Giáo dục

Chuyện trường, chuyện lớp

Nghề cao quý

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Đôn-ki-xtôi có câu: “Dưới ánh hào quang của ánh sáng mặt trời, không có nghề nào cao quý bằng nghề dạy học”. Hàng năm, khi tháng 11 về với nhiều hoạt động sôi nổi chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam, những người “lái đò thầm lặng” lại cảm thấy lâng lâng niềm hạnh phúc.
Niềm vui của cô giáo bên học trò. Ảnh: Thu Hằng

Sinh thời, Bác Hồ đã khẳng định: “Không có thầy giáo thì không có giáo dục. Nhiệm vụ của thầy cô giáo là rất quan trọng và rất vẻ vang”. Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng cũng từng nói: “Nghề dạy học là nghề cao quý nhất trong các nghề cao quý, nghề sáng tạo nhất trong các nghề sáng tạo”.

Tại sao lại nói nghề giáo là nghề cao quý? Thật ra, nghề nào cũng cần có trách nhiệm, cũng đều cao quý cả. Nhưng nghề giáo lại đặc biệt ở chỗ: là nghề không chỉ mang lại cho chúng ta tri thức mà cả vốn sống, cả nhân cách. Giáo dục một con người không chỉ là trang bị cho họ một kiến thức tốt, vững vàng mà phải làm cho con người đó có một nền tảng về cách đối nhân xử thế, có cả những kỹ năng cần thiết trong cuộc sống.

Nghề dạy học là một nghề vinh quang. Do đó, để trở thành một nhà giáo chân chính, mỗi giáo viên phải lao động thật nghiêm túc, không ngừng học tập nâng cao trình độ chuyên môn và phải luôn tu dưỡng đạo đức nghề nghiệp.

Nghề dạy học đòi hỏi người đứng trên bục giảng phải có bản lĩnh, đem hết sức mình “truyền lửa” cho những thế hệ tương lai của đất nước. Một nghề mà cho dù hoàn cảnh, cuộc sống chung có khó khăn hay cuộc đời riêng nhiều trắc trở, cũng không được thể hiện sự chán chường, bất mãn trước học trò.

Mỗi thầy giáo, cô giáo được ví như người lái đò chở khách sang sông. Khách lên bờ có mấy ai ngoảnh lại, còn người lái đò thì vẫn dõi trông theo. Thế nhưng, trên dòng sông tri thức thì con người dễ mấy ai quên, bởi lẽ người thầy đã trao gửi, vun đắp hành trang cho mỗi trò để mang theo suốt cả cuộc đời mình. Nghề giáo-nghề cao quý đã đi vào ý thức, luôn là sự tri ân của biết bao thế hệ người Việt.

Không phải ngẫu nhiên mà nghề giáo được xem là nghề tạo ra những nghề khác trong xã hội. Bởi dù chúng ta là ai, chúng ta đang làm việc gì thì cũng từng được ngồi dưới ghế nhà trường, đã nhận được sự truyền đạt dạy dỗ của thầy cô.

Giáo viên không chỉ truyền đạt tri thức mà giáo dục cho học trò cả nhân cách và vốn sống. Ảnh: Mộc Trà

Hiện nay, chúng ta đang hướng đến “giáo dục toàn diện”. Vì thế, cái cao quý của người thầy còn được thể hiện ở phẩm chất, tài năng, năng lực trong môi trường sư phạm. Ở đó, mỗi thầy giáo, cô giáo cần là một tấm gương sáng về đạo đức, lối sống để học sinh noi theo.

Người thầy phải hội đủ cả tâm lẫn tầm. Tâm là lương tâm với nghề nghiệp, cái tâm đối với đồng nghiệp, là trách nhiệm với học sinh. Tầm là tài năng, phải có sự am hiểu rộng sâu về chuyên môn, phải nắm vững tâm lý người học, phải là chỗ dựa vững chắc cho người học. Người thầy phải vượt qua mọi khó khăn để làm tốt công việc của mình.

“Tôn sư trọng đạo” là truyền thống ngàn đời của dân tộc, trải qua bao nhiêu thăng trầm, bao biến cố của thời gian, bối cảnh lịch sử nhưng truyền thống đó vẫn mãi trường tồn.

Ngày Nhà giáo Việt Nam không chỉ có ý nghĩa với những người thầy mà còn có ý nghĩa đối với mỗi học trò. Đó là ngày ghi nhận công lao, đề cao vị trí xã hội và khuyến khích các thầy giáo, cô giáo hăng say hơn, nhiệt tình hơn để “ươm mầm những mầm non tương lai của đất nước”. Đó là ngày để các thầy cô cảm thấy tự hào về nghề cao quý. Trong cuộc sống này, điều quan trọng nhất là làm sao để tất cả mọi người đều được hạnh phúc và nghề giáo đã mang lại hạnh phúc cho tất cả chúng ta.

Có thể bạn quan tâm