Văn hóa

Cổ học tinh hoa

Ngày hội văn hóa các dân tộc thiểu số huyện Ia Pa: Không gian văn hóa đa sắc màu

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Ngày hội văn hóa các dân tộc thiểu số huyện Ia Pa (tỉnh Gia Lai) lần thứ II diễn ra trong 2 ngày 11 và 12-12 với nhiều nét mới, đa dạng và hấp dẫn. Với sự nỗ lực của các đoàn nghệ nhân, ngày hội mang đến không gian văn hóa đa sắc màu, để lại trong lòng người dân và du khách nhiều cung bậc cảm xúc và những trải nghiệm thú vị.

Nhiều hoạt động hấp dẫn

Sự kiện được bắt đầu với việc phục dựng nghi lễ cúng mừng nhà rông mới của người Bahnar ở xã Pờ Tó. Sau khi làm xong nhà rông, dân làng chuẩn bị lễ vật để cảm tạ thần linh phù hộ dân làng, cầu mong bình an và phát triển. Vào giờ lành, lễ cúng được thực hiện trước sân nhà rông có cây nêu, 1 con heo, rượu cần do dân làng đóng góp.

Đoàn nghệ nhân xã Pờ Tó trình diễn cồng chiêng tại ngày hội. Ảnh: V.C

Đoàn nghệ nhân xã Pờ Tó trình diễn cồng chiêng tại ngày hội. Ảnh: V.C

Già làng Đinh Chon (làng Drơn, xã Pờ Tó) trong trang phục truyền thống vừa múc một ít nước vào cái bát bằng đồng rồi rót nhẹ vào ghè vừa đọc lời cúng: “Hỡi Yàng, hôm nay làng có 1 con heo, 1 ghè rượu xin kính dâng lên Yàng, mong Yàng xua đuổi đi thần xấu, những thứ không tốt cho nhà. Trước gỗ này nếu là của Yàng xấu cai quản thì nay xin đừng theo, đừng bám lại gỗ này nữa. Gỗ này, nhà này không còn là của rừng, của rú nữa. Giờ đây, gỗ này, nhà này là của làng. Hỡi Yàng xấu, hãy về nơi mặt trời lặn… Cầu mong cho dân làng được ấm no, vui vẻ, sống hòa thuận, làm ăn phát đạt, mùa màng bội thu, ấm no, hạnh phúc”.

Ông Trần Văn Hiếu-công chức Văn hóa-Xã hội xã Pờ Tó-cho biết: Người Bahnar ở vùng đất này có nhiều nghi lễ truyền thống như: bỏ mả, mừng lúa mới, cúng bến nước, tạ ơn… Tuy nhiên, hiện nay, một số lễ hội bị mai một, người biết cúng cũng không còn nhiều. Vì vậy, việc phục dựng những nghi lễ này là hết sức cần thiết, qua đó góp phần khôi phục bản sắc văn hóa của dân tộc, giúp bà con có ý thức giữ gìn và tiếp tục duy trì, làm phong phú thêm đời sống văn hóa tại địa phương.

Cùng với phục dựng nghi lễ truyền thống, ngày hội văn hóa các dân tộc thiểu số huyện Ia Pa năm nay có sự đổi mới ở phần lễ hội đường phố. Gần 300 nghệ nhân đến từ 9 xã cùng nhau trình diễn cồng chiêng dọc tuyến đường từ Trung tâm Văn hóa-Thông tin và Thể thao đến Đài tưởng niệm huyện thu hút đông đảo người dân theo dõi và cổ vũ. Bên cạnh đó, các tiết mục biểu diễn hòa tấu nhạc cụ dân tộc, hát dân ca, độc tấu đàn trưng cùng các trò chơi dân gian như: bịt mắt bắt dê, chạy cà kheo, nhảy bao bố... mang lại không khí sôi động, vui tươi. Khi ngọn lửa bập bùng được thắp sáng, các nghệ nhân, du khách và bà con dân làng cùng hòa vào nhịp xoang uyển chuyển, nhịp nhàng.

