(GLO)- Cục Thuế tỉnh Gia Lai đang triển khai các biện pháp quản lý nợ thuế, hạn chế thấp nhất số nợ mới phát sinh nhằm đảm bảo chỉ tiêu thu ngân sách nhà nước. Xung quanh vấn đề này, P.V Báo Gia Lai điện tử đã có cuộc trao đổi với ông Trần Quang Thành-Phó Cục trưởng Cục Thuế tỉnh.
* P.V:Trước tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, ngành Thuế đã bị ảnh hưởng như thế nào đối với nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước, thưa ông?
- Ông TRẦN QUANG THÀNH: Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, hầu hết lĩnh vực, ngành kinh tế đang chịu tác động mạnh, hoạt động sản xuất kinh doanh bị đình trệ, nhu cầu và doanh số giao dịch giảm ở nhiều lĩnh vực như: bất động sản, ô tô, xe máy, thương mại dịch vụ. Bên cạnh đó, thời tiết khô hạn, giá nhiều mặt hàng nông sản chủ lực giảm sâu đã ảnh hưởng đến tiến độ thu, làm giảm một số khoản thu, sắc thuế chiếm tỷ trọng lớn. Tổng thu nội địa đến cuối tháng 7-2020 mới thực hiện được 2.373 tỷ đồng, đạt hơn 51% dự toán Trung ương giao và đạt hơn 45% dự toán HĐND tỉnh giao.
Cơ quan Thuế rà soát, phân loại làm rõ bản chất các khoản nợ để áp dụng các biện pháp thu hồi phù hợp. Ảnh: Sơn Ca |
Không chỉ giảm thu ngân sách, tình hình nợ thuế đang có xu hướng tăng. Đây là điều mà ngành Thuế đã dự lường. Tổng nợ thuế toàn ngành là 1.172,2 tỷ đồng, tăng 180,1 tỷ đồng so với thời điểm cuối năm 2019. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhiều người nộp thuế gặp khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh, phải tạm ngừng, chấm dứt hoạt động hoặc doanh thu giảm dẫn đến thực hiện nghĩa vụ thuế chậm. Một nguyên nhân khác là thực hiện Nghị định số 41/2020/NĐ-CP của Chính phủ về gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất làm phát sinh số tiền nợ thuế và tiền chậm nộp tăng lên.
* P.V:Trong bối cảnh nguồn thu ngân sách giảm, nợ thuế gia tăng, ngành Thuế tỉnh đã có giải pháp gì để đảm bảo chỉ tiêu, thưa ông?
- Ông TRẦN QUANG THÀNH: Thực hiện chỉ đạo của Tổng cục Thuế, Cục Thuế tỉnh đã xây dựng và giao chỉ tiêu thu nợ thuế năm 2020 đến từng chi cục, giao nhiệm vụ thu nợ chi tiết đến từng bộ phận quản lý, từng công chức theo từng tháng, với mục tiêu giảm số tiền nợ thuế xuống thấp nhất. Đồng thời, rà soát, phân loại, làm rõ bản chất các khoản nợ thuế, từ đó có biện pháp đôn đốc, cưỡng chế đối với các đơn vị nợ thuế dây dưa, kéo dài để thu hồi kịp thời cho ngân sách, hạn chế thấp nhất số nợ mới phát sinh.
Qua thống kê cho thấy, tổng nợ thuế toàn ngành là 1.172,2 tỷ đồng, trong đó, nợ khó thu là 678,4 tỷ đồng. Nợ khó thu có xu hướng tăng phần lớn do tính tiền phạt chậm nộp, ước tính mỗi tháng tăng 2,7 tỷ đồng tiền phạt chậm nộp. Khoản nợ thuế này đa phần rơi vào các trường hợp người nộp thuế đã chết, mất tích, đơn vị nộp thuế tự giải thể, phá sản, không còn hoạt động tại địa chỉ đăng ký kinh doanh. Số nợ chờ xử lý là 44,5 tỷ đồng, chủ yếu từ các đơn vị có số nợ lớn đang khiếu kiện kéo dài, chưa được xử lý. Số nợ thuế thông thường là 449,3 tỷ đồng, nguyên nhân nợ thuế thông thường tăng là do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 và thực hiện Nghị định số 41/2020/NĐ-CP của Chính phủ.
Đến nay, toàn ngành Thuế đã thực hiện các biện pháp thu nợ và cưỡng chế nợ thuế được 74,3 tỷ đồng, chiếm 34% số nợ đến 90 ngày và trên 90 ngày.
* P.V:Vậy ngành Thuế tỉnh đã triển khai thực hiện Nghị quyết số 94/2019/QH14 của Quốc hội về khoanh nợ tiền thuế, xóa nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp đối với người nộp thuế không còn khả năng nộp như thế nào?
- Ông TRẦN QUANG THÀNH: Cục Thuế tỉnh đã triển khai thực hiện Chỉ thị số 03/CT-BTC của Bộ Tài chính về việc triển khai Nghị quyết số 94/2019/QH14 của Quốc hội. Để thực hiện chính sách này, từ trước ngày 1-7-2020, Cục Thuế đã tiến hành các công việc liên quan, chỉ đạo các chi cục, phòng chức năng triển khai rà soát các đối tượng nộp thuế. Lập văn bản xác nhận tình trạng hoạt động của người nộp thuế tại địa chỉ đăng ký kinh doanh, địa chỉ liên lạc giữa cơ quan quản lý thuế với UBND cấp xã về việc người nộp thuế không còn hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký kinh doanh, địa chỉ liên lạc để trình cấp có thẩm quyền xem xét xử lý.
Thời gian thực hiện chính sách này bắt đầu từ ngày 1-7-2020 đến 30-6-2023. Qua thống kê, rà soát, phân loại của cơ quan Thuế, có hơn 8.000 đối tượng người nộp thuế được khoanh nợ tiền thuế và xóa tiền chậm nộp, tiền phạt chậm nộp theo Nghị quyết số 94/2019/QH14. Số tiền nợ thuế gốc được khoanh nợ gần 300 tỷ đồng, tiền chậm nộp và tiền phạt chậm nộp được xóa khoảng 300 tỷ đồng.
Từ ngày 1-7-2020, Cục Thuế đã triển khai đến các chi cục, phòng chức năng, người nộp thuế để lập hồ sơ thủ tục trình cấp có thẩm quyền thực hiện việc khoanh nợ, xóa nợ cho các trường hợp đáp ứng đủ điều kiện theo quy định.
* P.V:Xin cảm ơn ông!
SƠN CA (thực hiện)