Một số ngân hàng tiếp tục cảnh báo thủ đoạn mới của kẻ gian nhằm mạo danh ngân hàng, lừa đảo khách hàng.
Người dùng cần bảo mật thông tin cá nhân để tránh bị lừa đảo. Ảnh: Linh Anh |
Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) vừa cho biết trên mạng xã hội gần đây xuất hiện thông tin TPBank bán hồ sơ vay vốn giải ngân trong ngày, bán hồ sơ giải ngân duyệt sẵn có thu phí của ngân hàng...
Tuy nhiên, đại diện TPBank khẳng định các trang mạng xã hội này không thuộc quản lý của ngân hàng, không thể đại diện cho ngân hàng để tư vấn cho khách hàng về các sản phẩm dịch vụ TPBank cung cấp.
"Việc mua bán này hoàn toàn trái với các quy định hiện hành của ngân hàng và pháp luật Việt Nam. Theo quy trình hiện tại, khách hàng có nhu cầu vay vốn tại TPBank cần làm việc trực tiếp với cán bộ bán hàng của ngân hàng ở các đơn vị kinh doanh để được tư vấn về sản phẩm dịch vụ và phải trải qua quá trình thẩm định, xét duyệt hồ sơ nghiêm ngặt từ phía TPBank. Chỉ khi khách hàng đáp ứng đủ điều kiện theo quy định mới được giải ngân" – TPBank khẳng định.
Do đó, ngân hàng này khuyến cáo để khách hàng cảnh giác, tránh hành vi lừa đảo của kẻ gian. Đây là một trong những thủ đoạn mới nhất của kẻ gian nhằm lừa tiền của khách hàng.
Mới đây, một chủ thẻ tín dụng của VPBank đã bị mất hơn 11 triệu đồng trong tài khoản, sau khi truy cập vào đường link giả mạo ngân hàng và vô tình cung cấp thông tin tài khoản và mã OTP cho kẻ gian. Hiện VPBank vẫn đang tiếp tục làm việc với các cơ quan chức năng để được điều tra làm rõ vụ việc.
SHB cũng cho biết hiện có nhiều đối tượng lợi dụng uy tín thương hiệu của các ngân hàng để thực hiện các hành vi lừa đảo nhằm chiếm đoạt tài sản của khách hàng. Thủ đoạn phổ biến là nạn nhân sẽ nhận được thông điệp (thông qua tin nhắn, email, chat qua facebook messenger …) với nội dung thông báo trúng thưởng hoặc phân chia tài sản kèm theo yêu cầu truy cập vào các đường link, trang web do kẻ lừa đảo cung cấp để có cơ sở nhận thưởng.
Khi truy cập vào website giả mạo đó và đăng nhập Internet Banking, thông tin cá nhân, thông tin tài khoản ngân hàng của nạn nhân sẽ bị đánh cắp và gửi cho hacker để thực hiện một số hành vi phạm pháp như: chiếm đoạt tiền trong tài khoản thanh toán của khách hàng, thanh toán hàng hóa hoặc các dịch vụ bất hợp pháp khác…
Do đó, các ngân hàng khuyến cáo khách hàng cần cẩn trọng với email, tin nhắn, cuộc gọi trên mạng xã hội với những nội dung chuyển tiền, trúng thưởng, chia tài sản,…. như trên.
"Khách hàng cảnh giác với tất cả yêu cầu liên quan đến việc truy cập các website kèm theo yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân, mã đăng nhập dịch vụ internet banking, số thẻ thanh toán, thẻ tín dụng, thẻ ghi nợ, mã CVV"- đại diện SHB nói.
Theo Thái Phương (NLĐO)