Sống trẻ - Sống đẹp

Ngăn chặn bạo lực học đường

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Thời gian gần đây, trong các trường học ở một số địa phương trên cả nước đã xảy ra nhiều vụ việc nổi cộm xoay quanh vấn đề văn hóa ứng xử học đường dẫn đến hậu quả đau lòng, thậm chí vi phạm pháp luật, buộc cơ quan chức năng phải vào cuộc.

Từ vụ “cô giáo quỳ” đến chuyện phụ huynh đánh giáo sinh thực tập đang mang thai; rồi việc cô giáo “im lặng không giảng bài” suốt 3 tháng đến các trường hợp học sinh bóp cổ cô giáo; học sinh đâm thầy giáo trọng thương và mới nhất là cô giáo hợp đồng ở Hải Phòng bắt phạt học sinh ngậm nước giặt giẻ lau bảng… Tất cả đã gióng lên hồi chuông báo động khẩn cấp về tình trạng bạo lực học đường, nhất là việc ứng xử thô bạo giữa thầy-trò, phụ huynh-giáo viên.

 

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Truyền thống giáo dục Việt Nam là “Tôn sư trọng đạo”, có thời người thầy được đặt trên cả cha mẹ, do đó không những được học trò kính trọng mà cả phụ huynh cũng đặt trọn niềm tin vào thầy cô. Nhà trường không những là nơi dạy chữ mà còn là môi trường rèn luyện nhân cách, đạo đức cho học sinh. Do vậy, môi trường ấy không thể dung nạp những hành vi thô bạo mà luôn đề cao tình thân ái và lòng tôn trọng với sự ứng xử văn hóa. Trong cuộc sống hiện đại, học sinh có những đổi thay đáng kể về tâm sinh lý do được nuôi dưỡng tương đối đầy đủ, bên cạnh đó là những ảnh hưởng từ sự phát triển nhanh chóng về công nghệ thông tin toàn cầu.

Do đó, công tác giáo dục ở nhà trường và gia đình cũng phải đổi mới để thích nghi, không thể bảo thủ với những nguyên tắc đã lỗi thời hay thói quen không còn phù hợp. Người thầy không còn được khuyến khích hành xử với học sinh theo kiểu “thương cho roi cho vọt” mà ngày nay các em cần sự tôn trọng ở góc độ là một nhân cách đang phát triển, được xã hội và luật pháp bảo vệ.

Một trong những nguyên nhân của các vụ lùm xùm ở trường học vừa qua đều có bóng dáng của người thầy ứng xử không đúng mực khi học sinh phạm lỗi. Điều đó có thể do thói quen hoặc sự thiếu kiềm chế, đôi khi quên rằng mình là nhà sư phạm và các em là đối tượng cần được giáo dục có phương pháp. Bên cạnh đó, người thầy trong khi trách phạt đã không thấy được vai trò của mình là “cầm cân nảy mực”; còn phụ huynh thì đã đánh mất niềm tin vào người dạy dỗ con mình nên có hành động thiếu văn hóa, vi phạm pháp luật dẫn đến nhiều hệ lụy cho môi trường giáo dục. Có thể thấy, sự ứng xử vượt giới hạn trong quan hệ thầy-trò, giáo viên-phụ huynh từ các vụ việc vừa xảy ra là do thiếu tự chủ, không tôn trọng lẫn nhau.

Để hạn chế, tiến đến chấm dứt xung đột, bạo hành ở các trường học, làm lành mạnh hóa môi trường giáo dục, chúng ta cần có các bộ quy tắc ứng xử trong quan hệ thầy-trò, giáo viên-phụ huynh thống nhất ở các trường học để phổ biến đến học sinh và cha mẹ các em. Trong năm học, Hiệu trưởng và Hội đồng sư phạm nhà trường, Hội Cha mẹ học sinh và các đoàn thể có trách nhiệm phổ biến các quy tắc này đến các đối tượng là thành viên để nắm bắt và chấp hành. Khuyến khích giáo viên có nhiều sáng kiến trong việc giải quyết tốt các tình huống sư phạm, nghiên cứu các phương pháp giáo dục học sinh cá biệt có hiệu quả.

Thầy-cô giáo cần có kế hoạch và thời gian để tiếp cận với gia đình học sinh mình chủ nhiệm, tạo mối quan hệ tốt để phối hợp giáo dục các em. Sự kết nối này sẽ tạo nên sự hiểu biết và tôn trọng lẫn nhau để cùng tiến đến mục tiêu cao nhất, đó là sự tiến bộ của con em mình.Vào kỳ cuối năm học, nhà trường cần có đánh giá sâu sát, trung thực về sự phối hợp giáo dục giữa gia đình và nhà trường và rút ra bài học kinh nghiệm. Đồng thời, cần có chế độ khen thưởng đối với các thành viên có nhiều cống hiến cho công tác giáo dục nhà trường.

Bùi Quang Vinh

Có thể bạn quan tâm