Du lịch

Ngày hội Du lịch Kbang định vị thương hiệu trong lòng du khách

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Sau 5 lần tổ chức, Ngày hội Du lịch Kbang đã trở thành thương hiệu riêng của vùng đất Đông Trường Sơn, định vị điểm đến quyến rũ, giàu trải nghiệm trong lòng bạn bè và du khách.

Đa dạng sản vật

Nằm trong chuỗi các hoạt động của Ngày hội Du lịch Kbang năm 2024 (diễn ra từ ngày 31-7 đến 3-8), Hội chợ nông sản, thực phẩm vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi có 232 gian hàng của nhiều địa phương trong và ngoài tỉnh. Trong đó, huyện Kbang tham gia 168 gian hàng của các xã, thị trấn, cơ quan, doanh nghiệp, hộ kinh doanh. Các đơn vị mang tới hội chợ nhiều nông-lâm sản, thực phẩm thế mạnh của huyện như: các loại sâm rừng, nấm rừng, cây dược liệu, mật ong rừng, cam, mắc ca, gạo lức đô (gạo bọc thép), gạo ST25, gạo nếp than, heo đen...

Qua nhiều lần tham gia hội chợ và được khách hàng góp ý, anh Nguyễn Quang Chính (làng Kon Ktonh, xã Kon Pne) đã đầu tư hơn 10 triệu đồng mua vật tư, nồi nấu cao sâm khỏe. Sản phẩm này được anh giới thiệu tại hội chợ năm nay.

Anh cho biết: “Tôi đã tiếp nhận ý kiến của khách hàng và học hỏi kiến thức từ sách báo rồi mạnh dạn đầu tư nồi nấu cao. Sau 10-12 ngày nấu liên tục, 1-1,2 tạ củ sâm khỏe tươi sẽ thu được 1 kg cao sâm, giá bán 4,5 triệu đồng/kg. Cao sâm khỏe bày bán tại hội chợ được người tiêu dùng đánh giá cao. Mấy ngày qua, tôi bán được 5 tạ sâm khỏe khô với giá 200 ngàn đồng/kg; 1 tạ sâm khỏe tươi với giá 70 ngàn đồng/kg và hơn 1 kg cao sâm khỏe. Tôi sẽ đăng ký sản phẩm cao sâm khỏe đạt chứng nhận OCOP năm 2025”.

Du khách tham quan, mua sắm tại Ngày hội Du lịch Kbang năm 2024. Ảnh: N.M

Du khách tham quan, mua sắm tại Ngày hội Du lịch Kbang năm 2024. Ảnh: N.M

Là doanh nghiệp ngoài tỉnh lần đầu tiên tham gia Ngày hội Du lịch Kbang, ông Ngô Đình Tuấn-Chủ cơ sở sản xuất kinh doanh và chế biến hành tỏi Lý Sơn Thanh Thúy (tỉnh Quảng Ngãi) mang đến các sản phẩm từ tỏi Lý Sơn đạt chứng nhận OCOP 3 sao cấp huyện.

Ông cho hay: “Qua hội chợ, tôi mong muốn quảng bá rộng rãi những đặc sản của huyện đảo Lý Sơn đến với người dân Kbang nói riêng và Gia Lai nói chung. Tôi còn được trải nghiệm, khám phá đời sống, sinh hoạt văn hóa độc đáo của người dân bản địa huyện Kbang như trình diễn cồng chiêng, dệt thổ cẩm, đan lát; được thưởng thức món cơm lam gà nướng, heo quay và một số loại bánh chỉ có ở vùng đất Kbang, Tây Nguyên. Năm sau, tôi sẽ tiếp tục đăng ký tham gia”.

Tham quan, mua sắm tại hội chợ, bà Đặng Thị Tờ (thôn 1, xã Kông Bơ La) cho biết: “Qua các năm, huyện tổ chức hội chợ lại có nhiều gian hàng, sản phẩm phong phú đa dạng hơn. Nhiều loại nông sản của địa phương đã được người dân, cơ sở sản xuất chế biến, đóng gói dán nhãn rất bắt mắt. Đến với hội chợ, tôi không chỉ được giao lưu, mua sắm hàng hóa, nông sản tươi ngon của huyện mà còn biết thêm nhiều sản phẩm của các địa phương khác trong cả nước”.

Tại Làng kháng chiến Stơr (xã Tơ Tung) diễn ra lễ phục dựng lễ hội “Tỉa lúa đầu năm”. Ảnh: Đ.T

Tại Làng kháng chiến Stơr (xã Tơ Tung) diễn ra lễ phục dựng lễ hội “Tỉa lúa đầu năm”. Ảnh: Đ.T

Khái quát bức tranh của ngành nông nghiệp thông qua hội chợ, ông Mã Văn Tình-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Kbang-cho biết: Kbang có khí hậu ôn hòa, thổ nhưỡng đa dạng, thích hợp với nhiều loại cây trồng. Cây mắc ca “bén duyên” đất Kbang từ năm 2010, đến nay đã phát triển lên trên 3.100 ha, được người tiêu dùng cả nước đánh giá cao về hương vị và giá trị dinh dưỡng. Các loại cây cam, quýt đã mở rộng diện tích lên gần 130 ha, được nhiều người biết đến với thương hiệu cam Sơn Lang.

