Sống trẻ - Sống đẹp

Khởi nghiệp

Nghề đan lát ở Ia Púch

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Như mạch nước ngầm, nghề đan lát truyền thống vẫn âm thầm “chảy” trong cộng đồng người Jrai ở xã Ia Púch, huyện Chư Prông (GIa Lai).
Vùng biên Ia Púch một chiều rợp nắng. Dạo quanh các con đường, chúng tôi dễ dàng gặp cảnh nhiều thanh niên một mình hay tập trung thành từng nhóm dưới mái hiên, bên gốc cây mát rượi, cặm cụi chuốt từng nan tre, tỉ mẩn đan xếp từng sợi lạt làm thành những chiếc gùi, chiếc nia đẹp mắt, đủ mọi kích cỡ.
 Anh Siu Bét (làng Bỉh) rất yêu thích việc đan lát. Ảnh: Phương Linh
Anh Siu Bét (làng Bỉh) rất yêu thích việc đan lát. Ảnh: Phương Linh
Ngồi tựa lưng vào cột nhà, Siu Bét (làng Bỉh) chăm chú vuốt từng sợi nan sao cho thật mỏng, thật đều. Ngồi cạnh, Rơ Mah Já cũng cẩn thận chẻ từng nan nứa, thỉnh thoảng đưa mắt nhìn đôi tay thoăn thoắt của người ngồi bên cạnh. Không ai nói với nhau câu nào, chỉ có tiếng của lưỡi dao bén ngọt lướt trên từng thanh nứa. Mớ bùng nhùng nứa ùn ra do việc chuốt nan cuộn lại, rơi xuống mặt đất tựa như một đám bông mềm mại. Cả 2 vẫn còn rất trẻ, Já chỉ mới 18 tuổi và Bét thì vừa 20. “Mình cũng chỉ mới tập đan gùi thôi. Cứ nhìn mọi người làm rồi làm theo. Mới tập nên cũng khó. Mình làm 2 ngày mới xong phần khung, còn đan và kết dây gùi nữa. Mình cố gắng đan để cho vợ có cái gùi đựng lúa, đựng mì, không phải đi mua”-Siu Bét cho biết.  
Ở làng Goòng, mùa này người làng cũng dành thời gian đan gùi, đan sọt. Mặc mồ hôi nhễ nhại, anh Siu Lâm vẫn kiên nhẫn ngồi bên đống lửa, chờ cho thanh sắt tròn đỏ rực thì dùi lỗ vào phần đế gùi để xỏ dây làm quai đeo, hoàn tất khâu cuối cùng nhằm cho ra mắt những chiếc gùi hoàn chỉnh. Công việc tưởng chừng nhàm chán cứ thế kéo dài gần 2 tiếng đồng hồ nhưng anh Lâm không chút mệt mỏi. Trong lúc chờ cho thanh sắt nóng lên lần nữa, anh Lâm mở cửa nhà kho, chỉ cho chúng tôi xem những chiếc gùi do chính tay mình làm. Có những chiếc gùi rất đẹp, nhiều sợi nứa được nhuộm màu, tạo nên những hoa văn, họa tiết bắt mắt, thể hiện sự khéo léo, óc thẩm mỹ của người tạo ra nó. Mặc dù có kinh nghiệm đan gùi hơn 2 năm, số lượng gùi bán ra mỗi năm hàng chục chiếc nhưng anh Lâm vẫn không nhận mình đã thành thạo. “Ngày trước, cha chỉ cho mình đan gùi. Cũng mất một thời gian dài mới học được. Gùi có kích thước càng nhỏ thì càng khó. Tùy vào từng loại mà mình bán 200.000-300.000 đồng/chiếc”-anh Lâm bày tỏ.
Trong những người biết đan lát ở Ia Púch mà chúng tôi gặp có chị Rơ Mah Blanh (làng Goòng). Chị là một trong số ít phụ nữ ở đây biết đan lát. Từ trước đến nay, phụ nữ trong làng vẫn thường thể hiện sự khéo léo bên khung dệt thay vì bên những thanh tre nứa khô ráp. Thế nhưng, dưới đôi tay mềm mại của chị Blanh, từng thanh nứa được chẻ mỏng, vuốt mềm, uốn dẻo, đan thành những chiếc nia lớn nhỏ dùng để phơi mì, phơi lúa và sàng, sảy. Chiếc nia của người Jrai khá đặc biệt khi không tròn như thường thấy mà có hình giọt nước. “Nia nhọn một đầu sẽ giúp cho việc sàng, sảy lúa, bắp dễ, nhanh và sạch hơn so với nia tròn, khi cầm cũng nhẹ hơn rất nhiều. Cứ rảnh là mình lại đan nia cho gia đình sử dụng và tặng cho người thân, bạn bè”-chị Blanh tâm sự. Hình dáng đặc biệt ấy của chiếc nia khiến cho việc làm ra nó khó hơn rất nhiều. Bởi không chỉ đan xếp từng thanh nan, chị Blanh còn phải uốn sao cho thật đều để khi đặt xuống đất, chiếc nia không vênh. Làm vành cho nia cũng là khâu quan trọng, nếu không siết chặt 2 thanh nẹp thì chiếc nia sẽ bung tuột, nhanh hỏng.
Trò chuyện với P.V, anh Nguyễn Văn Lâm-cán bộ Văn hóa xã Ia Púch-cho biết: “Trong các làng trên địa bàn xã, cộng đồng người dân tộc thiểu số vẫn còn lưu giữ nhiều nét văn hóa truyền thống như: tạc tượng, đánh cồng chiêng, đan lát... Bà con chủ yếu làm ra vật dụng đáp ứng nhu cầu sử dụng của gia đình, ngoài ra còn bán để kiếm thêm thu nhập. Chúng tôi vẫn thường tuyên truyền, khuyến khích bà con gìn giữ, phát huy hơn nữa các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, làm giàu có thêm cho vốn văn hóa của địa phương”.
Phương Linh

Có thể bạn quan tâm