Văn hóa

Cổ học tinh hoa

Ngày hội tôn vinh các giá trị di sản văn hóa Gia Lai: Độc đáo, hấp dẫn

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Gần 500 học sinh các trường THPT trên địa bàn TP. Pleiku đã tham gia ngày hội tôn vinh các giá trị di sản văn hóa tại khuôn viên Bảo tàng tỉnh Gia Lai sáng 22-11. Hoạt động độc đáo, hấp dẫn này do Bảo tàng tỉnh tổ chức nhân Ngày Di sản văn hóa Việt Nam (23-11).
Ngày hội diễn ra nhiều hoạt động như thi “Rung chuông vàng”, “Em làm thuyết minh viên”, thi đấu các môn thể thao truyền thống với sự tham gia của học sinh đến từ 5 trường THPT: chuyên Hùng Vương, Phan Bội Châu, Lê Lợi, Pleiku, Dân tộc Nội trú tỉnh. Học sinh các trường khuấy động không khí ngày hội ngay từ những tiết mục văn nghệ mở màn đậm âm hưởng nhạc dân tộc.
Đặc biệt, tiết mục hòa tấu đàn t’rưng bài hát mang âm hưởng nhạc dân tộc “Gặt lúa Đông Xuân” của học sinh Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú tỉnh cùng giọng hát cao vút của em Nay H’Uyên (học sinh lớp 11) đã làm dậy lên những tràng pháo tay của học sinh các trường. H’Uyên sinh ra ở làng Chă Wâu (xã Chư A Thai, huyện Phú Thiện).
“Mỗi lần mặc trang phục truyền thống và hát nhạc về Tây Nguyên, nhận được những tràng pháo tay từ khán giả, em nhận ra văn hóa dân tộc rất có sức hút. Chỉ riêng âm nhạc Tây Nguyên cũng đã có chỗ đứng nhất định trong dòng chảy di sản văn hóa Việt Nam”-H’Uyên cho biết.
Tiết mục văn nghệ mang đậm nét văn hóa của học sinh Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú tỉnh. Ảnh: Minh Châu
Tiết mục văn nghệ mang đậm nét văn hóa của học sinh Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú tỉnh. Ảnh: Minh Châu
Ở phần thi “Em làm thuyết minh viên” giới thiệu về các danh lam thắng cảnh, di sản văn hóa nổi bật của Gia Lai, học sinh các trường đã dẫn dắt khán giả bước vào miền di sản với hình thức sân khấu hóa độc đáo. Chọn đề tài giới thiệu về di sản văn hóa phi vật thể “Sử thi Bahnar”, học sinh Trường THPT Pleiku mang lên sân khấu không gian hát kể sử thi, có sự đối đáp giữa người hát kể và người nghe. Em Lê Bá Tuấn Kiệt (lớp 10B2) vào vai nghệ nhân hát kể sử thi cho bà con và du khách nước ngoài.
Kiệt chia sẻ: “Trên lớp, em đã được học một trích đoạn sủa Sử thi Đam San, nhưng không ngờ người Bahnar lại có những pho sử thi khổng lồ như vậy. Đặc biệt, nó dẫn dắt em mở cánh cửa bước vào đời sống văn hóa tinh thần vô cùng phong phú của người dân tộc thiểu số. Sân chơi văn hóa này giúp em và các bạn nhận ra sự thú vị, hấp dẫn của sử thi”.
Phần thi “Em làm thuyết minh viên” còn có những chủ đề xoay quanh các giá trị của di sản văn hóa như giới thiệu về một trong những di tích lịch sử văn hóa của tỉnh đã được công nhận là di tích cấp quốc gia như thắng cảnh Biển Hồ, Làng kháng chiến Stơr và Khu lưu niệm Anh hùng Núp… Hay giới thiệu về chóe và vai trò của chóe trong đời sống của đồng bào các dân tộc thiểu số Jrai, Bahnar.
Học sinh trường THPT Pleiku giới thiệu vẻ đẹp của Sử thi Bahnar bằng hình thức sân khấu hóa
Học sinh trường THPT Pleiku giới thiệu vẻ đẹp của sử thi Bahnar bằng hình thức sân khấu hóa. Ảnh: Minh Châu
Đúng với tinh thần ngày hội là “chơi mà học, học mà chơi”, học sinh được hòa mình vào những trò chơi dân gian như kéo co, bịt mắt đập niêu, nhảy sạp, chuyền bột về đích, vừa bổ sung vào kho tri thức những kiến thức về trò chơi truyền thống, vừa có những phút giây thư giãn tràn ngập tiếng cười. Với bộ 30 câu hỏi có nội dung xoay quanh kiến thức về di sản văn hóa, phần thi “Rung chuông vàng” giúp học sinh có thêm những hiểu biết thú vị về di sản cha ông để lại.
Có mặt tại ngày hội, cô Nguyễn Thị Mai Loan-Bí thư Đoàn trường THPT chuyên Hùng Vương-chia sẻ: “Học sinh rất hào hứng khi tìm hiểu về di sản văn hóa dân tộc. Vì vậy, cần tạo thêm nhiều sân chơi tương tự để các em vừa tiếp nhận kiến thức, vừa được vui chơi, tránh những giờ học nhàm chán trên lớp. Di sản không chỉ là quà tặng tinh thần từ quá khứ để lại, mà các em sẽ là thế hệ kế thừa và tiếp tục gìn giữ, sáng tạo nên những giá trị mới. Muốn làm được như vậy cần để các em hiểu và tự hào đối với di sản văn hóa đang sở hữu”.
Ông Lê Thanh Tuấn-Phó Giám đốc Bảo tàng tỉnh-cho biết: “Ngày hội Di sản văn hóa Gia Lai giúp học sinh thêm yêu văn hóa, lịch sử, những giá trị của di sản trong đời sống. Đây là năm thứ 2 Bảo tàng tỉnh tổ chức hoạt động này, thu hút đông đảo học sinh các trường THPT trên địa bàn tham gia. Các em thể hiện niềm yêu thích, hiểu biết với nhiều lĩnh vực di sản văn hóa, đồng thời phát huy sự sáng tạo, khéo léo qua các trò chơi vận động cũng chính là một nét đẹp văn hóa dân gian cần gìn giữ. Cùng với nhiều hoạt động Bảo tàng tỉnh tổ chức cho học sinh thời gian qua, chúng tôi xem đây là một trong những giải pháp gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, hướng học sinh tích cực tham gia các hoạt động có ý nghĩa nhân văn để dần hoàn thiện, trưởng thành, sống có ích”.
HOÀNG NGỌC

Có thể bạn quan tâm