Việc chuyển đổi giống lúa mới gắn với xây dựng cánh đồng lúa một giống đã nâng cao chất lượng lúa gạo trên địa bàn. Gạo ST24, ST25 Sơ Pai đã được nhiều người biết đến. Hay sản phẩm măng le rừng Kbang được thu hái 100% từ tự nhiên, là món ăn không thể thiếu trong những ngày lễ, Tết.

Đến nay, toàn huyện có 64 ha cây ăn quả và rau được chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP; mô hình vườn cây ăn quả canh tác theo hướng hữu cơ được nhân rộng. Từ những lợi thế đó, các sản phẩm được tiêu thụ rộng rãi trong và ngoài tỉnh. Toàn huyện có 18 sản phẩm được chứng nhận OCOP 3 sao.

Ông Nguyễn Mạnh Cường (bên trái)-Phó Chủ UBND huyện Kbang, Trưởng Ban tổ chức Ngày hội Du lịch huyện Kbang năm 2024 tham quan các gian hàng. Ảnh: N.M

Ông Nguyễn Mạnh Cường (bên trái)-Phó Chủ UBND huyện Kbang, Trưởng Ban tổ chức Ngày hội Du lịch huyện Kbang năm 2024 tham quan các gian hàng. Ảnh: N.M

“Định hướng phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn huyện góp phần chuyển đổi từ nền sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp.

Qua đó đã hình thành một số dịch vụ homestay (xã Kông Lơng Khơng), trang trại cam, quýt, mắc ca ven rừng, ven hồ thủy điện Vĩnh Sơn (xã Sơn Lang); những cánh đồng lúa ven dòng suối mát trong, những căn nhà sàn đơn sơ, cùng nương rẫy ven rừng được ví như “chợ trời” của đồng bào Bahnar.

Tất cả hứa hẹn đem lại cho du khách những trải nghiệm thú vị về cuộc sống đơn giản, gần gũi thiên nhiên cũng như nét văn hóa đặc sắc của 21 dân tộc sinh sống trên địa bàn huyện”-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện thông tin thêm.

Miền di sản huyền ảo

Tinh hoa ẩm thực hội tụ trong Ngày hội Du lịch Kbang cũng góp phần giới thiệu về một vùng đất giàu sản vật. Lịch sử hình thành món ăn, nguồn nguyên liệu phong phú từ rừng cùng những phương thức chế biến độc đáo đã định hình bản sắc riêng cho ẩm thực Kbang và làm giàu thêm sự trải nghiệm cho du khách khi đến với vùng đất Đông Trường Sơn này.

50 gian hàng ẩm thực của nhiều dân tộc bày sẵn một đại tiệc đón khách đến với Ngày hội Du lịch. Để rồi, từ ẩm thực, du khách muốn được trải nghiệm nhiều hơn đời sống văn hóa của cư dân Trường Sơn-Tây Nguyên.

Các đồng chí lãnh đạo huyện Kbang cắt băng khai mạc Hội chợ nông sản, thực phẩm vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi huyện Kbang năm 2024. Ảnh: N.M

Các đồng chí lãnh đạo huyện Kbang cắt băng khai mạc Hội chợ nông sản, thực phẩm vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi huyện Kbang năm 2024. Ảnh: N.M

Ngày hội Du lịch Kbang năm nay mở rộng không gian cho du khách trải nghiệm với nhiều hoạt động văn hóa kết hợp khám phá thiên nhiên tại các ngôi làng Bahnar như làng Chiêng (thị trấn Kbang) gắn với thác Hang Dơi, làng Kon Bông (xã Đăk Rong) gắn với thác nước cùng tên (hay còn gọi như dân địa phương là thác Ba tầng). Đặc biệt, tại Làng kháng chiến Stơr (xã Tơ Tung) còn diễn ra lễ phục dựng lễ hội “Tỉa lúa đầu năm”-nghi lễ nông nghiệp quan trọng của cư dân Trường Sơn ngàn đời gắn bó với cây lúa.

Ông Nguyễn Văn Dũng-Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Kbang: “Sự thành công của ngày hội sẽ tạo động lực tinh thần, là nguồn lực quan trọng để huyện tiếp tục cụ thể hóa, hiện thực hóa mục tiêu, nhiệm vụ phấn đấu xây dựng Kbang trở thành trung tâm du lịch văn hóa và sinh thái của tỉnh theo Quy hoạch tỉnh Gia Lai giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt”.

Du khách sau khi trải nghiệm lễ hội trước nhà rông thì ngược lên con đường lát đá mát rượi dưới tán cây vào làng, nơi có những nếp nhà sàn bình yên dựa lưng núi. Trên đường vào làng, du khách bắt gặp những chàng trai như tráng sĩ bước ra từ sử thi bên chiếc nỏ thần sẵn sàng bảo vệ dân làng. Thiếu nữ Bahnar nhịp nhàng giã gạo bên gốc cổ thụ.

