Văn hóa

Cổ học tinh hoa

Nghệ nhân A Thui - Người giữ hồn văn hóa dân tộc Rơ Ngao

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Không chỉ đam mê, lưu giữ nhạc cụ cổ truyền, nghệ nhân A Thui còn "truyền lửa" cho thế hệ trẻ về giá trị văn hóa dân tộc Rơ Ngao qua việc dạy đánh cồng chiêng, các điệu múa xoang và các bài dân ca.

 Ông A Thui biểu diễn chiếc đàn T’rưng sắt do chính ông chế tác. (Ảnh: Khoa Chương/TTXVN)
Ông A Thui biểu diễn chiếc đàn T’rưng sắt do chính ông chế tác. (Ảnh: Khoa Chương/TTXVN)



Ông A Thui (63 tuổi) được bà con người Rơ Ngao tại làng Kon Trang Long Loi, huyện Đăk Hà, tỉnh Kon Tum, xem như người giữ hồn văn hóa của dân tộc khi am hiểu nhiều loại nhạc cụ và luôn quan tâm việc truyền dạy cồng chiêng, hát dân ca cho lớp trẻ trong làng.

Đam mê nhạc cụ cổ truyền

Từ nhỏ, ông A Thui đã được tiếp xúc với cồng chiêng qua người cha của mình. Trong một lần được cha đưa đi lễ hội, ông A Thui đã bị thu hút bởi âm thanh rộn rã của tiếng cồng chiêng vang khắp núi rừng.

Hình ảnh đánh cồng chiêng mạnh mẽ của trai làng và những điệu múa xoang uyển chuyển của các cô gái hòa vào nhau là một hình ảnh đẹp trong tâm trí của ông.

Vì quá yêu văn hóa của dân tộc mình nên từ năm 13 tuổi, ông A Thui đã thuyết phục cha mẹ cho đi theo những người già trong làng để học đánh cồng chiêng. Nhờ có thiên phú về âm nhạc, ông A Thui đã sớm có thể chơi nhiều loại cồng chiêng và thể hiện nhuần nhuyễn nhiều giai điệu cồng chiêng khác nhau.

Đối với cộng đồng dân tộc Rơ Ngao nói riêng và các cộng đồng dân tộc khác tại Tây Nguyên nói chung, cồng chiêng là một loại nhạc cụ không thể thiếu trong các nghi lễ, hội. Tiếng cồng chiêng vang lên là dịp để người dân thể hiện tín ngưỡng của mình đối với thần linh và sự gắn kết trong cộng đồng.


 

Ông A Thui thử âm của những bộ cồng chiêng. (Ảnh: Khoa Chương/TTXVN)
Ông A Thui thử âm của những bộ cồng chiêng. (Ảnh: Khoa Chương/TTXVN)


Ông A Thui chia sẻ, để tiếng cồng chiêng được dồn dập, vang vọng hoặc nhẹ nhàng, sâu lắng, người biểu diễn phải biết điều chỉnh lực tay của mình khi đánh. Việc điều chỉnh được lực đánh, kết hợp gối chân để ngắt âm, thả âm sẽ tạo nên những giai điệu cuốn hút người nghe. Từ đó, thể hiện rõ nét những bản nhạc truyền thống, tạo nên bầu không khí mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc.

Hiện gia đình ông A Thui đang lưu giữ một bộ cồng chiêng gồm 16 chiếc và nhiều loại nhạc cụ khác như đàn b’rot, t’rưng, ting ning, đàn sắt…

Nổi bật nhất là chiếc đàn ting ning được ông A Thui chế tác công phu, tỉ mỉ từ thân cây lồ ô và thường xuyên mang đi trình diễn tại các lễ hội trong làng. Tiếng đàn ting ning trong trẻo, du dương thể hiện khát vọng về tình yêu của các đôi nam nữ và sự ấm no, hạnh phúc trong cộng đồng dân tộc tại địa phương.

Ngoài ra, ông A Thui cũng tìm tòi, học hỏi nhiều về nhạc lý nên bắt đầu “bén duyên” với nghề dạy cồng chiêng cho lớp trẻ trong làng.

“Truyền lửa” cho thế hệ trẻ

Cộng đồng người Rơ Ngao có nhiều nét đẹp về bản sắc, văn hóa. Tuy nhiên, những nét đẹp ấy đang bị mai một khi lớp trẻ dần tỏ ra thờ ơ với các giá trị truyền thống và theo đuổi những xu hướng mới của thời đại.


