Năm 2010- một năm với nhiều biến động của ngành ngân hàng, nhiều giải pháp cấp bách triển khai kịp thời và đồng bộ các văn bản chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Thống đốc Ngân hàng Nhà nước về tổ chức thực hiện chính sách tiền tệ và đảm bảo hoạt động ngân hàng an toàn, hiệu quả, góp phần ổn định giá cả và kinh tế vĩ mô…
Huy động vốn cao nhất
Năm 2010, tổng nguồn vốn huy động đạt 11.358 tỷ đồng, tăng 60% so với cuối năm trước. Tiền gửi tiết kiệm của dân cư tăng mạnh, chiếm 53,8% trong tổng huy động, tiền gửi của tổ chức kinh tế chiếm 46,2% trên tổng nguồn vốn huy động. Không chỉ khối ngân hàng cổ phần mà ngân hàng thương mại nhà nước cũng tăng khá mạnh. Điển hình là Vietinbank, VCB, BIDV, MHB, SHB… với mức tăng từ 33% đến 72%. Cá biệt có ngân hàng cổ phần gấp trên 3 lần như: Á Châu, An Bình, Dầu khí Toàn Cầu, Sacombank.
Ảnh: K.N.B |
Ông Điền Hoàng- Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh Gia Lai cho biết: Kết quả huy động phản ánh được tình hình ổn định nền kinh tế vĩ mô, các chính sách điều hành của ngành cơ bản kịp thời, nhanh nhạy. Vốn huy động tăng mạnh vào những tháng cuối năm khi áp dụng hàng loạt các chính sách kiềm chế lạm phát. Đánh giá khách quan công tác huy động vốn trên địa bàn cho thấy vẫn còn tồn tại một số vụ việc nhạy cảm như sự phá vỡ đồng thuận theo Hiệp hội Ngân hàng, một số đơn vị chưa minh bạch, công khai lãi suất huy động, gây rối loạn thị trường… Tuy nhiên, năm 2010 được xem là năm có mức huy động tăng cao nhất từ trước tới nay trên địa bàn tỉnh trong nhiều năm liền và đã cân đối được 50% vốn đầu tư trên địa bàn.
Cung tín dụng vẫn thấp
Tốc độ tăng trưởng GDP năm 2010 của tỉnh được duy trì mức 13,2%; cơ cấu kinh tế chuyển dịch rõ nét, trong đó ngành nông-lâm nghiệp chiếm 41,17%, công nghiệp-xây dựng chiếm 31,14%, dịch vụ 27,69%. Thu nhập bình quân đầu người 14,78 triệu đồng/năm… những kết quả này có sự đóng góp rất lớn của ngành ngân hàng trên địa bàn. Doanh số cho vay năm 2010 đạt 29.530 tỷ đồng (tăng 11,3%), chủ yếu là các khoản vay ngắn hạn tăng, các khoản trung và dài hạn tăng thấp. Tổng dư nợ cho vay năm 2010 đạt 24.152 tỷ đồng (tăng 21%), chủ yếu là cho vay nông nghiệp nông thôn, sản xuất kinh doanh, xuất khẩu. Năm qua, ngành vẫn tiếp tục thực hiện chủ trương hỗ trợ lãi suất, nhưng dư nợ tăng giảm chỉ xoay quanh mức 1.500 tỷ đồng, với số tiền lãi hỗ trợ là 59 tỷ đồng.
Dư nợ tín dụng không tăng đột biến, nhưng chất lượng tín dụng được nâng lên, tỷ lệ nợ xấu giảm đáng kể. Vốn tín dụng tập trung đầu tư có hiệu quả, góp phần tăng trưởng kinh tế, xóa đói giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội. Các chính sách hỗ trợ lãi suất đã giúp nhiều doanh nghiệp giảm chi phí vay vốn, hạ giá thành sản phẩm. Tuy nhiên, theo đại diện nhiều ngân hàng trên địa bàn, nhiều nguyên nhân dẫn đến mức tăng trưởng thấp như lãi suất cho vay quá cao, doanh nghiệp ngại vay; nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ chưa tiếp cận được; cho vay tiêu dùng, chứng khoán, bất động sản bị hạn chế; vốn cho vay nông nghiệp nông thôn chưa thật sự khơi thông; việc đẩy mạnh giải ngân vốn cho các dự án trong danh mục kêu gọi đầu tư của tỉnh còn thấp…
Nhìn nhận kết quả của ngành trong công tác cho vay, ông Phùng Ngọc Mỹ- Phó Chủ tịch UBND tỉnh đánh giá: Tổng dư nợ cho vay chỉ tăng 21% là chỉ tiêu đạt thấp, trong khi mức huy động tăng đến 60%. Với mức tăng trưởng như vậy vẫn chưa đáp ứng được đầy đủ nhu cầu vay vốn của nền kinh tế. Cũng theo ông Phùng Ngọc Mỹ, năm 2011, ngành cần đạt mức tăng trưởng dư nợ từ 25% đến 30% mới góp phần cung ứng vốn, đảm bảo tốc độ tăng trưởng GDP của tỉnh ở mức 13% như chỉ tiêu đề ra.
Thảo Nguyên