Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Ngày 5/5/1954: Quân ta hoàn thành đường hầm ngầm để đặt bộc phá trên đồi A1

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Ngày 5/5/1954, Trung đoàn 174 báo cáo đường hầm ở A1 đã hoàn thành; một tấn bộc phá chia thành những gói hai mươi kilôgam, được đưa vào đặt dưới hầm ngầm của địch.
Ngày 6/5/1954, ta mở cuộc tổng công kích vào Điện Biên Phủ. Khối bộc phá với 964 kg thuốc nổ vào lúc 20 giờ 30 phút đã phá tan các lô cốt và hầm ngầm cố thủ của địch trên đồi A1 - vị trí quan trọng ở Điện Biên Phủ. (Ảnh: Tư liệu/TTXVN)

Ngày 6/5/1954, ta mở cuộc tổng công kích vào Điện Biên Phủ. Khối bộc phá với 964 kg thuốc nổ vào lúc 20 giờ 30 phút đã phá tan các lô cốt và hầm ngầm cố thủ của địch trên đồi A1 - vị trí quan trọng ở Điện Biên Phủ. (Ảnh: Tư liệu/TTXVN)

Ngày 5/5/1954, Trung đoàn 174 báo cáo đường hầm ở A1 đã hoàn thành. Một tấn bộc phá chia thành những gói hai mươi kilôgam, được đưa vào đặt dưới hầm ngầm của địch.

Trong bản Mệnh lệnh tác chiến cuối cùng gửi cho các đơn vị vào trưa cùng ngày, Bộ Chỉ huy Mặt trận quy định: Đúng 20 giờ 30 phút ngày 6/5/1954, toàn mặt trận sẽ nổ súng, lấy tiếng nổ của khối bộc phá ở điểm cao A1 làm hiệu lệnh tấn công.

Cũng trong ngày 5/5/1954, thực dân Pháp thả tiếp tiểu đoàn dù thuộc địa số 1 xuống Điện Biên Phủ. Những người lính dù này là đợt tăng cường quân cuối cùng tới Điện Biên Phủ.

Hoàn thành đường hầm ngầm để đặt bộc phá trên đồi A1

Sau bốn lần tiến công vẫn không chiếm được đồi A1 (tức Eliane 2)- cứ điểm quan trọng bậc nhất, Chỉ huy trưởng chiến dịch, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã nhiều lần trao đổi trong Cơ quan Tham mưu về cao điểm này.

Cuối cùng, quyết tâm của Bộ Chỉ huy chiến dịch đưa ra là muốn tiêu diệt được A1 phải bí mật đưa bộc phá vào đánh đúng hầm ngầm, diệt được hầm ngầm mới diệt được A1.

Công binh đề nghị đào một đường hào men theo đường 41, tách rời A1 với A3, cũng là cắt đứt đường tăng viện của quân Pháp. Trung đoàn 174 đề nghị đào thêm một đường hầm từ trận địa tại A1 tới dưới hầm ngầm, đưa bộc phá với số lượng lớn vào đặt rồi cho nổ. Công binh của đơn vị tính toán sẽ hoàn thành công trình này trong vòng 14 ngày và bảo đảm đào đúng hướng.

Đơn vị thực hiện nhiệm vụ đào hầm ngầm và đánh bộc phá là Đại đội công binh M83 của Trung đoàn công binh 151 thuộc Đại đoàn công - pháo 351.

Một đội đặc biệt gồm 25 cán bộ, chiến sỹ do đồng chí Nguyễn Phú Xuyên Khung, cán bộ công binh của Bộ, trực tiếp chỉ huy, đã tiến hành công việc ngay trước mũi súng quân Pháp và trong tầm kiểm soát của lựu đạn địch.

Bộ đội ta tấn công các vị trí xung yếu của địch trên đồi A1, ngày 6/5/1954. (Ảnh: Tư liệu TTXVN)
Bộ đội ta tấn công các vị trí xung yếu của địch trên đồi A1, ngày 6/5/1954. (Ảnh: Tư liệu TTXVN)

Từ đêm ngày 20/4/1954, công việc đào hầm ngầm bắt đầu. Mọi người phải làm trong tư thế ngồi nghiêng như móc hàm ếch. Để đảm bảo bí mật, an toàn, công việc ngụy trang cửa hầm được làm rất công phu.

Ngoài cửa hầm có mái che phủ đất để vừa chống lựu đạn và mảnh pháo từ trên cao ném xuống vừa che mắt địch. Đất đá đào ra đều cho vào bao dù đưa ra ngoài, sau khi đổ còn ngụy trang rất kỹ.

Càng đào vào sâu, công việc càng khó khăn vì vừa thiếu ánh sáng vừa thiếu không khí, nên bộ đội phải liên tục thay nhau ra ngoài để thở…

Đến ngày 5/5/1954, đường hầm ở A1 đã hoàn thành. Đường hầm khi hoàn thành dài tới 82 mét và dẫn lên tận đỉnh đồi A1, nơi đặt khối bộc phá 1.000kg.

Phần lớn lòng đường hầm rất nhỏ hẹp, chỉ đủ cho một người lách trườn lên. Trong đêm, một tấn bộc phá được chia thành 50 gói, mỗi gói 20 kg, được đưa vào đặt dưới hầm ngầm.

Ngày 5/5/1954, khi đường hầm ngầm hoàn thành cũng là lúc khối bộc phá ngàn cân đã được chuẩn bị xong với năm nụ xòe để đảm bảo chỉ cần điểm hỏa một lần cả khối bộc phá sẽ đồng loạt phát nổ.

Tuy nhiên, một tình huống mới xảy ra là khi dùng máy phát điện 100W điểm hỏa thử trên mô hình thì khối bộc phá lại không nổ theo đúng yêu cầu.

