Văn hóa

Cổ học tinh hoa

Nghề dệt thổ cẩm của người M’Nông là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Nghề dệt thổ cẩm của người M'Nông tại Bình Phước vừa được Bộ VH-TT-DL công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Ngày 18.5, tại Khu Bảo tồn văn hóa dân tộc S'Tiêng sóc Bom Bo (H.Bù Đăng), Sở VH-TT-DL tỉnh Bình Phước tổ chức lễ công bố danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, đó là nghề thủ công truyền thống dệt thổ cẩm của người M'Nông tại xã Bù Gia Mập (H.Bù Gia Mập) và các xã Đồng Nai, Thọ Sơn, Phú Sơn, Đắk Nhau (H.Bù Đăng).

Đồng bào dân tộc M'Nông ở Bình Phước hiện có trên 10.000 người (chiếm 1,1% dân số của tỉnh). Nghề dệt thổ cẩm của người M'Nông là nghề thủ công truyền thống được tích lũy kinh nghiệm và phát triển qua nhiều thế hệ, thể hiện kỹ thuật qua đôi bàn tay khéo léo, sáng tạo của người phụ nữ để phục vụ nhu cầu cuộc sống.

Người phụ nữ M'Nông tỉnh Bình Phước với nghề dệt thổ cẩm truyền thống. Ảnh: X.T

Người phụ nữ M'Nông tỉnh Bình Phước với nghề dệt thổ cẩm truyền thống. Ảnh: X.T

Dệt thổ cẩm đòi hỏi phải có năng khiếu, kỹ năng, nắm rõ kỹ thuật dệt. Bên cạnh đó, phải nhận biết và khai thác đúng các nguyên liệu từ thiên nhiên như lá cây, vỏ cây rừng để tạo ra chất liệu nhuộm màu, tạo hình hoa văn. Với giá trị tiêu biểu, nghề dệt thổ cẩm của người M'Nông tỉnh Bình Phước đã được Bộ VH-TT-DL công nhận đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia theo Quyết định số 1838 ngày 4.8.2022.

Lãnh đạo tỉnh Bình Phước chúc mừng các địa phương, cộng đồng dân cư vừa được công nhận nghề thủ công truyền thống dệt thổ cẩm của người M’Nông là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Ảnh: X.T

Lãnh đạo tỉnh Bình Phước chúc mừng các địa phương, cộng đồng dân cư vừa được công nhận nghề thủ công truyền thống dệt thổ cẩm của người M’Nông là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Ảnh: X.T

Phát biểu tại buổi lễ, Phó giám đốc Sở VH-TT-DL tỉnh Bình Phước Nguyễn Khắc Vĩnh nhấn mạnh, việc công nhận nghề thủ công truyền thống dệt thổ cẩm của người M'Nông là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia là sự tôn vinh và khẳng định những giá trị lịch sử - văn hóa, khoa học của nghề truyền thống cũng như tâm huyết của các nghệ nhân và cộng đồng người M'Nông đối với việc duy trì, bảo tồn và phát huy giá trị của nghề.

Ông Vĩnh yêu cầu các địa phương cần có cơ chế, chính sách ưu đãi, hỗ trợ các hộ gia đình còn duy trì nghề dệt thổ cẩm tiếp cận nguồn vốn, nhằm tạo điều kiện mở rộng, phát triển sản xuất, kinh doanh phù hợp với nền kinh tế thị trường. Trong đó, có chính sách khuyến khích, ưu đãi với nghệ nhân dệt thổ cẩm, người có tay nghề giỏi và xây dựng các buôn, sóc thành điểm du lịch cộng đồng; thành lập các hợp tác xã dệt thổ cẩm để quảng bá, giới thiệu sản phẩm tới đông đảo khách du lịch.

Có thể bạn quan tâm