Bắt đầu từ TP. Pleiku đến trung tâm huyện Kbang, chúng tôi mất tầm hơn 2 giờ cho chặng đường gần 100 km. Từ phố huyện di chuyển hơn 60 km nữa sẽ đến Khu Bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng (thuộc xã Sơn Lang). Từ vị trí này hành trình khám phá cảnh quan đường rừng của đoàn chúng tôi bắt đầu.
Đồng hành cùng chúng tôi là anh Trần Quang Hưng và anh Đinh Văn Thừa (nhân viên quản lý bảo vệ rừng). Vì có ít thời gian nên anh Hưng tư vấn đoàn di chuyển bằng phương tiện xe máy xuất phát từ trụ sở Khu bảo tồn theo hướng vào Trạm Quản lý bảo vệ rừng Đak Bla, khoảng cách tầm hơn 7 km. Chặng xe máy di chuyển qua con đường đất nhỏ xuyên rừng, khá gập ghềnh và trơn trượt do đất hơi ẩm và lá mục phủ dày bên dưới. Sau đó, chúng tôi tiếp tục đi bộ khoảng 500 m nữa là đến đỉnh thác Rêu.
Thác Rêu là một trong những thác nước đẹp của Khu Bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng. Ảnh: V.T.T |
Do đặc tính về thổ nhưỡng, khí hậu phân tầng mà khu vực này phát triển rất mạnh loài thông nàng đặc trưng. Đường khá dễ đi, cứ khoảng một đoạn, chúng tôi lại được chiêm ngưỡng những thân cổ thụ vươn lên giữa đất trời. Trên đường đi, có một loại hoa màu đỏ ối như ráng chiều rơi rụng phủ trên mặt đất in dấu chân người khiến cho cảnh vật thêm phần thơ mộng. Nắng vàng dịu nhẹ cùng không gian mát mẻ giữa cảnh sắc núi rừng hòa cùng tiếng nói cười râm ran khiến lòng người thêm nhẹ nhàng, thư thái.
Chặng đường thong dong tận hưởng hương rừng của chúng tôi khá dễ dàng cho đến khi bắt đầu chạm chân đến thác Rêu. Trước khi đến thác, chúng tôi băng qua một đoạn suối nhỏ mát lành với nhiều tảng đá nhỏ lọt thỏm dưới lòng suối phủ dày rêu rất đẹp mắt. Từ xa, tiếng nước chảy đã bắt đầu vang vọng cùng không khí mát lành tỏa ra xung quanh khiến cho mọi người ai nấy đều háo hức và nhanh những bước chân. Khó nhất trong suốt chặng đường là đoạn bám vào dây thừng mà các anh dẫn đường đã cột chặt níu vào các gốc cây to để làm điểm tựa cho du khách leo xuống thác.
Mọi sự mệt mỏi như tan biến khi trước mắt chúng tôi là một khung cảnh tuyệt đẹp. Dòng thác ầm ì tuôn chảy với lực khá mạnh, từ đỉnh thác tràn xuống từng bậc đá rêu phong tung bọt trắng xóa. Những tia nước bắn ra xung quanh mang lại bầu không khí trong lành, mát rượi. Có lẽ vì vậy mà rừng phòng hộ đầu nguồn cùng thảm thực vật xung quanh khu vực này rất xanh mát và vô cùng tươi tốt khiến cho cả một vùng cảnh quan tràn đầy sức sống.
Theo giải thích của người dẫn đường, tên thác Rêu là do xung quanh có rất nhiều mảng rêu xanh rì bám vào những tảng đá nằm dưới chân thác. Cùng với dòng chảy thời gian, từng tầng đá được phủ một màu đen tuyền. Qua sự bào mòn của dòng nước chảy xiết, những phần đá lộ thiên nhấp nhô quanh thác vô tình trở thành vị trí thuận lợi để du khách nương vào lưu lại những khoảnh khắc khó quên bên thác nước giữa rừng xanh.
Gần đỉnh thác là một con suối nhỏ phủ dày rêu xanh. Ảnh: V.T.T |
Thác Rêu được phân chia thành 3 tầng. Giữa các tầng có những tảng đá to, du khách có thể dừng chân nghỉ ngơi, thưởng ngoạn khung cảnh xung quanh và ăn nhẹ để lấy sức cho hành trình quay về. Thác nước không quá cao, các tầng có độ cao gần 30 m, lưu lượng nước nhiều chảy đều quanh năm. Được thảm rừng nguyên sinh bao bọc nhưng khi những cơn gió thổi lên từng đợt mang theo tiếng rì rào của cỏ cây hòa cùng dòng thác reo ca tạo nên một khung cảnh vừa nên thơ lại vô cùng kì vĩ. Ngày nối ngày, đêm tiếp đêm, dòng thác hòa ca cùng tiếng chim gọi bầy, tiếng cây rừng lao xao mời gọi người lữ khách phương xa.
Thác Rêu là một trong những ngọn thác đẹp của Khu Bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng nhưng hiện vẫn là “nàng công chúa ngủ trong rừng”. Hiện nay, du khách đến đây không quá đông, chủ yếu là người dân địa phương yêu thích loại hình du lịch khám phá, mạo hiểm. Nhưng cũng vì lẽ đó mà cảnh quan hoang sơ, tự nhiên của dòng thác nói riêng và của khu vực này nói chung lại khiến cho vẻ đẹp của thác thêm phần hấp dẫn. Và, nếu bạn là người đam mê du lịch khám phá, thích được hòa mình vào thiên nhiên tươi đẹp thì thác Rêu chắc hẳn là một sự lựa chọn thích hợp.