Để cho chắc chắn, chỉ còn một cách là cho người trực tiếp vào giật nụ xòe, một công việc rất nguy hiểm đòi hỏi phải hy sinh. Là người có nhiều kinh nghiệm tháo gỡ bom mìn vì từng là tiểu đội trưởng tháo bom nổ chậm ở đèo Bản Chẹn và dốc Pha Đin, Tiểu đội trưởng Nguyễn Văn Bạch tự tin vào khả năng xử lý mọi tình huống bất trắc có thể xảy ra trong quá trình thực hiện, liền xung phong nhận nhiệm vụ quan trọng và nguy hiểm này.

Vào trưa ngày 5/5/1954, trong bản mệnh lệnh tác chiến cuối cùng gửi cho các đơn vị, Bộ chỉ huy Mặt trận quy định: Đúng 20 giờ 30 phút ngày 6/5 toàn mặt trận sẽ nổ súng, lấy tiếng nổ của khối bộc phá ở điểm cao A1 làm hiệu lệnh tấn công.

Sau này ông Bạch kể: “Lúc ấy tôi chỉ nghe thấy ầm một tiếng, cảm giác như đang ngồi trong cái trống; nhìn lên thấy lửa khói mù mịt đang bốc lên như hình cây rơm. Đất trời lặng đi vài giây. Tôi nghe một tiếng nổ không to lắm nhưng cảm nhận được sức ép dữ dội.”

Thực dân Pháp thả tiếp tiểu đoàn dù thuộc địa số 1 xuống Điện Biên Phủ

Ngày 5/5/1954, Tiểu đoàn dù số 1, do viên đại úy Bazin chỉ huy, nhận lệnh khẩn trương nhảy xuống Mường Thanh, nhưng sau ba đêm chỉ mới tới được hơn hai đại đội và bộ phận chỉ huy tiểu đoàn. Bazin chưa kịp làm gì thì đã trúng một mảnh đạn pháo bị thương. Đại úy Pouget, đại đội trưởng đại đội 3, được chỉ định nắm quyền Chỉ huy tiểu đoàn.

Sau khi nhận bàn giao của Coutant, Chỉ huy Tiểu đoàn Lê dương 1, Pouget đi quan sát vị trí rồi quyết định chia lực lượng tại Eliane 2 (A1): Đại úy Edme , Chỉ huy đại đội 2, phụ trách tuyến lô cốt và chiến hào phía Đông và phía Nam cứ điểm đối diện với lực lượng ta.

Đêm ngày 6/5, tại đồi A1 trận chiến đấu giữa ta và địch diễn ra quyết liệt, quân ta xông lên tiêu diệt từng lô cốt, nổ phá từng hầm ngầm. Trong ảnh: Đồi A1 bị ta tiêu diệt. (Ảnh: Tư liệu TTXVN)

Đêm ngày 6/5, tại đồi A1 trận chiến đấu giữa ta và địch diễn ra quyết liệt, quân ta xông lên tiêu diệt từng lô cốt, nổ phá từng hầm ngầm. Trong ảnh: Đồi A1 bị ta tiêu diệt. (Ảnh: Tư liệu TTXVN)

Pouget cùng với đại đội 3 giữ đỉnh đồi có hầm ngầm và mặt Tây Nam tiếp giáp với A3, nơi có một mũi chiến hào của ta chạy men theo đường số 41, đang trực tiếp đe dọa con đường nối A1 với Mường Thanh. Chỉ một ngày sau, Pouget mới biết sự phân công này mang tính định mệnh.

Lực lượng quân Pháp lúc này ở Điện Biên Phủ có 5.385 quân chiến đấu và 1.282 thương binh. Nếu so với sau đợt tiến công thứ hai thì quân địch đông hơn do đã được tăng cường. Diện tích phân khu trung tâm còn không đầy một kilômét vuông.

Được tin ta đã bắt đầu một đợt tiến công mới vào Điện Biên Phủ, ngày 2/5/1954, Navarre vội vã bay ra Hà Nội triệu tập một cuộc họp bàn cách cứu vãn tình thế.

Do phải tung lực lượng ra đối phó ở khắp nơi, Bộ Chỉ huy quân viễn chinh Pháp chỉ còn trong tay có 3 tiểu đoàn dự bị cuối cùng. Lúc đầu Navarre định ném thêm cho De Castries 1 tiểu đoàn dù nữa nhưng rồi thấy việc làm đó giờ đây chẳng có nghĩa lý gì, Navarre lại đưa ra một quyết định khác là cho quân lính của De Castries rút chạy sang Lào để tránh cho Điện Biên Phủ cái tiếng bị tiêu diệt hoàn toàn hoặc phải đầu hàng.

Nhưng kế hoạch rút chạy của địch chưa kịp triển khai thì ngày 5/5/1954, quân ta lại đã tiến công tiếp. Đại đoàn 316 đánh các cứ điểm C2, A1. Đại đoàn 312 đánh các cứ điểm 506, 507 quét sạch quân địch ở tả ngạn sông Nậm Rốm.

Đại đoàn 308 đánh 310 (Nà Noong) nhanh chóng mở một mũi tiến công hướng vào sở chỉ huy của Đờ Cát. Đại đoàn 304 dùng 1 đơn vị chốt chặn ở Nà Tu bịt đường sang Lào đề phòng địch rút chạy. Bộ chỉ huy chiến dịch quyết định hoàn thành nhanh chóng nhiệm vụ của đợt tiến công thứ ba, chuẩn bị mọi điều kiện chuyển sớm sang tổng công kích.

Thời gian nổ súng là 20 giờ 30 phút ngày 6/5. Thời gian tổng công kích dự kiến sẽ vào tối mồng 7/5/1954.

Có thể bạn quan tâm