ) đang là người kiểm soát miền đông Libya. Ảnh: REUTERS

Ông Khalifa Haftar (mũ đỏ) đang là người kiểm soát miền đông Libya. Ảnh: REUTERS

Moscow không lập tức đưa ra bình luận. Người phát ngôn của LNA cho biết ông không có bất kỳ thông tin nào về các cuộc thảo luận giữa ông Haftar với các quan chức Nga về việc tiếp cận cảng. Chính quyền Moammar Gadhafi ở Libya năm 2008 đã cho phép Nga tiếp cận các cảng nói trên, nhưng Moscow đã từ chối vào thời điểm đó.

Các cuộc đàm phán với tướng Haftar về quyền tiếp cận cảng diễn ra trong bối cảnh Moscow đang tìm cách tăng cường ảnh hưởng ở châu Phi, cạnh tranh với Mỹ. Các nhóm quân sự và an ninh Nga trung thành với Điện Kremlin cũng đang tiến tới kiểm soát các đơn vị binh lính và tài sản của Công ty Quân sự Tư nhân Wagner sau cái chết của người sáng lập Yevgeny Prigozhin vào tháng trước.


Theo WSJ, một phái đoàn ngoại giao và quân sự của Mỹ dự kiến đến Libya vào cuối tháng này để thúc ép ông Haftar trục xuất lính đánh thuê Wagner và khuyến khích ông thống nhất lực lượng của mình với lực lượng do các phe phái đối thủ kiểm soát. Mỹ hy vọng việc đó sẽ tạo ra một vùng đệm trước tình trạng hỗn loạn ngày càng nghiêm trọng ở khu vực Sahel của châu Phi, nơi chứng kiến sự gia tăng của các hoạt động thánh chiến và hàng loạt vụ đảo chính lật đổ chính phủ.

Ông Michael Langley, chỉ huy Bộ Tư lệnh Châu Phi của Mỹ và Richard Norland, đặc phái viên của Mỹ tại Libya, dự kiến gặp riêng ông Haftar và ông Abdul Hamid Dbeibah, người đứng đầu chính phủ được quốc tế công nhận đóng tại thành phố Tripoli ở phía tây Libya.

Các nhà phân tích cho rằng mặc dù yêu cầu của Nga về quyền cập cảng ở miền đông Libya không gây ra mối đe dọa ngay lập tức cho các thành viên NATO, nhưng liên minh quân sự do Mỹ dẫn đầu lo ngại rằng Moscow cuối cùng có thể mở rộng quy mô hiện diện ở đó.

Nỗ lực tiếp cận của Nga ở châu Phi dường như cũng đã đặt phương Tây vào thế phòng thủ ở một số khu vực của lục địa này. Các nhà phân tích cho rằng bước tiến mới của Nga sẽ cho phép Moscow kiểm soát các hành lang năng lượng quan trọng có thể đóng vai trò thay thế cho nguồn cung từ Nga sang châu Âu. Việc đó cũng sẽ cho phép Điện Kremlin mở rộng cuộc đối đầu toàn cầu với phương Tây.

Nga vốn đã kiểm soát cảng Tartus của Syria ở phía đông Địa Trung Hải và đã triển khai các tàu tuần dương mang tên lửa dẫn đường Slava tới đó ngay sau khi chiến sự Ukraine bùng nổ vào tháng 2.2022. Vào thời điểm đó, các quốc gia châu Âu coi việc triển khai này là nỗ lực nhằm đe dọa NATO.

Tàu Nga ở cảng Tartus của Syria. CHỤP MÀN HÌNH WSJ

Tàu Nga ở cảng Tartus của Syria. CHỤP MÀN HÌNH WSJ

Libya chìm trong bạo lực kể từ phong trào nổi dậy năm 2011 lật đổ ông Gadhafi. Các nhóm vũ trang và các thế lực nước ngoài đã tranh giành quyền lực kể từ đó, với nội chiến nổ ra vào năm 2019. Đất nước hiện vẫn bị chia rẽ giữa các phe phái ở phía đông và phía tây. Nga có ảnh hưởng đối với ông Haftar vì nước này đã bảo vệ ông trước các phe phái được Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn đóng ở Tây Libya.

Đông Libya là điểm trung chuyển quan trọng cho máy bay Nga bay từ Nga hoặc Syria đến vùng cận Sahara của châu Phi. Các quan chức châu Phi, Nga và phương Tây hiện tại và trước đây cho biết việc triển khai lính đánh thuê của Wagner ở Mali và Cộng hòa Trung Phi sẽ không thể diễn ra nếu Wagner không tiếp cận được căn cứ không quân của ông Haftar. Moscow cũng đang thảo luận để thành lập một trung tâm hàng không ở Cộng hòa Trung Phi, theo cố vấn an ninh nước này.

Có thể bạn quan tâm