(GLO)- Sau 2 ngày diễn ra (5 và 6-10), Ngày hội Hoa muồng vàng huyện Chư Prông 2019 đã thu hút trên 5.000 lượt khách đến tham quan, mua sắm. Nhờ chuẩn bị tốt các điều kiện về cơ sở vật chất cũng như dịch vụ, ngày hội đã để lại những ấn tượng đẹp trong lòng du khách.
Mặc dù lần đầu tiên tổ chức một sự kiện văn hóa, du lịch lớn, điều kiện thời tiết không mấy thuận lợi nhưng đêm khai mạc cũng đã thu hút gần 1.000 lượt du khách. Chị Cao Hồng Ngân-một du khách đến từ quận 7, TP. Hồ Chí Minh-chia sẻ: “Qua các phương tiện thông tin đại chúng, tôi biết đến sự kiện này nên cùng gia đình đến tham quan. Lần đầu tiên đến Gia Lai, tôi có những cảm nhận rất đẹp về vùng đất và con người nơi đây. Đặc biệt, trong đêm khai mạc, chúng tôi được thưởng thức chương trình văn nghệ và màn lửa trại rất ấn tượng do các bạn đoàn viên, thanh niên tổ chức. Đến đây, chúng tôi được hòa mình trong những nét văn hóa đặc sắc của bà con các dân tộc Tây Nguyên. Cùng với đó, loài hoa muồng vàng trồng xen trong các đồi chè đã thực sự khiến tôi choáng ngợp. Nếu năm tiếp theo huyện Chư Prông vẫn tổ chức thì tôi sẽ rủ thêm nhiều bạn bè của mình cùng đến tham quan”.
Du khách được đưa sang hồ nước để ngắm hoa muồng vàng. Ảnh: V.H |
Để có được ấn tượng đẹp trong lòng du khách, huyện Chư Prông đã huy động hàng trăm lượt cán bộ, công chức cùng nhân dân tham gia phục vụ du khách. Bà Trần Thị Thu Hiền-Chủ tịch UBND xã Bàu Cạn-cho biết: “Chúng tôi đã chuẩn bị mọi điều kiện tốt nhất từ tiếp đón, đảm bảo an ninh trật tự đến nơi lưu trú cho du khách. Do từ vị trí đậu xe đến điểm tổ chức ngày hội cách nhau khá xa nên chúng tôi đã huy động 4 xe ô tô để vận chuyển miễn phí du khách vào vị trí tham quan, mua sắm”.
Ông Ksor Việt-Phó Chủ tịch UBND huyện Chư Prông, Trưởng ban tổ chức ngày hội: “Với hàng ngàn lượt du khách đến tham dự ngày hội, có thể thấy rằng nếu biết cách phát huy các cảnh đẹp, giá trị truyền thống, quảng bá rộng rãi và tổ chức chu đáo thì sẽ thu hút du khách. Qua sự kiện này, chúng tôi cũng rút ra được nhiều kinh nghiệm quý báu để lần sau nếu tổ chức thì sẽ thành công hơn nữa”. |
Bên cạnh đó, các cửa hàng bày bán sản phẩm và ẩm thực cũng nỗ lực tạo dựng hình ảnh nhằm “ghi điểm” với du khách. Bà Ksor HKal-phụ trách quầy hàng gà nướng, cơm lam Jrai Food-cho hay: “Đơn vị chúng tôi đã phục vụ nhiều sự kiện văn hóa, du lịch trong và ngoài tỉnh. Đặc sản cơm lam, gà nướng của quán cũng vừa giành giải xuất sắc tại hội thi ẩm thực Gia Lai. Thông qua ngày hội này, chúng tôi muốn giới thiệu đến du khách xa gần những đặc sản của địa phương với phương châm ngon, rẻ, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm”.
Thiếu nữ Jrai, xã Ia Pia, huyện Chư Prông chụp ảnh lưu niệm bên hoa muồng vàng. Ảnh: Đ.T |
Nhiều du khách đến với ngày hội cũng rất ấn tượng với những màn biểu diễn cồng chiêng của bà con các dân tộc nơi đây. Anh Nguyễn Trung Quân (phường Ngô Mây, TP. Quy Nhơn, tỉnh Bình Định) tâm sự: Qua tiếng cồng, tiếng chiêng, anh đã hiểu phần nào văn hóa truyền thống của các dân tộc nơi đây. Dù còn nhiều khó khăn song bà con luôn biết phát huy và bảo tồn các giá trị văn hóa này. Đặc biệt, anh ấn tượng với màn biểu diễn của đội cồng chiêng thiếu nhi (xã Ia Boòng), đội cồng chiêng nữ dân tộc Mường (xã Ia Lâu). Nếu có dịp, anh sẽ trở lại để thưởng thức cảnh sắc và văn hóa các dân tộc nơi đây.
Thiên Thanh