Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Quốc phòng

Ngày hội quốc phòng toàn dân trở thành ngày hội của truyền thống bảo vệ Tổ quốc(*)

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- L.T.S: Trong những ngày này cả nước long trọng tổ chức kỷ niệm 70 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, 25 năm Ngày hội quốc phòng toàn dân (22-12), phóng viên Báo Gia Lai có cuộc phỏng vấn đồng chí Phó Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn Trang xung quanh sự kiện quan trọng này. Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.

 

* P.V: Trong dịp chào mừng kỷ niệm 70 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, xin đồng chí cho bạn đọc của Báo Gia Lai biết tóm tắt về những thành tựu mà lực lượng vũ trang tỉnh nhà đạt được trong quá trình xây dựng, chiến đấu và trưởng thành?

- Đồng chí Dương Văn Trang: Trước tiên cho tôi có đôi lời về quân đội ta. Quân đội ta là quân đội kiểu mẫu, quân đội của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, là lực lượng nòng cốt của lực lượng vũ trang, được Đảng và Bác Hồ tổ chức, giáo dục và rèn luyện. Trải qua 70 năm xây dựng, phát triển, đi từ nhỏ đến lớn, càng đánh càng mạnh, càng đánh càng thắng lớn; chiến đấu và chiến thắng mọi kẻ thù xâm lược, giải phóng đất nước, bảo vệ Tổ quốc; là quân đội anh hùng của dân tộc Việt Nam anh hùng.

Cùng với lực lượng vũ trang cả nước, trong suốt chiều dài lịch sử xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, lực lượng vũ trang Gia Lai không ngừng phát triển và ngày càng lớn mạnh, tiếp nối truyền thống “Bộ đội Cụ Hồ”, luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong các thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ, chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam của Tổ quốc, truy quét bọn phản động FULRO và làm nhiệm vụ quốc tế giúp nhân dân Campuchia xóa bỏ chế độ diệt chủng Pol Pot, cũng như thực hiện nhiệm vụ rèn luyện, sẵn sàng chiến đấu, tham gia xây dựng và phát triển kinh tế-xã hội trong thời bình.

Có được những thành tựu nói trên của lực lượng vũ trang tỉnh là nhờ sự luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền và sự che chở, đùm bọc, giúp đỡ, ủng hộ của đồng bào các dân tộc trong tỉnh; sự đoàn kết, phối hợp, hiệp đồng trong chiến đấu và công tác của các lực lượng vũ trang đứng chân trên địa bàn.

* P.V: Xin đồng chí cho biết về nhiệm vụ của lực lượng vũ trang tỉnh ta hiện nay?

- Đồng chí Dương Văn Trang: Gia Lai là địa bàn chiến lược, các thế lực thù địch luôn tìm cách chống phá bằng nhiều thủ đoạn, nhất là âm mưu “diễn biến hòa bình” bạo loạn lật đổ, lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo, dân chủ, nhân quyền, đặc biệt là bọn phản động FULRO, “Tin lành Đê-ga”, tà đạo “Hà Mòn”..., tuyên truyền xuyên tạc, lôi kéo, đe dọa một bộ phận bà con đồng bào dân tộc thiểu số nhẹ dạ cả tin để tập hợp, kích động gây rối an ninh trật tự ở một số địa bàn cơ sở. Tình hình trong nước và tỉnh ta, sau gần 30 năm đổi mới, kinh tế-xã hội phát triển, nhưng vẫn còn gặp không ít khó khăn, tiềm ẩn phức tạp; một bộ phận cán bộ, đảng viên sa sút ý chí, suy thoái về chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống, làm mất lòng tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền tại không ít địa phương.

Trước tình hình nói trên, việc xây dựng, củng cố, rèn luyện, giáo dục thường xuyên về chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống; học tập và làm theo gương Bác Hồ... nâng cao trình độ chính trị, nhận thức tư tưởng và lòng tin tuyệt đối vào chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, trong đó đặc biệt là lĩnh vực quốc phòng, an ninh, đảm bảo sẵn sàng chiến đấu, chiến đấu thắng lợi trong mọi tình huống và tham gia giải quyết vấn đề an ninh chính trị trên địa bàn là nhiệm vụ quan trọng, chủ yếu của lực lượng vũ trang.