Dưới những nếp nhà sàn, đàn ông đan gùi, đàn bà dệt vải. Một cuộc sống đầy chất thơ trong ngôi làng Bahnar nơi lưng núi như ngọn gió mát lành mời khách ngồi lại bên hiên nhà.

Tất cả các hoạt động tái hiện đời sống thường nhật của cư dân Bahnar là sản phẩm du lịch cộng đồng, làm tươi mới sự trải nghiệm cho du khách khi đến với vùng đất nơi đại ngàn Trường Sơn.

Nghệ nhân Đinh Grêng nhiều năm tham gia phục dựng các lễ hội để khôi phục vốn quý mà cha ông đã trao truyền. Năm nay, được làm chủ lễ cúng nghi lễ tỉa lúa đầu năm, ông không giấu sự tự hào: “Đến nay, làng Stơr đã khôi phục hầu hết lễ hội truyền thống. Bà con luôn sẵn sàng tái hiện lễ hội, quảng bá văn hóa của mình để phục vụ du khách. Cùng với đó, tại ngôi làng kháng chiến phục dựng trên núi, chúng tôi còn tái hiện các hoạt động như: đan lát, dệt vải, giã gạo, bắn nỏ, đẽo tượng và hướng dẫn khách trải nghiệm”.

Thiếu nữ Bahnar tái hiện không gian giã gạo trong “Lễ tỉa lúa đầu năm". Ảnh: Đ.T

Thiếu nữ Bahnar tái hiện không gian giã gạo trong “Lễ tỉa lúa đầu năm". Ảnh: Đ.T

Trải nghiệm các hoạt động văn hóa tại Làng kháng chiến Stơr, ông Đặng Văn Phương-Giảng viên Khoa Ngoại ngữ (Trường Đại học Quy Nhơn) bày tỏ: “Lễ tỉa lúa đầu năm của người Bahnar như đưa du khách lên rẫy, cùng họ lao động. Người Tây Nguyên trở nên đặc biệt quyến rũ khi họ mặc trang phục truyền thống và sống cùng lễ hội. Họ như thoát khỏi đời thường để sống với cái đẹp, với sự huyền ảo trong văn hóa. Có lẽ vì vậy mà lễ hội ở đây có sức hấp dẫn đặc biệt với du khách. Tôi không chỉ thỏa mãn sự tò mò về bản sắc văn hóa mà còn mãn nhãn bởi trang phục, điệu múa của người Bahnar. Tất cả đều quá ấn tượng, quá đẹp mắt”.

Nghệ sĩ nhiếp ảnh Huy Tịnh rất hiếm khi bỏ lỡ các sự kiện văn hóa, du lịch của vùng đất Kbang bởi theo anh, đây là “mỏ vàng” của nhiếp ảnh. Năm nào anh cũng làm cầu nối đưa nghệ sĩ nhiếp ảnh các tỉnh về tham gia Ngày hội Du lịch Kbang.

Anh chia sẻ: “Mức độ quảng bá du lịch của sự kiện này rất thành công, đặc biệt là du lịch văn hóa. Bởi đối tượng khách của loại hình này chỉ thích tìm đến cội nguồn văn hóa với những gì chân thật nhất và họ đã tìm thấy ở đây. Đó cũng chính là yếu tố thu hút giới nhiếp ảnh.

Chúng tôi ghi lại được hình ảnh, phản ánh bản chất chân thật của văn hóa, đời sống. Những bức ảnh đó có thể được bán, được đăng tải trên tạp chí du lịch trong và ngoài nước, từ đó, vùng đất Đông Trường Sơn cũng được biết đến nhiều hơn trên bản đồ du lịch quốc gia và quốc tế”.

Thị trấn Kbang rộn ràng ngày hội du lịch. Ảnh: Đ.T

Thị trấn Kbang rộn ràng ngày hội du lịch. Ảnh: Đ.T

Ngày hội Du lịch Kbang được tổ chức lần đầu tiên vào năm 2018. Đến nay, sự kiện này đã trở thành thương hiệu của vùng đất với những dấu ấn riêng biệt về kinh tế, văn hóa. Giá trị hàng hóa, lượng du khách qua các lần tổ chức không ngừng tăng.

Ông Trần Ngọc Nhung-Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch-đánh giá: “Ngày hội Du lịch Kbang trở thành sự kiện thường niên và tác động rõ rệt tới sự phát triển của du lịch địa phương, nhất là du lịch cộng đồng gắn với xây dựng nông thôn mới.

So với các địa phương khác, Kbang duy trì sự kiện này rất bài bản, kêu gọi xã hội hóa rất tốt, qua đó kích cầu du lịch. Kbang cũng rất chú tâm bảo tồn văn hóa truyền thống gắn liền với phát triển du lịch và đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận”.

Có thể bạn quan tâm