(GLO)- Nói đến ngành mía đường thì phải phân biệt giữa mía và đường. Mía do nông dân sản xuất, đường của nhà máy, nhưng số phận 2 thực thể này lại có mối quan hệ tương hỗ, gắn bó mật thiết với nhau.
Nhà máy Đường An Khê (ảnh internet) |
Trên thực tế, ngành mía đường mỗi ngày một khó, dù ngành này đã năng động hơn trước với những chiến lược phù hợp để nâng cao năng suất, giảm giá thành sản xuất nhưng kết quả chưa thể nói là đã hài lòng.
Người trồng mía thì phụ thuộc vào thời tiết, giống mía, khả năng chăm sóc và năng lực thu hoạch. Chỉ khi nhà máy đường thực sự xáp vào với người trồng mía, tạo mọi điều kiện tốt nhất có thể cho nông dân thì mới hy vọng giá thành cây mía giảm tại ruộng và giá đường nguyên liệu giảm tại nhà máy. Làm sao giá mía giảm mà nông dân vẫn có lợi nhuận “coi được”, nếu không họ không thể tiếp tục trồng mía để chịu thua lỗ, khốn khó. Chỉ có cách duy nhất là phải tăng sản lượng mía phải tăng. Trong khi Thái Lan đã tăng năng suất mía từ 70 tấn/ha lên 120 tấn/ha thì người trồng mía Việt Nam vẫn thu hoạch ở mức 50-60 tấn/ha, nơi cao nhất cũng chỉ 90-100 tấn/ha. Gặp năm mất mùa, năng suất xuống chỉ còn 40-50 tấn/ha. Như thế, lỗ là cái chắc! Trong khi nhà máy thu mua mía chỉ ở mức 700 ngàn đồng/tấn/10 chữ đường, công chặt mía bằng tay lại lên tới 20 triệu đồng/ha thì làm sao nông dân chịu thấu!
Trước tình hình cây mía thê thảm như thế thì không nhà máy đường nào không tính đến chuyện phá sản. Nông dân phá sản trước, nhà máy phá sản sau. Khi nông dân phá sản với cây mía, họ sẽ chuyển sang trồng cây khác. Còn nhà máy, không thể lấy chuyện sản xuất nước ngọt làm “đầu tàu” được, trong khi sản xuất đường rơi vào bế tắc.
Một vài công ty đường đã nhìn ra tình hình khó khăn này từ khá sớm và họ đã đi trước một bước, đó là đầu tư đến nơi đến chốn cho người trồng mía, thậm chí, biến nông dân thành “chủ”, còn nhà máy thành “người làm thuê” cho nông dân, để không chỉ có nguyên liệu mía bảo đảm, mà quan trọng hơn là nâng cao năng suất cây mía, đạt tới mức 120 tấn/ha, thậm chí là cao hơn. Chỉ khi đó, nhà máy mới bảo đảm được nguyên liệu và mới tính được phần mình lời lỗ thế nào. Muốn như thế thì chỉ có cách là cơ giới hóa toàn bộ khâu sản xuất mía, kể cả đưa công nghệ mới, công nghệ 4.0 vào sản xuất mía đường. Đương nhiên, phải có những cánh đồng mía lớn mới thực hiện được công cuộc cơ giới hóa này. Đồng thời, phải có vốn mới thực hiện cơ giới hóa được. Việc này nhà máy phải làm chứ không thể để nông dân tự làm. Nông dân phải có lãi trước thì nhà máy mới hy vọng có lãi sau.
Về chuyện tái cơ cấu: Nếu nhà máy đường nào đi vào ngõ cụt, khó tìm đường ra, trong khi đồng mía không có khả năng cải tạo hay nâng cấp thì phải đi tới quyết định đóng cửa nhà máy. Vì càng sản xuất thì càng thua lỗ, nợ ngân hàng sẽ chồng chất, biến thành nợ xấu. Hiệp định quốc tế về mía đường là khắc nghiệt khi mình không chuẩn bị những khả năng xấu nhất để ứng phó. Cạnh tranh cũng khắc nghiệt như thế, nhất là cạnh tranh tầm quốc tế. Trong khi đó, phải dự báo lượng đường tiêu thụ ngoài xã hội sẽ ngày càng giảm, chứ không phải ngày càng tăng.
Vì vậy, cần có cái nhìn thực tế về mía và đường. Trong tương lai gần, với thời tiết liên tục bất thường do biến đổi khí hậu, những vùng nguyên liệu mía chính trong nước sẽ liên tục mất mùa. Khi đó, làm sao nhà máy đường có lãi cho được! Chính niên vụ 2018-2019 đã chứng tỏ điều đó. Vì chúng ta luôn đi chậm, ứng phó chậm so với biến đổi khí hậu hay bất thường thời tiết.
Với ngành mía đường bây giờ, “phải tự cứu mình trước khi trời cứu” và phải hoạch định những bước “tự cứu” một cách thực tế, để trước hết là vượt qua khó khăn, rồi sau đó thay đổi để thích ứng với khí hậu và thị trường.
THANH THẢO