Kinh tế

Doanh nghiệp

Ngày cận Tết, doanh nghiệp háo hức đón tin vui từ EVFTA

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Dệt may, da giày, sản phẩm công nghiệp chế biến - chế tạo có nhiều cơ hội trong EVFTA. Tuy nhiên, cần hết sức cẩn trọng việc bị lợi dụng giả mạo xuất xứ.
PGS-TS Đinh Trọng Thịnh, giảng viên cao cấp Học viện Tài chính:
Thời cơ cho da giày, công nghiệp chế biến - chế tạo
Thông tin Ủy ban Thương mại quốc tế (INTA) của Nghị viện châu Âu bỏ phiếu thông qua Hiệp định thương mại tự do (FTA) Liên minh Châu Âu - Việt Nam (EVFTA) có lẽ là tin vui nhất đối với một số ngành hàng thế mạnh của Việt Nam như dệt may, da giày và công nghiệp chế biến - chế tạo (bao gồm sản xuất xe máy điện, ôtô điện, vi tính, điện thoại di động, máy ảnh). Mặc dù có thế mạnh và đã xuất khẩu khá nhiều qua EU nhưng những mặt hàng này chưa được hưởng thuế thấp. Ngay sau khi FTA với EU có hiệu lực, mức thuế thấp sẽ khiến cho sức cạnh tranh được gia tăng và cơ hội tăng sản lượng xuất khẩu sẽ nhiều thêm.
Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, mở cửa có nghĩa là không chỉ hàng hóa Việt Nam được ưu đãi thuế khi đưa vào thị trường nước ngoài mà hàng hóa của các nước trong cộng đồng EU cũng sẽ được Việt Nam gỡ bỏ hàng rào thuế quan. Hàng ngoại sẽ rẻ hơn, dễ dàng vào thị trường nội địa Việt Nam hơn và tạo áp lực cạnh tranh rất lớn cho doanh nghiệp (DN) sản xuất kinh doanh trong nước ngay trên sân nhà. Nếu DN không nâng cao chất lượng hàng hóa của mình thì khó tồn tại trong cuộc cạnh tranh với hàng hóa của 28 nước châu Âu.
Mặt khác, cần lưu ý việc mở cửa thị trường, xóa bỏ hàng rào thuế quan giữa EU với Việt Nam cũng khiến chúng ta dễ bị một số nước khác lợi dụng để đội lốt xuất xứ, nhằm tận dụng ưu đãi về thuế mà EU dành cho Việt Nam. Đã có hàng loạt xe đạp điện, đồ dùng gia dụng từ nước khác đội lốt hàng hóa Việt Nam để xuất khẩu vào thị trường EU từ ngay khi hiệp định chưa được ký kết, thông qua. Nếu không chủ động tích cực đấu tranh và ngăn chặn tình trạng này thì hàng Việt rất có thể sẽ bị kiểm tra ngặt nghèo và bị trừng phạt. Khi đó, kết quả của hiệp định sẽ không còn nhiều ý nghĩa nữa.
Nhìn chung, EVFTA vẫn là hiệp định hết sức có ý nghĩa với Việt Nam trong bối cảnh thương mại thế giới có nhiều biến động, xu hướng bảo hộ đang lan nhanh. Đặc biệt, nền kinh tế của Việt Nam là nền kinh tế xuất khẩu và lấy xuất khẩu làm động lực chính cho hoạt động thúc đẩy tăng trưởng của Việt Nam, thể hiện ở kim ngạch xuất nhập khẩu gấp đôi GDP. Do đó, EVFTA với kỳ vọng tăng trưởng mạnh mẽ hơn nữa xuất khẩu sẽ là tín hiệu tốt và là động lực quan trọng cho tăng trưởng năm 2020.
 
