Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Ngăn chặn tai nạn giao thông trong thanh-thiếu niên dân tộc thiểu số cần giải pháp đồng bộ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh xảy ra 134 vụ tai nạn giao thông (TNGT), làm chết 99 người, bị thương 124 người. Đáng chú ý, có tới 9/11 vụ TNGT rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng liên quan đến người điều khiển phương tiện là thanh-thiếu niên dân tộc thiểu số (DTTS). Đây là thực trạng đáng báo động và cần có giải pháp đồng bộ để ngăn chặn. 
Con số đáng báo động
Chư Sê và Đức Cơ là 2 huyện đứng đầu toàn tỉnh về số vụ TNGT rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng từ đầu năm đến nay. Riêng huyện Chư Sê xảy ra 6 vụ TNGT rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng, làm chết 13 người, bị thương 4 người; huyện Đức Cơ xảy ra 2 vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng, làm chết 6 người, bị thương 1 người.
Tại huyện Chư Sê, trong số 6 vụ TNGT rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng có 4 vụ liên quan đến thanh-thiếu niên DTTS. Ông Hồ Minh Hậu-Phó Trưởng ban Thường trực Ban An toàn Giao thông huyện Chư Sê-cho biết: Phần lớn các vụ TNGT xảy ra trên các tuyến quốc lộ và đường liên xã. Điển hình là vụ TNGT làm 3 thanh niên người Jrai tử vong xảy ra ngày 29-1 tại Km 1684+580 đường Hồ Chí Minh. Em Rah Lan Thuân (SN 2002) điều khiển xe máy chở 3, đi không đúng phần đường và tông trực diện vào xe khách ngược chiều. “Các em mới chỉ 17-18 tuổi. Riêng Thuân có kết quả kiểm tra nồng độ cồn 84,2 mg/100 ml máu, chưa có giấy phép lái xe… Hoàn cảnh gia đình của 3 nạn nhân đều rất khó khăn. Các em vừa đến tuổi có thể đỡ đần cha mẹ lại ra đi quá sớm chỉ vì phút bốc đồng, để lại nỗi đau cho gia đình và xã hội”-ông Hậu nói. 
Cảnh sát Giao thông Công an tỉnh lập biên bản các trường hợp vi phạm tại chốt kiểm soát phương tiện giao thông cơ giới đường bộ đặt trên quốc lộ 19. Ảnh: L.H
Cảnh sát Giao thông Công an tỉnh lập biên bản các trường hợp vi phạm tại chốt kiểm soát phương tiện giao thông cơ giới đường bộ đặt trên quốc lộ 19. Ảnh: L.H
Tối 18-4, tại Km 168+550 quốc lộ 25 (thuộc làng Tơ Nung, xã Hbông, huyện Chư Sê) đã xảy ra vụ TNGT rất nghiêm trọng làm chết 2 người, bị thương 1 người. Ông Hoàng Trọng Đạt (SN 1962, trú tại phường Sông Bờ, thị xã Ayun Pa) điều khiển xe mô tô BKS 81M1-038.34 chạy lấn làn đã tông vào xe máy BKS 81L1-022.57 do em Siu Hyết (SN 2003, trú tại làng O Bung, xã Ia Ko, huyện Chư Sê) chở theo em Rmah Trớ (SN 2001, trú tại làng Queng Đơn, xã Hbông). Hậu quả, ông Đạt và em Hyết tử vong, em Trớ bị thương.
Tương tự, tại huyện Đức Cơ, chỉ trong 2 ngày (3 và 4-5) đã liên tiếp xảy ra 2 vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng làm chết 6 người, bị thương 1 người. 5/6 nạn nhân tử vong mới 13-14 tuổi, trong đó có em đang là học sinh THCS.
Cần giải pháp đồng bộ
Tai nạn giao thông liên quan đến thanh-thiếu niên DTTS là thực trạng đáng lo ngại từ nhiều năm qua. Mới đây, Ban An toàn Giao thông tỉnh đã tiến hành rà soát, đánh giá toàn bộ tình hình TNGT liên quan đến xe mô tô, xe gắn máy trong năm 2019 và 4 tháng đầu năm 2020. Qua phân tích cho thấy, trong khoảng thời gian này, toàn tỉnh có 213/476 vụ TNGT liên quan người DTTS, làm chết 142 người, bị thương 184 người. Trong số này có 118 vụ (chiếm 55,4%) người trực tiếp gây tai nạn là thanh-thiếu niên DTTS (có 43 vụ người trực tiếp gây TNGT dưới 18 tuổi). 
Tai nạn giao thông là nguyên nhân gây ra nỗi đau cho nhiều gia đình. (Ảnh chụp một vụ TNGT trên đường Lê Duẩn, TP. Pleiku). Ảnh: L.H
Tai nạn giao thông là nguyên nhân gây ra nỗi đau cho nhiều gia đình. (Ảnh chụp một vụ TNGT trên đường Lê Duẩn, TP. Pleiku). Ảnh: L.H
Theo ông Hồ Minh Hậu: “Trong 5 vụ TNGT rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng xảy ra trên địa bàn huyện đã làm rõ nguyên nhân (vụ còn lại đang điều tra), tất cả đều xuất phát từ việc người điều khiển phương tiện gây tai nạn đi không đúng phần đường, làn đường. Có trường hợp người gây tai nạn chưa đủ tuổi điều khiển phương tiện, chưa có giấy phép lái xe, sử dụng xe phân khối lớn, xe độ chế hoặc cũ kỹ…”. 
Ông Lê Văn Hạnh-Phó Giám đốc phụ trách Sở Giao thông-Vận tải, Phó Trưởng ban Thường trực Ban An toàn Giao thông tỉnh-cho rằng: Một số địa phương chưa huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc trong công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông. Ý thức chấp hành pháp luật về trật tự an toàn giao thông của một bộ phận người dân còn hạn chế. Công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về trật tự an toàn giao thông đến từng loại đối tượng chưa hiệu quả. “Thực tế, nhiều buổi tuyên truyền về trật tự an toàn giao thông nhưng số lượng nam giới, thanh-thiếu niên, là những người thường xuyên trực tiếp điều khiển phương tiện, cũng là nhóm đối tượng liên quan nhiều nhất đến TNGT lại ít tham dự mà chủ yếu là người già, phụ nữ, trẻ em”-ông Hạnh nêu thực tế.
Bên cạnh đó, theo Phó Trưởng ban Thường trực Ban An toàn Giao thông tỉnh, một trong những nguyên nhân chủ yếu khiến TNGT trong thanh-thiếu niên DTTS diễn biến phức tạp là bởi tình trạng lạm dụng rượu, bia. Nhiều thanh niên DTTS có biểu hiện đua đòi mua xe mô tô phân khối lớn, chạy xe với tốc độ cao, không đội mũ bảo hiểm… gây ra các vụ TNGT đau lòng. Tình trạng sử dụng xe độ chế, xe chất lượng thấp, không đảm bảo điều kiện an toàn kỹ thuật phương tiện còn phổ biến ở các vùng nông thôn. “Trong điều kiện giao thông hỗn hợp như tỉnh ta, việc tiềm ẩn nguy cơ TNGT là rất cao. Do đó, để kiềm chế TNGT rất cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, trên hết là ý thức tự bảo vệ mình trước rủi ro của mỗi người tham gia giao thông”-ông Hạnh nhấn mạnh.
HẢI LÊ

Có thể bạn quan tâm