(GLO)- Từ đầu năm đến nay, Gia Lai ghi nhận 5 ca tử vong do bệnh dại, là địa phương đứng đầu khu vực miền Trung-Tây Nguyên về số ca tử vong do bệnh này.
Ông Hồ Ngọc Gia-Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh-cho biết: Trường hợp tử vong mới nhất do bệnh dại là bà N.T.T (SN 1969, ở làng B, xã Gào, TP. Pleiku). Bệnh nhân khởi phát bệnh dại vào ngày 21-8-2022 và tử vong ngày 4-9-2022. Theo thông tin từ những người gần nhà bà T. cho biết: Tháng 7-2022, một con chó trong làng cắn một bé gái. Sau đó, người thân cháu bé đã đập chết con chó này. Đây là con chó chưa được tiêm phòng dại. Bé gái sau khi bị chó cắn đã tiêm vắc xin phòng bệnh dại đủ 5 mũi. Bà T. trong quá trình đem xác con chó đi chôn không may trượt ngã và bị răng của con chó cứa trúng tay làm xây xước da. Bà chỉ xử lý vết thương bằng xà phòng chứ không tiêm huyết thanh kháng dại và vắc xin phòng bệnh dại.
Bệnh dại là căn bệnh vô cùng nguy hiểm. Khi phát bệnh, người bị bệnh gần như tử vong 100%. Tuy vậy, nhiều người vẫn chưa lường hết sự nguy hiểm của bệnh dại nên chủ quan hoặc điều trị sai cách gây nguy hiểm đến tính mạng. Hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, nhưng bệnh dại hoàn toàn có thể phòng tránh được. Đó là tiêm phòng cho vật nuôi như chó, mèo, vì không có bệnh dại trên động vật thì sẽ không có bệnh dại trên người.
Cán bộ y tế xã Hải Yang, huyện Đak Đoa tuyên truyền về phòng ngừa bệnh dại đến người dân trên địa bàn. Ảnh: Như Nguyện |
Để chủ động phòng-chống bệnh dại, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh khuyến cáo người dân cần thực hiện tốt các biện pháp như: Tiêm phòng cho chó, mèo nuôi đầy đủ và nhắc lại hàng năm theo khuyến cáo của cơ quan thú y. Chó nuôi phải xích, nhốt, khi ra đường phải mang rọ mõm. Người dân không nên đùa nghịch, chọc phá các con vật nuôi. Khi bị chó, mèo cắn, người dân cần rửa vết thương dưới vòi nước chảy ngay lập tức với xà phòng liên tục 15 phút; nếu không có xà phòng thì có thể xối rửa vết thương bằng nước thông thường. Đây là những phương pháp sơ cứu đầu tiên cần thực hiện để phòng bệnh dại. Vết thương sau đó cần được rửa sạch với cồn 70%, cồn iod hoặc povidone-iodine (nếu có); hạn chế làm dập vết thương và không băng kín vết thương. Bên cạnh đó, người bị chó, mèo cắn cần đến ngay trung tâm y tế gần nhất để được tư vấn và tiêm vắc xin phòng dại kịp thời, tuyệt đối không tự chữa hoặc nhờ thầy lang khám chữa.
Dù công tác tuyên truyền về bệnh dại được thực hiện thường xuyên nhưng một số người dân vẫn còn tâm lý chủ quan, khi bị chó, mèo cắn không đi tiêm vắc xin phòng bệnh kịp thời, đầy đủ. Bên cạnh đó, nhiều hộ gia đình vẫn nuôi chó, mèo theo kiểu thả rông, không tiêm vắc xin phòng dại dẫn đến công tác phòng-chống bệnh dại chưa đạt hiệu quả như mong muốn. Theo thống kê của Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, toàn tỉnh có khoảng 200.000 con chó nuôi. Riêng tại TP. Pleiku, tổng đàn chó nuôi ước tính trên 12.000 con. Tuy nhiên, tỷ lệ tiêm phòng cho đàn chó nuôi hàng năm chỉ đạt khoảng 10-20%.
Bà Võ Thị Hằng-Chủ tịch UBND phường Hội Thương (TP. Pleiku) cho biết: Hàng năm, phường thống kê và xây dựng kế hoạch tiêm vắc xin phòng dại cho đàn chó nuôi. Ngoài ra, phường tổ chức vận động các hộ nuôi ký cam kết quản lý, chủ động tiêm phòng vắc xin dại cho chó, mèo. “Tuy vậy, nhiều hộ gia đình không chủ động tiêm phòng cho chó, mèo; còn nuôi thả rông, không rọ mõm khi cho vật nuôi ra đường… Việc nuôi chó, mèo nhưng không tuân thủ quy định không chỉ làm gia tăng nguy cơ lây truyền bệnh dại mà còn gây mất tình làng nghĩa xóm. Nhiều vụ chó thả rông cắn người hay phóng uế bừa bãi dẫn đến mâu thuẫn, xích mích, gây ô nhiễm môi trường. Vì vậy, những hộ nuôi chó cần tuân thủ quy định và có trách nhiệm trong việc quản lý vật nuôi”-bà Hằng nêu ý kiến.
Theo quy định, người dân phải mua vắc xin tiêm phòng cho chó nuôi và phải quản lý chặt chẽ vật nuôi. Nghị định số 90/2017/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y có quy định phạt tiền 1-2 triệu đồng đối với các hành vi không tiêm phòng vắc xin phòng bệnh dại cho động vật bắt buộc phải tiêm phòng, không đeo rọ mõm cho chó hoặc không xích giữ chó, không có người dắt khi ra nơi công cộng. Nhưng thực tế, rất hiếm trường hợp bị xử phạt nên người nuôi chó vẫn vi phạm. Đây là nguy cơ tiềm ẩn bệnh dại gây ra những cái chết thương tâm.
NHƯ NGUYỆN