Khi EVFTA có hiệu lực, DN Việt sẽ có lợi thế cạnh tranh tốt hơn ở thị trường EU so với các đối thủ khác - Ảnh: Tấn Thạnh
Ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hội Dệt may Thêu đan TP HCM:
Tin rất vui cho DN dệt may
Hiệp định EVFTA được kỳ vọng là cú hích lớn cho xuất khẩu của Việt Nam, đặc biệt là mặt hàng may mặc vốn có nhiều lợi thế cạnh tranh.
INTA thông qua EVFTA ngay những ngày đầu năm 2020 và sát Tết Canh Tý là 1 tin vui lớn đối với DN ngành may mặc xuất khẩu bởi từ khi hiệp định được ký kết hồi tháng 6-2019 đến nay, chúng tôi đã chờ đợi EU và Việt Nam thông qua trong nội bộ để hiệp định đi vào triển khai. EU là thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 của ngành may mặc Việt Nam. Với diễn biến mới này, hy vọng DN sẽ sớm được khai thác lợi thế từ FTA với EU để tận dụng cơ hội xuất khẩu, tăng doanh thu tại thị trường này.
Trong năm 2019 căng thẳng thương mại Mỹ - Trung Quốc ảnh hưởng toàn cầu, khiến sức tiêu thụ chung trên toàn thế giới giảm. Đơn hàng xuất khẩu dệt may của Việt Nam vì vậy ít nhiều bị ảnh hưởng. Thêm vào đó, EVFTA chưa có hiệu lực, Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) còn quá mới nên xuất khẩu không đạt mục tiêu kim ngạch 40 tỉ USD. Năm nay, tình hình căng thẳng thương mại có khả năng sẽ giảm bớt, sức mua dự báo sẽ phục hồi, EVFTA nếu có hiệu lực sẽ mở ra 1 lối đi thoáng cho DN. Nhiều DN lớn đã chuẩn bị khá tích cực, chủ động nghiên cứu cơ hội, thách thức của thị trường EU, cũng như tìm kiếm các giải pháp nâng cao chất lượng, mẫu mã sản phẩm, phát huy lợi thế cạnh tranh… để tận dụng tối đa lợi ích mà EVFTA mang lại.
Tuy nhiên, cũng cần nhìn thẳng thực tế là cơ hội tận dụng lợi thế từ FTA này trước mắt chưa lớn bởi thị trường EU đòi hỏi xuất xứ từ vải trong khi Việt Nam vẫn còn chật vật ở khâu này.
Một thực tế khác là tình trạng DN Trung Quốc mượn xuất xứ Việt Nam để xuất khẩu sang nhiều thị trường, trong đó có EU đã nhiều lần được DN, hiệp hội lẫn cơ quan quản lý Nhà nước lên tiếng cảnh báo. Nếu không kiểm soát được tình trạng này, sẽ ảnh hưởng không chỉ đến DN, ngành nghề mà còn cả nền kinh tế. Hy vọng khi đã nhìn nhận ra vấn đề, nhà nước và DN sẽ cùng phối hợp để kiểm soát chặt hơn: hải quan kiểm tra hàng hóa theo đúng quy định; các cơ quan thuế hết sức lưu ý; các DN cảnh giác, dứt khoát từ chối hợp tác với DN Trung Quốc để "cho mượn" xuất xứ… Với những DN vi phạm, nếu bị phát hiện cần giải quyết cụ thể bằng pháp luật chứ không chỉ kêu gọi, vận động chung chung.
Ông Phạm Thái Bình, Tổng Giám đốc Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An:
Cơ hội cho gạo xuất khẩu
Với quyết định bỏ phiếu thông qua EVFTA của INTA, rất nhiều dòng thuế của hàng loạt mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường này sẽ về 0%, trong đó có gạo. Đây là cơ hội lớn cho gạo Việt Nam cạnh tranh được với các nước để đi vào châu Âu, dù từ trước đến nay, gạo Việt đã được xuất khẩu đi các nước châu Âu với sản lượng hơn 20.000 tấn/năm. EVFTA sẽ mở ra hạn ngạch xuất khẩu gạo hơn 80.000 tấn trong năm 2020 với thuế suất giảm từ 5%-35% về mức 0%, tức là khả năng cạnh tranh sẽ rất lớn về giá thành.
Trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ - Trung cùng với nhiều biến động về kinh tế, thương mại trên thế giới, EVFTA là một trong những hiệp định tạo ra giá trị rất tốt cho thương mại Việt Nam. Bởi lẽ, trong khi nhiều nước dù rất mong muốn nhưng cũng chưa ký được hiệp định thương mại với khối châu Âu thì Việt Nam đã ký được. Cùng với nhiều hiệp định có giá trị khác như CPTPP hay các quan hệ song phương với Mỹ, ASEAN, cơ hội cho hàng hóa của Việt Nam là rất lớn.
Ông Phạm Văn Công, Chủ tịch Hiệp hội điều Việt Nam (Vinacas):
Cơ hội lớn xuất khẩu điều vào EU
Năm 2020 là năm đầy thách thức với ngành điều thế giới, trong đó có Việt Nam. EU là một trong những thị trường xuất khẩu chính của ngành điều Việt Nam. Nếu EVFTA được EU thông qua và chính thức có hiệu lực, sẽ là thuận lợi cho xuất khẩu của Việt Nam nói chung và ngành điều nói riêng. Từ trước đến nay, các DN xuất khẩu sản phẩm điều đều theo tiêu chuẩn Mỹ và EU, nên sẽ có thuận lợi và cơ hội gia tăng xuất khẩu khi EVFTA có hiệu lực.
Năm 2019, kim ngạch xuất khẩu điều ước tính khoảng 3,6 tỉ USD và mục tiêu xuất khẩu năm nay là 4 tỉ USD. Do đó, thông tin tích cực từ EVFTA là tin vui cho DN. Vinacas sẽ thông tin và lưu ý cho các DN về thị trường EU để có thể tận dụng được cơ hội này trong thời gian tới.
Ông Phạm Hải Long, Tổng giám đốc Công ty CP Thực phẩm nông sản xuất khẩu Sài Gòn:
Phải gỡ được thẻ vàng để thuỷ sản vào EU nhiều hơn
Hiện các DN xuất khẩu thuỷ sản, nhất là thực phẩm chế biến đang vào EU khá thuận lợi, ngoài trừ một số thủ tục hành chính. Do đó, khi EVFTA có hiệu lực các DN sẽ tiếp tục gia tăng cơ hội xuất khẩu, nhất là việc thông thương, làm ăn giữa các nước trong khối EU là thành viên của EVFTA.
Có điều, với ngành xuất khẩu thuỷ sản, bài toán lúc này cần phải giải quyết là cần xử lý dứt điểm vụ thẻ vàng. Khi đó, DN mới có thể tận dụng cơ hội và đạt được các điều kiện xuất khẩu vào thị trường này.
Chuyên gia tài chính chứng khoán Phan Dũng Khánh:
Chưa tác động đến thị trường chứng khoán
Hiệp định EVFTA dù được các nhà đầu tư kỳ vọng nhưng do INTA bỏ phiếu thông qua vào ngày cận Tết nguyên đán của Việt Nam nên thị trường chỉ tăng nhẹ. Thực tế, thị trường chứng khoán đã tăng mạnh trước đó cả tuần nhờ tâm lý kỳ vọng vào tăng trưởng ổn định của kinh tế năm 2020 cũng như nhờ vào động thái hưởng ứng Tết của nhà đầu tư.
Mặt khác, việc thông qua hiệp định này của INTA chưa thể đem lại tác động lớn mà còn cần chờ đợi sự thông qua chính thức của Nghị viện châu Âu vào tháng 2-2020. Do đó, trong trung và dài hạn, chưa thể biết diễn biến thị trường như thế nào. Đồng thời, mọi diễn biến còn phụ thuộc vào thời điểm đó, thị trường đang quan tâm gì.
Theo tin từ Bộ Công Thương ngày 22-1, Hiệp định EVFTA và EVIPA sẽ tiếp tục được đưa lên Nghị viện châu Âu bỏ phiếu phê chuẩn tại phiên họp toàn thể của Nghị viện dự kiến diễn ra vào tháng 2 tới. Nếu được phê chuẩn, EVFTA sẽ được Hội đồng châu Âu phê duyệt để có hiệu lực. Trong khi đó, Hiệp định EVIPA sẽ còn cần sự thông qua của nghị viện từng nước thành viên EU.
Về phía Việt Nam, Bộ Công Thương đã hoàn thiện hồ sơ phê chuẩn Hiệp định EVFTA vào đầu tháng 1-2020 và trình Thủ tướng xem xét, quyết định. Theo quy định của Luật Điều ước quốc tế 2016, bộ hồ sơ này sẽ phải được Chính phủ trình Chủ tịch nước và sau đó Chủ tịch nước trình Quốc hội xem xét quyết định.

P.Nhung

Ph.Nhung-T.Nhân-T.Phương-S.Nhung (NLĐO)

Có thể bạn quan tâm