Kinh tế

Tài chính

Ngành Tài chính Gia Lai: Phát huy truyền thống 60 năm phát triển

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Cách đây 60 năm, Ban Kinh tài-tiền thân của ngành Tài chính-Ngân hàng tỉnh Gia Lai được thành lập ở khu căn cứ cách mạng của tỉnh (Khu 10, nay thuộc xã Krong, huyện Kbang, Gia Lai). Gắn liền với quá trình hình thành và phát triển của ngành Tài chính Việt Nam, ngành Tài chính tỉnh đã vượt qua nhiều khó khăn, giành được những thắng lợi to lớn.

 

Vượt qua khó khăn để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ

Thời kỳ chiến tranh chống Pháp và chống Mỹ, với phương châm vừa kháng chiến, vừa kiến quốc, hoạt động tài chính tập trung vào việc vận động nhân dân tổ chức sản xuất, cung cấp sản phẩm, tăng gia tự túc, chủ yếu huy động bằng hiện vật từ các khoản đóng góp của nhân dân để đảm bảo nguồn lương thực, thực phẩm tại chỗ phục vụ chiến đấu. Hàng năm, nhân dân các dân tộc trong tỉnh đã đóng góp cho ngân sách hàng ngàn tấn gạo, gia súc, gia cầm, hàng chục vạn ngày công… cung cấp phần lớn lương thực tại chỗ cho các đơn vị bộ đội hoạt động trên địa bàn. Cứu đói, cứu lạt, cứu rách... là những hoạt động góp phần quan trọng xây dựng căn cứ địa hậu phương vững mạnh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, làm nên thắng lợi lịch sử mùa Xuân năm 1975 giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Sau ngày giải phóng, 2 tỉnh Gia Lai và Kon Tum được hợp nhất trong điều kiện tiền vốn, vật tư thiếu thốn, nguồn thu không đáng kể, chủ yếu từ thuế nông nghiệp và thu quốc doanh ở một số xí nghiệp, nông-lâm trường. Chi ngân sách mất cân đối, cơ chế quản lý nặng về bao cấp, phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn chi viện, trợ cấp của Trung ương. Từ năm 1986, cùng cả nước bước vào thời kỳ đổi mới, ngành Tài chính tỉnh Gia Lai-Kon Tum đã chuyển từ cơ chế hiện vật sang giá trị, đáp ứng yêu cầu cải cách kinh tế, phát triển kinh tế thị trường hạch toán kinh doanh xã hội chủ nghĩa...

Năm 1991, 2 tỉnh Gia Lai và Kon Tum được chia tách, ngành Tài chính Gia Lai tiếp tục được củng cố và phát triển. Riêng thu ngân sách trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2006-2010 tăng gấp 3, 4 lần so với giai đoạn 2001-2005. Năm 2000, toàn tỉnh thu ngân sách chỉ đạt 278 tỷ đồng thì đến năm 2010 đã đạt trên 2.690 tỷ đồng, tăng gấp 9 lần, đứng vị trí thứ 2 khu vực Tây Nguyên. Năm 2018, dù gặp khó khăn do thực hiện lộ trình miễn, giảm thuế nhưng nhờ chủ động nên toàn ngành đã tham mưu Tỉnh ủy, UBND tỉnh đề ra những giải pháp kịp thời, hiệu quả. Nhờ vậy, tổng thu ngân sách trên địa bàn đã đạt kỷ lục với trên 4.505 tỷ đồng, đạt 113,1% dự toán Trung ương giao, vượt 7,3% dự toán HĐND tỉnh đề ra. Điều đáng phấn khởi là năm 2018, thu từ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đạt khá cao với trên 794,1% dự toán, thu tiền sử dụng đất đạt 249% dự toán, cấp quyền khai thác khoáng sản đạt 906% dự toán, xổ số kiến thiết đạt 108% dự toán...

 Sở Tài chính ký kết hợp đồng ủy thác vốn ngân sách năm 2019 với Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh. Ảnh: S.C
Sở Tài chính ký kết hợp đồng ủy thác vốn ngân sách năm 2019 với Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh. Ảnh: S.C



Từ các nguồn thu này, hàng năm, tỉnh ta đã chủ động dành hàng ngàn tỷ đồng để bổ sung cân đối ngân sách chi cho đầu tư phát triển giao thông, thủy lợi, y tế, giáo dục, hỗ trợ người nghèo, thực hiện an sinh xã hội, chỉnh trang đô thị lớn, như: TP. Pleiku, huyện Chư Sê, thị xã An Khê, thị xã Ayun Pa, xây dựng Khu Kinh tế Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh... Đây là một bước ngoặt có ý nghĩa lịch sử sau hơn 30 năm thực hiện công cuộc đổi mới.

