Kinh tế

Tài chính

Ngăn ngừa nợ xấu phát sinh

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- L.T.S: Tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV, vấn đề được các đại biểu  và cử tri cả nước đặc biệt quan tâm là xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng (TCTD). Để có một cái nhìn đầy đủ hơn về vấn đề này, P.V Báo Gia Lai đã có cuộc trao đổi với ông NGUYỄN VĂN CƯ-Giám đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN)-Chi nhánh tỉnh Gia Lai.
 

 

* P.V: Theo ông, vì sao tại kỳ họp này, Quốc hội dành nhiều quan tâm đến vấn đề nợ xấu?

- Ông NGUYỄN VĂN CƯ: Sau 4 năm triển khai thực hiện đề án “Xử lý nợ xấu của hệ thống các TCTD” và đề án “Thành lập Công ty Quản lý Tài sản của các TCTD Việt Nam” (VAMC) ban hành kèm theo Quyết định số 843/QĐ-TTg ngày 31-5-2013 của Thủ tướng Chính phủ, đến nay, việc xử lý nợ xấu của hệ thống TCTD đã đạt được một số kết quả nhất định. Trong 4 năm (2012-2016), toàn hệ thống TCTD đã xử lý được 611.590 tỷ đồng nợ xấu (riêng VAMC đã cùng với các TCTD xử lý 50.139 tỷ đồng nợ xấu trong tổng số 245.924 tỷ đồng nợ xấu đã mua bằng trái phiếu đặc biệt). Kết quả này đã góp phần giúp các TCTD mở rộng tín dụng cho nền kinh tế, đặc biệt là các lĩnh vực ưu tiên, ngành chiến lược theo định hướng tái cấu trúc nền kinh tế, góp phần tháo gỡ khó khăn trong sản xuất kinh doanh và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình xử lý nợ xấu vẫn còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Chẳng hạn quá trình xét xử, thi hành án với nhiều thủ tục phức tạp, kéo dài, thi hành án rất chậm, ít hiệu quả; việc xử lý nợ xấu thông qua xử lý tài sản bảo đảm, bán khoản nợ theo cơ chế thị trường, thu nợ khách hàng vay còn nhiều hạn chế, dẫn đến khó xử lý nợ xấu một cách triệt để; nhiều khoản nợ xấu tại các TCTD bị kiểm soát đặc biệt có liên quan đến các vụ án đang trong quá trình điều tra, truy tố nên thời gian giải quyết kéo dài; thiếu cơ chế, chính sách khuyến khích nhà đầu tư tham gia xử lý tài sản bảo đảm và mua bán nợ xấu…

Nghị quyết về xử lý nợ xấu là cơ sở để cụ thể hóa các chủ trương, chính sách của Đảng, Quốc hội về xử lý nợ xấu, bảo vệ quyền chủ nợ hợp pháp của TCTD, VAMC; khắc phục các vướng mắc bất cập của hệ thống pháp luật về xử lý nợ xấu, xử lý tài sản bảo đảm. Nghị quyết là văn bản chuyên ngành để xử lý nợ xấu nhằm xử lý triệt để, hiệu quả nợ xấu của ngành Ngân hàng. Từ đó sẽ giải phóng khối lượng vốn lớn đang đọng trong các khoản nợ xấu giúp các TCTD mở rộng tín dụng cho nền kinh tế, giảm chi phí hoạt động để có điều kiện tiếp tục giảm lãi suất cho vay.

 

Quầy giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội. Ảnh: Đức Thụy
Quầy giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội. Ảnh: Đức Thụy

* P.V: Hiện nay, nợ xấu chưa được xác định một cách rõ ràng và đang tiềm ẩn không ít rủi ro. Đánh giá của ông về vấn đề này như thế nào?

- Ông NGUYỄN VĂN CƯ: Hoạt động ngân hàng trên địa bàn tỉnh trong 6 tháng đầu năm tiếp tục đạt được những kết quả khả quan. Đến tháng 6-2017, nguồn vốn huy động trên địa bàn tỉnh ước đạt 31.500 tỷ đồng, tăng 8,5% so với cuối năm 2016; dư nợ cho vay đạt 72.700 tỷ đồng, tăng 9% so với cuối năm 2016.

Qua tổng hợp báo cáo của các chi nhánh ngân hàng, quỹ tín dụng nhân dân cơ sở trên địa bàn tỉnh, hiện nay, tỷ lệ nợ xấu nội bảng của các chi nhánh ngân hàng, quỹ tín dụng nhân dân chỉ chiếm 0,5% trên tổng dư nợ và được duy trì ổn định trong suốt 5 năm qua. Đây là tỷ lệ tương đối an toàn và thấp so với mức chung của cả nước (khoảng 2,52%). Tuy nhiên, nếu tính đầy đủ cả nợ tiềm ẩn trở thành nợ xấu thì tỷ lệ nợ xấu có thể cao hơn mức hiện nay. Cùng với những ảnh hưởng bất lợi của tình hình kinh tế trong nước và thế giới, tình hình giá cả các mặt hàng nông sản chủ lực của tỉnh như cao su, hồ tiêu giảm thấp cũng là những rủi ro tiềm ẩn dẫn đến nợ xấu có thể tăng lên.

* P.V: Để giải quyết hiệu quả vấn đề nợ xấu, các ngân hàng thương mại cũng như công tác quản lý nhà nước về ngành trên địa bàn cần làm gì, thưa ông?

- Ông NGUYỄN VĂN CƯ: Xử lý nợ xấu là một vấn đề vô cùng phức tạp, khó khăn và kéo dài, không những ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động của hệ thống ngân hàng mà còn ảnh hưởng đến cả nền kinh tế. Để giải quyết hiệu quả vấn đề nợ xấu, có nhiều giải pháp, nhưng theo tôi, giải pháp quan trọng nhất là ngăn ngừa các khoản nợ xấu phát sinh. Xuất phát từ quan điểm đó, những năm qua, NHNN-Chi nhánh tỉnh luôn quan tâm chỉ đạo các chi nhánh ngân hàng, quỹ tín dụng nhân dân trên địa bàn nâng cao năng lực quản trị điều hành, nâng cao chất lượng công tác kiểm tra, kiểm soát, đảm bảo tăng trưởng tín dụng phải gắn với an toàn, hiệu quả, đầu tư tín dụng có trọng tâm, trọng điểm và nằm trong tầm kiểm soát. Nhờ đó mà chất lượng tín dụng của các chi nhánh ngân hàng, quỹ tín dụng nhân dân trên địa bàn luôn được kiểm soát tốt, tỷ lệ nợ xấu luôn ở mức thấp và nằm trong giới hạn cho phép.

Đồng thời, với chức năng quản lý nhà nước trên địa bàn, NHNN-Chi nhánh tỉnh cũng đã tăng cường công tác thanh tra, giám sát, kịp thời phát hiện, chấn chỉnh những sai sót trong hoạt động nghiệp vụ và việc chấp hành các quy định của NHNN Việt Nam tại các đơn vị được thanh tra, qua đó giúp các chi nhánh ngân hàng, quỹ tín dụng nhân dân trên địa bàn kịp thời khắc phục, hạn chế phát sinh nợ xấu.

* P.V: Xin cảm ơn ông!

Thất Sơn (thực hiện)

Có thể bạn quan tâm