Già làng Đinh Chon (cầm micro, thôn 4, xã Pờ Tó) thực hiện nghi thức cúng mừng nhà rông mới. Ảnh: Vũ Chi

Già làng Đinh Chon (cầm micro, thôn 4, xã Pờ Tó) thực hiện nghi thức cúng mừng nhà rông mới. Ảnh: Vũ Chi

Nỗ lực quảng bá văn hóa truyền thống

Với những đổi mới trong tổ chức, Ngày hội văn hóa các dân tộc thiểu số huyện Ia Pa năm 2023 đã nhận được sự hưởng ứng của đông đảo nghệ nhân. Ông Rcom Chluen-nghệ nhân xã Ia Broăi-bộc bạch: “Xã Ia Broăi có 40 nghệ nhân tham gia ngày hội. Chúng tôi mang đến một số hoạt động văn hóa truyền thống của dân tộc mình như: lễ bỏ mả, tạc tượng, hát ru em, hát giao duyên… Đây là cơ hội cho bà con các dân tộc thiểu số gặp gỡ, giao lưu, học tập để cùng nhau gìn giữ nét đẹp trong phong tục tập quán mà cha ông để lại”.

Ngày hội cũng thu hút sự quan tâm của đông đảo người dân ở các huyện, thị xã lân cận. Trò chuyện cùng chúng tôi, chị Kpă H'Lisa (tổ 6, phường Sông Bờ, thị xã Ayun Pa) vui vẻ chia sẻ: “Tham gia ngày hội, tôi được tìm hiểu, trải nghiệm nhiều nghi lễ, phong tục tập quán, nét văn hóa đa dạng của đồng bào các dân tộc thiểu số. Mỗi xã có sự thể hiện khác nhau tạo sức lôi cuốn riêng”.

Các đại biểu uống rượu ghè chung vui với dân làng sau lễ cúng mừng nhà rông mới. Ảnh: Vũ Chi

Các đại biểu uống rượu ghè chung vui với dân làng sau lễ cúng mừng nhà rông mới. Ảnh: Vũ Chi

Văn hóa cồng chiêng gắn liền với đời sống văn hóa, tinh thần và tín ngưỡng của đồng bào dân tộc thiểu số từ lúc sinh ra cho đến khi trở về với ông bà, tổ tiên. Ông Nguyễn Thái Sơn-Giám đốc Trung tâm Văn hóa-Thông tin và Thể thao huyện-chia sẻ: Trước đây, việc phục dựng các nghi lễ truyền thống thường tổ chức riêng lẻ từng địa phương như: lễ cúng bến nước (xã Pờ Tó), lễ cúng mừng lúa mới (xã Chư Mố)... Năm 2023, Ban tổ chức quyết định đưa lễ hội về phục dựng tại trung tâm huyện nhằm tạo sự giao lưu văn hóa truyền thống giữa các dân tộc, từ đó duy trì, phát triển, làm phong phú thêm bản sắc văn hóa của dân tộc mình. Các đoàn nghệ nhân sử dụng linh hoạt bộ cồng chiêng cổ và cồng chiêng cải tiến, tạo sự hòa quyện giữa truyền thống với hiện đại.

Những năm tới, huyện định hướng mở rộng quy mô, tổ chức ngày hội văn hóa các dân tộc gồm: Jrai, Bahnar, Tày, Nùng, Mường, Kinh... tạo sự đoàn kết, giao lưu, góp phần làm phong phú thêm đời sống văn hóa tinh thần cho người dân địa phương.

Ông Ksor Suy-Phó Chủ tịch UBND huyện, Trưởng ban tổ chức ngày hội-khẳng định: Đây là dịp để cộng đồng các dân tộc gặp gỡ, giao lưu, học hỏi, trao đổi kinh nghiệm trong việc xây dựng và phát triển phong trào văn hóa, văn nghệ dân gian truyền thống. Hoạt động này còn nhằm đánh giá chất lượng công tác văn hóa nghệ thuật dân gian ở các địa phương.

Có thể bạn quan tâm