Văn hóa

Cổ học tinh hoa

Nghệ nhân đa tài

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Đó là ông A In (66 tuổi, trú ở làng Kon Chênh, xã Măng Cành, huyện Kon Plông). Ông đã được Chủ tịch nước phong tặng Nghệ nhân ưu tú năm 2019 vì những đóng góp trong bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.

Trò chuyện với chúng tôi, A In bộc bạch: Ông sinh ra và lớn lên cùng với tiếng cồng, tiếng chiêng, tiếng tà vẩu, tiếng khung. Những âm thanh này đã ăn sâu vào tâm trí của ông từ nhỏ. Năm 16 tuổi, ông đã biết đánh thuần thục các bộ cồng chiêng, khung, thổi tà vẩu và chế tác được bộ khung.

Theo ông A In, để hòa nhịp với đời sống tinh thần, giao lưu văn hóa văn nghệ, bày tỏ tình cảm của mình với đối phương và thu hút nhiều bạn gái, người con trai phải biết đánh cồng chiêng thật giỏi, chơi khung thật hay. Và cứ như vậy, ông say mê học đánh cồng chiêng, bộ gõ khung từ cha và ông nội.

Không dừng lại ở đó, để học được nhiều bài chiêng khác nhau (vui, buồn, cưới hỏi, tang ma...), A In cùng một số thanh niên trong làng thường đi sang các làng bên để giao lưu, học hỏi.

 

Các nghệ nhân làng Kon Chênh cùng đánh cồng chiêng, thổi tà vẩu. Ảnh: X.B
Các nghệ nhân làng Kon Chênh cùng đánh cồng chiêng, thổi tà vẩu. Ảnh: X.B


Ông kể: Hàng năm, cứ sau mỗi mùa rẫy, khắp thôn làng tưng bừng bước vào mùa lễ hội như lễ đâm trâu, lễ làm chuồng trâu, lễ gieo mạ, lễ làm máng nước... Trong các ngày lễ hội đó, người Mơ Nâm không thể thiếu cồng chiêng, tà vẩu và tiếng khung. Đây là dịp để dân làng thể hiện tình đoàn kết, đánh cồng chiêng, múa xoang và truyền dạy những nét văn hóa đặc sắc của dân tộc mình cho con cháu để không bị mai một.

Theo ông A In, một bộ khung có 3 chiếc. Loại nhạc cụ này được làm thủ công, không có sự can thiệp của bất kỳ loại máy móc hiện đại nào, đòi hỏi nghệ nhân phải có sự khéo léo trong cách chế tác cũng như khả năng thẩm âm tốt mới có thể làm ra một bộ khung như ý.

Để làm được một bộ khung có âm thanh rõ, vang, ngân, người chế tác phải có kinh nghiệm sử dụng các loại vật liệu. Từ đoạn thân của cây nứa già (ống nứa có độ dài khác nhau từ 30cm - 60cm), mọc hướng đông, 1 đầu trên của ống cây nứa bịt kín, 1 đầu dưới của ống nứa được vát nhọn; phần giữa thân nứa được người chế tác nhạc cụ đục một khe nhỏ hình chữ nhật rồi dùng sáp ong gắn vào đó một thanh nứa mỏng và nhỏ (lưỡi tà vẩu) để tạo âm thanh.

Ông A In cho hay, việc chơi tốt nhạc cụ khung là một nghệ thuật. Tay trái cầm khung, tay phải cầm thanh gõ đánh vào thanh các ống nứa theo lực mạnh, nhẹ khác nhau sao cho ăn khớp với giai điệu, tiết tấu từng bài cồng chiêng để các âm thanh hòa quyện vào nhau thêm du dương, trầm bổng hoặc đệm cho các bài hát dân ca của người Mơ Nâm. Người chơi khung phải có đôi tai và khả năng thẩm âm thật tốt mới có thể đánh hòa hợp được với dàn cồng chiêng và tiếng tà vẩu.

 

Nghệ nhân A In. Ảnh: QĐ
Nghệ nhân A In. Ảnh: QĐ


 Riêng đối với diễn tấu cồng chiêng, theo ông A In, người Mơ Nâm sử dụng 2 bộ: bộ 4 cồng và bộ 12 cồng, chiêng. Loại toàn cồng 4 chiếc, đánh kèm với tà vẩu, trống, bộ gõ khung. Loại cồng, chiêng 12 chiếc (3 cồng và 9 chiêng) diễn tấu với trống. Đánh cồng chiêng có thể gõ được bằng dùi, có thể đấm bằng tay, có bộ cồng chiêng có thể áp dụng kỹ thuật chặn bằng tay trái để ngắt nhịp.

“Khi đánh cồng chiêng thì không thể thiếu tà vẩu, trống, bộ gõ khung kết hợp với nhau tạo ra âm thanh vui nhộn, khiến người nghe vô cùng thích thú. Cùng với cách hòa âm, phối khí độc đáo từ cồng, tà vẩu, trống ngân vang hòa cùng âm thanh tiếng chiêng tạo nên bản hòa tấu vừa trầm hùng, vừa réo rắt, rung động, lôi cuốn người nghe” - A In phân tích.

Theo một cán bộ Phòng Văn hóa Thông tin huyện Kon Plông, cồng chiêng và bộ gõ khung là một loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian của các DTTS trên địa bàn huyện Kon Plông nói chung và dân tộc Xơ Đăng (nhánh Mơ Nâm) nói riêng. Các loại nhạc cụ này thường xuyên xuất hiện trong tất cả các hoạt động văn hóa của người dân, từ sinh hoạt gia đình đến sinh hoạt cộng đồng như đám cưới, lễ mừng nhà rông, mừng nhà mới và các sự kiện quan trọng của làng. Với những tiết tấu và nhịp điệu khác nhau, khi nhịp cồng chiêng và khung được đánh lên sẽ thu hút mọi người tham gia kết nối thành những vòng xoang xung quanh bếp lửa bập bùng, từ đó sự gắn kết cộng đồng ngày càng được nâng cao.

Cũng theo người cán bộ văn hóa này, ông A In là nghệ nhân đa tài. Ông vừa đánh cồng chiêng giỏi lại còn vừa rành việc chỉnh chiêng, chế tác khung. Ông thường xuyên tham gia truyền dạy về kỹ năng diễn tấu cồng chiêng, khung và kỹ thuật chế tác khung cho lớp trẻ trong cộng đồng và được dân làng kính trọng. Ngoài ra, ông cũng thường xuyên tham gia các hoạt động văn hóa do huyện, tỉnh tổ chức, góp phần tích cực vào gìn giữ, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc của người Xơ Đăng.


http://baokontum.com.vn/dat-nguoi-kon-tum/nghe-nhan-da-tai-16071.html

Theo Quang Định (baokontum)

Có thể bạn quan tâm