Phấn đấu thu ngân sách trên 5.000 tỷ đồng

Khẳng định những thành tựu đã đạt được trong công cuộc đổi mới nói chung, hoạt động của ngành Tài chính Gia Lai nói riêng là rất to lớn, có ý nghĩa lịch sử sâu sắc. Tuy vậy, ngành Tài chính tỉnh hiện đang phải đối mặt với những khó khăn, thách thức mới do quá trình hội nhập kinh tế quốc tế và cuộc cách mạng mới đặt ra. Điều này có tính quyết định đến phát triển sản xuất, thu hút đầu tư tạo lập nguồn thu trên địa bàn cũng như nguồn lực chi cho đầu tư phát triển. Theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh, trong giai đoạn 2016-2020, thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tăng bình quân 9-10%/năm để vươn lên tăng dần tỷ lệ tự cân đối; tốc độ tăng chi ngân sách cho đầu tư phát triển cao hơn tốc độ chi thường xuyên, để đến năm 2020 chi đầu tư phát triển chiếm 37% tổng chi ngân sách địa phương, chi sự nghiệp giáo dục-đào tạo chiếm 48% tổng chi thường xuyên.

Để đạt được mục tiêu trên, trong 2 năm tới, khi kết thúc nhiệm kỳ Đại hội Đảng bộ tỉnh, từ kết quả và kinh nghiệm của 60 năm qua, ngành Tài chính Gia Lai sẽ tiếp tục chủ động hơn nữa trong việc nghiên cứu, đề xuất các cơ chế, chính sách tài chính đặc thù phù hợp với đặc điểm của địa phương. Đồng thời, tạo lập môi trường tài chính lành mạnh, thông thoáng nhằm thu hút các nguồn lực, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách để các doanh nghiệp tiếp cận, tận dụng cơ hội mở rộng phát triển sản xuất kinh doanh, tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm để nâng cao hiệu quả đầu tư, sức cạnh tranh và tạo lập nguồn thu chiến lược bền vững trong thời kỳ mới.

Để chủ động khai thác, phân bổ, sử dụng nguồn lực tài chính trong điều kiện phụ thuộc nhiều vào trợ cấp từ ngân sách Trung ương cũng như hiệu quả sử dụng ngân sách và các nguồn tài nguyên của địa phương còn thấp và hạn chế, ngành Tài chính đã đề xuất thực hiện cơ cấu lại ngân sách địa phương theo hướng mở rộng phân cấp, ủy quyền cho cấp huyện gắn với trách nhiệm quản lý của chính quyền địa phương, nhất là vùng kinh tế động lực, biên giới, vùng sâu, vùng xa. Bên cạnh đó, tiếp tục đẩy mạnh lộ trình xã hội hóa ở các lĩnh vực y tế, giáo dục, môi trường, nâng cấp chỉnh trang các đô thị đang phát triển, dành nguồn lực cho Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, xóa đói giảm nghèo, thực hiện chính sách an sinh xã hội gắn với đảm bảo quốc phòng-an ninh trên địa bàn.

Phấn đấu thu ngân sách trên 5.000 tỷ đồng. Ảnh internet
Phấn đấu thu ngân sách trên 5.000 tỷ đồng. Ảnh internet



Trong bối cảnh hiện nay, dù theo dự báo sẽ có nhiều chuyển biến tích cực nhưng tỉnh ta cũng đang đối diện với nhiều thách thức lớn. Cụ thể, năm 2019 và những năm tiếp theo, do ảnh hưởng của hiện tượng El Nino, thời tiết khô hạn kéo dài tác động rất lớn đến sản xuất nông nghiệp, sản lượng điện sản xuất không đảm bảo theo công suất. Hiện nay, giá cả các mặt hàng chủ lực của tỉnh biến động ở mức thấp và thất thường, rủi ro trong sản xuất của nông dân và doanh nghiệp rất lớn, khó lường. Phần lớn diện tích cây công nghiệp dài ngày đã già cỗi, phải tái canh hoặc nhiễm bệnh phải chuyển đổi cây trồng khác phù hợp đã ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất, đời sống của nhân dân. Điều này đã tác động rất lớn đến các hoạt động tài chính ngân sách của địa phương, đến sức tiêu thụ hàng hóa, dịch vụ khác trên địa bàn. Bên cạnh đó, tình hình an ninh chính trị còn tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp; vấn đề thu hút đầu tư, đặc biệt là các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, các tập đoàn lớn vẫn còn không ít trở ngại, hạn chế.

Thực hiện nhiệm vụ tài chính ngân sách trong điều kiện như vậy nhưng dự toán năm 2019 phải đạt trên 5.000 tỷ đồng, tăng hơn 13% so với dự toán năm 2018, tăng 11% so với năm trước. Để vượt qua thách thức này, ngành Tài chính tỉnh phải phát huy, kế thừa truyền thống, kinh nghiệm vượt khó của 60 năm qua, chủ động phối hợp tốt với các ngành, địa phương triển khai thực hiện tốt Nghị quyết 19/NQ-CP ngày 12-3-2015 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh. Đồng thời, tiếp tục triển khai có hiệu quả các chương trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp, cơ cấu lại tín dụng, xử lý nợ, đẩy mạnh xúc tiến thương mại gắn với xây dựng và bảo vệ thương hiệu sản phẩm, xúc tiến đầu tư, cải thiện chỉ số cạnh tranh; khai thác, quảng bá tiềm năng du lịch của địa phương nhằm góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo ra nguồn thu chiến lược, bền vững, qua đó hoàn thành mục tiêu kinh tế-xã hội mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV đề ra.

Th.S NGUYỄN DŨNG
Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Tài chính

Có thể bạn quan tâm