Gia Lai có đường biên giới giáp Campuchia dài trên 90 km, nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biên giới luôn được đặt ra hàng đầu. Lực lượng vũ trang là nòng cốt bảo vệ và xây dựng vùng biên giới hòa bình, ổn định và phát triển kinh tế-xã hội; đề cao cảnh giác, sẵn sàng chiến đấu bảo vệ từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc.

* P.V: Ngày hội quốc phòng toàn dân có ý nghĩa như thế nào và tỉnh ta đã triển khai thực hiện ra sao, thưa đồng chí?

- Đồng chí Dương Văn Trang: Ngày 17-10-1989, Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa VI) ban hành Chỉ thị số 381-CT/TW quyết định lấy ngày thành lập Quân đội nhân dân (22-12) đồng thời là Ngày hội quốc phòng toàn dân. Đây là thể theo nguyện vọng chính đáng của nhân dân cả nước. Vì quốc phòng Việt Nam là nền quốc phòng toàn dân, nền quốc phòng đó tạo nên sức mạnh bởi sự thống nhất theo một quy định của đường lối quốc phòng của Đảng với mục đích là bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ; bảo vệ an ninh quốc gia trên mọi lĩnh vực; bảo vệ Đảng và chế độ, bảo vệ thành quả cách mạng, bảo vệ sự nghiệp đổi mới; đồng thời ngăn chặn, đẩy lùi mưu toan gây bạo loạn, xung đột vũ trang, chiến tranh xâm lược, sẵn sàng đánh bại mọi cuộc chiến tranh xâm lược, nếu xảy ra đối với nước ta.

 

Ảnh: Đức Thụy
Ảnh: Đức Thụy

Sau 25 năm kể từ khi có quyết định của Ban Bí thư, ngày 22-12 hàng năm đã thực sự trở thành ngày hội của truyền thống bảo vệ Tổ quốc, ngày hội tôn vinh và nhân lên hình ảnh cao đẹp của “Bộ đội Cụ Hồ”, đây là nét độc đáo của văn hóa dân tộc Việt Nam thời đại mới. Và, đây cũng là dịp để phát huy truyền thống yêu nước, biểu dương sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và quyết tâm của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Cùng cả nước, ở tỉnh ta trong những năm qua vào dịp 22-12 và những ngày cuối năm này, các cấp ủy, chính quyền, ban ngành, đoàn thể, doanh nghiệp... tổ chức các cuộc mít tinh, tọa đàm, gặp mặt, thảo luận ôn lại truyền thống đấu tranh dựng nước và giữ nước, giáo dục truyền thống của quân đội nhân dân; thăm hỏi các đơn vị lực lượng vũ trang trên địa bàn, động viên, tặng quà tri ân các gia đình liệt sĩ, thương-bệnh binh, cựu chiến binh, cựu thanh niên xung phong... Cũng trong dịp này, nhiều nơi có những sáng kiến hay trong việc tổ chức các hoạt động, thông qua đó, tuyên truyền sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân về truyền thống đánh giặc bảo vệ quê hương, buôn làng của các thế hệ đi trước bằng những con người cụ thể của chính nơi mình sinh ra. Biểu dương thành tích của cán bộ, chiến sĩ, các cựu chiến binh, các gia đình liệt sĩ, thương binh tại địa phương biết phát huy truyền thống gia đình, quê hương, chăm chỉ làm ăn, vươn lên giảm nghèo, tham gia các hoạt động đấu tranh chống kẻ xấu tuyên truyền xuyên tạc, chống phá chính quyền...

Những việc làm nói trên vô cùng ý nghĩa và thiết thực, góp phần nâng cao nhận thức về tinh thần trách nhiệm, ý thức bảo vệ Tổ quốc của toàn xã hội và sức mạnh tổng hợp của nền quốc phòng toàn dân; giữ vững độc lập, chủ quyền, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ và định hướng xã hội chủ nghĩa của Đảng ta; khẳng định sức mạnh của “thế trận lòng dân” trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tôi hoan nghênh các địa phương, đơn vị đã làm tốt công tác hậu phương quân đội, duy trì hoạt động hàng năm về Ngày hội quốc phòng toàn dân và đề nghị trong thời gian tới các cấp ủy cần lãnh đạo tốt công tác này.

* P.V: Xin cảm ơn đồng chí!

P.V (thực hiện)

———
* Đầu đề do Báo Gia Lai đặt.

Có thể bạn quan tâm