 

Ông A Thui dạy cồng chiêng cho các em nhỏ. (Ảnh: Khoa Chương/TTXVN)
Ông A Thui dạy cồng chiêng cho các em nhỏ. (Ảnh: Khoa Chương/TTXVN)


Do đó, năm 2017, ông A Thui và một số nghệ nhân trong làng đã phối hợp cùng chính quyền địa phương thành lập Câu lạc bộ dân gian với hy vọng giúp cho thế hệ trẻ tiếp cận và yêu quý hơn những giá trị truyền thống của dân tộc.

Thời gian đầu thành lập, Câu lạc bộ dân gian chỉ thu hút gần 10 người độ tuổi trung niên đến tham dự. Do đó, ông A Thui đã không ngại nắng, mưa để đi đến từng nhà vận động các trẻ em trong làng đến tham gia.

Với những nỗ lực không biết mệt mỏi, các gia đình dần nhận thấy sự tận tâm và nhiệt huyết của ông A Thui nên đã hết lòng giúp đỡ, động viên con em theo học các nhạc cụ cổ truyền của Câu lạc bộ dân gian.

Ông A Thui cho biết: “Vào thời gian rảnh khi các em không đến trường, tôi kêu gọi các em tập trung tại nhà mình để luyện tập cồng chiêng. Khó khăn lớn nhất đối với các em khi tập chính là không hiểu rõ về nhạc lý nên còn ngập ngừng và thể hiện chưa đúng các giai điệu của bài nhạc truyền thống. Bên cạnh đó, các em còn nhỏ tuổi, chưa thể điều chỉnh lực tay của mình nên tiếng chiêng phát ra còn yếu, chưa ngân vang.”

Không nản lòng, ông A Thui kiên trì chỉ bảo từng em về cách sử dụng một chiếc cồng chiêng và nâng cao hơn nữa khả năng của mỗi người. Từ đó, nhiều em nhỏ trong làng đã biết đánh các loại cồng chiêng và cùng nhau tạo nên một đội chiêng nổi tiếng của cả làng.

Em A Tý (14 tuổi, làng Kon Trang Long Loi) cho biết, em bắt đầu tham gia lớp học đánh cồng chiêng từ năm 9 tuổi. Nhờ sự chỉ bảo tận tình và những lời động viên của thầy A Thui, em đã biết chơi cồng chiêng và một số loại đàn của dân tộc. Hiện em cơ bản đã hoàn thiện nhịp chiêng của mình và được tham gia biểu diễn tại nhiều lễ hội của làng, huyện.

Bên cạnh các loại nhạc cụ, ông A Thui cùng vợ mình là bà Y Nhuih (53 tuổi) cũng truyền dạy các điệu múa xoang và những câu hát dân ca cho các trẻ em gái và chị em trong làng. Từ đó, làng Kon Trang Long Loi dần có nhiều em gái, phụ nữ biết múa xoang, hát dân ca hơn.

Sau gần 4 năm hoạt động, Câu lạc bộ dân gian của ông A Thui đã hướng dẫn cho gần 100 người, trong đó có hơn 65 trẻ em tại làng Kon Trang Long Loi hiểu, biết và yêu hơn những giai điệu cồng chiêng và các nhạc cụ truyền thống.


 

Ông A Thui hướng dẫn đội cồng chiêng nhí biểu diễn tại Lễ hội cúng Nước Giọt. (Ảnh: Khoa Chương/TTXVN)
Ông A Thui hướng dẫn đội cồng chiêng nhí biểu diễn tại Lễ hội cúng Nước Giọt. (Ảnh: Khoa Chương/TTXVN)


Với việc thành lập Làng du lịch cộng đồng Kon Trang Long Loi vào ngày 9/1 vừa qua, những thế hệ trẻ trong làng đã có thể kiếm thêm thu nhập thông qua việc biểu diễn các tiết mục múa xoang, đánh chiêng để phục vụ khách du lịch, qua đó vừa góp phần đưa nhịp cồng chiêng đến gần hơn với du khách, vừa góp phần lưu giữ những giá trị văn hóa quý báu của cộng đồng dân tộc tại địa phương.

Với những đóng góp ấy, ông A Thui vinh dự được Nhà nước công nhận là Nghệ nhân Ưu tú vào năm 2015 và được người dân tại làng Kon Trang Long Loi yêu quý, gọi là người “giữ hồn” văn hóa của dân tộc Rơ Ngao.

 

Theo Khoa Chương (TTXVN/Vietnam+)

Có thể bạn quan tâm