(GLO)- * Kiến nghị: Đề nghị Chính phủ can thiệp để các ngân hàng khoanh nợ, hỗ trợ lãi suất và tiếp tục cho người dân trồng hồ tiêu được vay vốn để tái canh, chuyển đổi sản xuất.
Ảnh nguồn internet |
- Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trả lời:
Phát triển nông nghiệp, nông thôn luôn được Chính phủ và ngành Ngân hàng xác định là lĩnh vực ưu tiên, trong đó người dân trồng hồ tiêu cũng là một trong các đối tượng được hưởng các chính sách ưu đãi về nguồn vốn, lãi suất, thủ tục vay vốn...
Trước thực trạng cây hồ tiêu chết hàng loạt tại một số huyện (Chư Prông, Chư Pưh) của tỉnh Gia Lai, để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các hộ dân trồng hồ tiêu có vay vốn ngân hàng trên địa bàn, Ngân hàng Nhà nước-Chi nhánh tỉnh Gia Lai đã có nhiều văn bản chỉ đạo chi nhánh ngân hàng thương mại, Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh phối hợp với chính quyền địa phương chủ động rà soát, tổng hợp thiệt hại của khách hàng theo quy định; đồng thời, đã chủ động làm việc trực tiếp với cấp ủy, chính quyền địa phương, các hộ dân và các ngân hàng thương mại cho vay trên địa bàn để nắm bắt tình hình và bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ khách hàng vay vốn bị thiệt hại do cây hồ tiêu bị chết.
Thời gian qua, các chi nhánh ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh đã tiến hành xem xét, cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giảm lãi suất cho vay và cho vay mới để người dân khôi phục sản xuất hoặc chuyển đổi cây trồng theo quy định. Kết quả đến cuối tháng 5-2018, các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ, tiếp tục cho vay mới đối với 442 khách hàng; dư nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ là 81,2 tỷ đồng; điều chỉnh giảm lãi suất cho vay 41,1 tỷ đồng; cho vay mới 120 tỷ đồng.
Đối với đề nghị được khoanh nợ, Chính phủ đã có Nghị định số 55/2015/NĐ-CP ngày 9-6-2015 về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn; Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư 10/2015/TT-NHNN ngày 22-7-2015 hướng dẫn một số nội dung của Nghị định 55/2015/NĐ-CP; theo đó quy định trường hợp khách hàng gặp rủi ro do nguyên nhân khách quan, bất khả kháng, thiên tai, dịch bệnh trên phạm vi rộng, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có văn bản thông báo tình trạng thiên tai, dịch bệnh trên phạm vi rộng và tổng hợp, đánh giá thiệt hại để báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Do đó, đối với trường hợp cây hồ tiêu ở Gia Lai, UBND tỉnh cần chỉ đạo các cơ quan liên quan kiểm tra, xác định nguyên nhân cây hồ tiêu chết; nếu thuộc trường hợp rủi ro do nguyên nhân khách quan, bất khả kháng, thiên tai, dịch bệnh trên phạm vi rộng thì thực hiện các biện pháp xử lý nợ (bao gồm cả việc trình Chính phủ đề xuất khoanh nợ) cho người dân theo quy định tại Nghị định số 55/2015/NĐ-CP và Thông tư số 10/2015/TT-NHNN của NHNN.