Khoa học - Công nghệ

Tin tức công nghệ

Ngành chip khốn đốn vì hàng giả hoành hành

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Lợi dụng tình trạng thiếu chip toàn cầu, những kẻ cơ hội tranh thủ tuồn hàng giả vào thị trường linh kiện điện tử.
 
Khó nhận ra linh kiện giả ngay cả khi đặt chúng cạnh nhau. ẢNH CHỤP MÀN HÌNH ARS TECHNICA
Theo Ars Technica, từ đợt phong tỏa Vũ Hán (Trung Quốc) vào đầu năm 2020, đại dịch Covid-19 đã giáng đòn nặng vào nền kinh tế từ hai phía cung và cầu. Steve Calabria - nhà sáng lập hiệp hội IDEA tin rằng "gọng kìm" từ cả hai phía sẽ khiến tình trạng linh kiện nhái gia tăng, ảnh hưởng đến tuổi thọ và độ tin cậy của thiết bị điện tử.
Cung, cầu và hàng giả
Các thành phố công nghiệp đóng cửa trong thời điểm đại dịch đã khiến nguồn cung chip và nguyên liệu thô ngày càng hạn chế. Trong khi đó, người dân bắt đầu chuyển sang hình thức học tập, làm việc từ xa và giải trí tại nhà, góp phần đưa nhu cầu sử dụng sản phẩm điện tử tăng vọt.
Tác động của tình trạng thiếu hụt chip phơi bày khá rõ ràng, ví dụ, hiện giờ rất khó mua card đồ họa, đến nỗi nhà sản xuất MSI phải đưa mẫu card Nvidia GT 730 từ năm 2014 quay trở lại. Mà GT 730 chỉ bằng 1/2 hiệu suất của card Intel UHD Graphics và bằng 1/5 hiệu suất của GTX 950 ra mắt năm 2015. Dù thế, nó vẫn cứu vãn phần nào tình hình.
Đương nhiên, hồi sinh một dòng sản phẩm cũ không có gì xấu. Nhưng đó là lựa chọn chỉ dành cho các nhà sản xuất lâu đời như MSI, vốn có đường dây cung ứng và giấy phép hợp lệ, có thể nhặt lại các sản phẩm tồn kho để bày bán bất cứ lúc nào. Những công ty nhỏ hơn muốn kiếm tiền trong đại dịch sẽ tìm đến một cách nhanh chóng, dễ dàng hơn để đáp ứng nhu cầu thị trường, đó là dùng hàng giả.
Điều gì sẽ xảy ra?
Steve Calabria nói với ZDNet rằng: "Tình trạng thiếu hụt chip trên toàn thế giới đã mở ra cánh cửa cho bọn tội phạm lợi dụng thị trường linh kiện điện tử. Nhiều công ty nhỏ đang sản xuất một số lượng lớn các bộ phận đáng lẽ ra đang thiếu hụt".
Hàng nhái không phải vấn đề mới lạ trong giới công nghệ. iPhone, Kindle nhái được bán tràn lan trên các trang thương mại điện tử như Alibaba, Aliexpress trong một thời gian dài. Tuy nhiên, thay vì hướng đến người tiêu dùng, chip giả thường nhắm vào các dây chuyền sản xuất có nguy cơ đóng cửa hoàn toàn.
Dễ sản xuất một con chip giả hơn làm nhái toàn bộ thiết bị. Một thiết bị toàn vẹn cần hệ điều hành, phần cứng..., do đó người tiêu dùng có hiểu biết sẽ nhận ra ngay. Trong khi đó, một con chip giả có quá ít đặc điểm để phân biệt với hàng thật. Nó có thể bị làm giả ngay từ đầu với những thành phần thay thế,  hoặc nó vốn là hàng thật nhưng được tháo ra từ bo mạch của thiết bị cũ, làm sạch và đưa ra vào hoạt động như linh kiện mới. Dù bằng cách nào đi nữa, những con chip như vậy thường hoạt động tốt lúc đầu nhưng rồi sẽ nhanh hỏng về sau, không thể đủ sức vượt qua hàng thật. 
Khi nhà sản xuất chủ quan
Nhà sản xuất biết rõ tình trạng chip giả và thường có những biện pháp công phu để phát hiện và né tránh. Nhưng theo Diganta Das - nhà nghiên cứu hàng giả tại CALCE, không phải lúc nào nhà sản xuất cũng thực hiện đầy đủ quy trình xác minh. Chẳng hạn khi công ty cần 5.000 bộ phận vào tuần tới để duy trì dây chuyền hoạt động, họ sẽ bỏ qua bước kiểm tra hàng giả.
Giống như Calabria, Das cũng cho rằng vấn nạn hàng giả trong chuỗi cung ứng đang tăng dần và sẽ rõ ràng hơn trong những tháng tới, khi nhiều công ty phải đối phó với những vấn đề xuất phát từ việc sử dụng các bộ phận giả.
Đây không phải vấn đề ảnh hưởng đến những "gã khổng lồ" công nghệ bởi vì họ mua trực tiếp từ các xưởng đúc chip hàng đầu với số lượng lớn. Rủi ro sẽ xảy ra với những công ty mua linh kiện theo lô nhỏ hơn từ các nhà cung cấp ít uy tín trong chuỗi cung ứng, thường là trong ngành chăm sóc sức khỏe, ô tô và quốc phòng.
Nhà cung cấp AERI đưa ra vài mẹo nhận biết hàng giả, chẳng hạn chip thật thường có lỗ nhỏ ở một số vị trí nhất định mà những kẻ làm nhái có thể quên sao chép, hoặc sao chép nhưng không thể làm cho những lỗ đó có kích cỡ, hình dáng hoặc vị trí như hàng thật. Những vết lõm như vậy cũng giúp phân biệt tiền giả và tiền thật.
Đôi khi không thể phát hiện hàng giả bằng cách kiểm tra trên bề mặt mà cần những phương pháp tốn thời gian như tháo rời sản phẩm và kiểm tra bằng kính hiển vi.
Nhận thức rõ áp lực thời gian mà các công ty phải đối mặt, những kẻ làm hàng nhái cố tình nhắm vào họ. Khi cần sản xuất đủ số lượng sản phẩm cho kịp tiến độ, họ có thể cắt giảm quy trình và bỏ qua bước xác minh chuỗi cung ứng. Việc đưa các bộ phận giả vào sản phẩm chỉ khiến khủng hoảng chip thêm trầm trọng. Do đó, nhà sản xuất phải lựa chọn giữa việc mất tiền vì dây chuyền chậm trễ, hay mất tiền lẫn mất niềm tin của khách hàng khi phải thu hồi sản phẩm hàng loạt và vướng vào kiện tụng vì hàng giả.
Theo Mai Anh (TNO)

Có thể bạn quan tâm