Điểm đến Gia Lai

"Ngày thứ 6 nghe dân nói"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Đây là mô hình được các xã, thị trấn của huyện Đức Cơ (tỉnh Gia Lai) triển khai thực hiện từ năm 2020 đến nay. Mô hình này đã giúp cấp ủy, chính quyền địa phương nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người dân, thực hiện tốt phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”.

“Ngày thứ 6 nghe dân nói” diễn ra vào tuần thứ 4 của tháng. Trên cơ sở nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người dân, các địa phương xây dựng kế hoạch để người đứng đầu cấp ủy, chính quyền và cán bộ chuyên môn trực tiếp gặp gỡ, lắng nghe dân ý kiến. Nội dung chương trình, thời gian, địa điểm đều được thông báo rộng rãi trước đó vài ngày để người dân biết, tham gia. Ông Nguyễn Đình Tuất-Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Ia Krêl-cho hay: Đảng ủy giao cho khối dân vận tham mưu, xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện mô hình. Theo đó, thôn, làng nào người dân có nhiều ý kiến cần giải đáp, xã sẽ tiến hành tiếp xúc trước. Mới đây, xã đã lắng nghe 11 ý kiến của người dân thôn Thanh Giáo xoay quanh việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, làm thẻ căn cước công dân, giải quyết các chế độ chính sách, vệ sinh môi trường...

 Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Ia Krêl Nguyễn Đình Tuất (thứ 2 từ phải sang) trao đổi với người dân thôn Thanh Giáo. Ảnh: Anh Huy
Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Ia Krêl Nguyễn Đình Tuất (thứ 2 từ phải sang) trao đổi với người dân thôn Thanh Giáo. Ảnh: Anh Huy



Ông Phí Mạnh Quân (thôn Thanh Giáo) chia sẻ: “Một số ý kiến thắc mắc của người dân liên quan đến việc chậm trả thẻ căn cước công dân tại nhà hay việc thu hồi chứng minh nhân dân sau khi nhận thẻ căn cước công dân có ảnh hưởng gì đến quá trình giao dịch tại ngân hàng đã được Công an xã giải thích rất thỏa đáng”. Còn ông Nguyễn Xuân Hùng (cùng thôn) tham gia hội nghị không phải để nêu ý kiến thắc mắc mà chỉ muốn biết thêm những thông tin hữu ích. Vì trước khi nghe dân nói, cán bộ sẽ thông báo nhanh tình hình phát triển kinh tế-xã hội của xã, các chủ trương mới của Đảng, Nhà nước và kế hoạch của địa phương đang triển khai thực hiện để người dân nắm bắt kịp thời. “Tôi thấy những hội nghị như thế này rất đúng với mong muốn, nguyện vọng của người dân. Khi nghe lãnh đạo địa phương và cán bộ chuyên môn trực tiếp trả lời, người dân sẽ nắm vấn đề cặn kẽ hơn”-ông Hùng nói.

Theo Phó Bí thư Đảng ủy xã Ia Krêl, những ý kiến của người dân thuộc trách nhiệm của địa phương đều được cán bộ chuyên môn trả lời, giải đáp thỏa đáng. Đối với những vấn đề không thuộc thẩm quyền, địa phương sẽ tổng hợp, có công văn đề nghị cấp thẩm quyền trả lời bằng văn bản. Nhờ triển khai thực hiện có hiệu quả mô hình nên tình hình an ninh trật tự ngày càng ổn định.  

Đồng quan điểm, ông Vũ Đức Thậm-Bí thư Đảng ủy xã Ia Kla-cho biết: Từ khi triển khai mô hình “Ngày thứ 6 nghe dân nói”, đơn thư khiếu nại, tố cáo trong dân giảm rõ rệt. Năm 2019, xã tiếp nhận 5 đơn thư khiếu nại liên quan đến tranh chấp đất đai. Tuy nhiên, những năm sau đó, xã chỉ tiếp nhận 1 đơn thư/năm. Ý kiến của người dân tại các buổi tiếp xúc chủ yếu liên quan đến việc đăng ký cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; việc đính chính thông tin trong giấy tờ đất; hướng dẫn thủ tục tách thửa; chế độ chính sách đối với người cao tuổi; trợ cấp chế độ bảo trợ xã hội... Các ý kiến, kiến nghị của người dân đã được công chức chuyên môn trực tiếp giải đáp thỏa đáng, hướng dẫn thực hiện theo quy định. “Mô hình này giúp cán bộ gần dân hơn. Thay vì chờ người dân lên trụ sở cơ quan để trao đổi, giải đáp thắc mắc thì cán bộ trực tiếp xuống địa bàn nghe dân nói, hướng dẫn dân làm”-Bí thư Đảng ủy xã Ia Kla cho biết.

Trao đổi với P.V, ông Siu Thil-Trưởng ban Dân vận Huyện ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Đức Cơ-nhấn mạnh: Từ năm 2020 đến nay, các xã, thị trấn đã tổ chức 28 hội nghị “Ngày thứ 6 nghe dân nói” với hơn 1.400 lượt người tham dự, ghi nhận hơn 250 ý kiến của người dân. Các hội nghị đảm bảo tính công khai, minh bạch, dân chủ, khách quan và có trọng tâm, trọng điểm trên tinh thần xây dựng vì lợi ích của người dân. “Ngoài việc lắng nghe ý kiến người dân, thông qua mô hình này, cấp ủy và chính quyền địa phương còn đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước cũng như các quy định của địa phương. Qua đó, các địa phương tăng cường sự thống nhất về tư tưởng, chính trị và tạo sự đồng thuận trong các tầng lớp nhân dân để triển khai thực hiện các nhiệm vụ của địa phương”-Trưởng ban Dân vận Huyện ủy nêu rõ.

 

 ANH HUY

Có thể bạn quan tâm