Mấy năm nay, du khách đến Hội An khi xem những bức tượng đất nung đều ngỡ ngàng bởi bàn tay tài hoa của một nghệ nhân: Lê Đức Hạ.
Nghệ nhân Lê Đức Hạ và những sản phẩm đất nung của ông - Ảnh: B.D. |
Nghệ nhân Lê Đức Hạ |
Lê Đức Hạ (làng Đông Khương, Điện Phương, Điện Bàn, Quảng Nam) nổi tiếng ở Hội An do gắn cả cuộc đời của ông với những hòn đất. Người đàn ông 60 tuổi này suốt ngày hì hụi miệt mài với bùn đất nơi mảnh vườn nhỏ nằm sát bên sông.
Cha ông Hạ là một nghệ nhân gốm nổi tiếng ở vùng sông Thu Bồn. Năm 1982, sau khi trở về từ chiến trường Campuchia, ông theo cha nhóm lửa bếp lò. Khi cha mất, ông dắt vợ vào làm cho một xí nghiệp sành sứ nhưng cơ chế bao cấp bị xóa bỏ sau đó khiến xí nghiệp nơi hai vợ chồng ông làm bị giải thể.
"Tôi vẫn khao khát mở lò làm mỹ nghệ đất nung trong vườn nhà của ba tôi ở Điện Bàn. Có bao nhiêu tiền bạc ít ỏi tôi đổ ra xây một cái lò hộp tươm tất, gọi bạn bè cũ ở xí nghiệp đến làm, có cúng bái hẳn hoi" - ông chia sẻ.
Hạ lưu sông Thu Bồn từ Hội An ngược lên Duy Xuyên, Điện Bàn là xứ sở của những làng nghề đi vào sử sách của Quảng Nam như ươm tơ dệt lụa, mộc mỹ nghệ... Nghề gốm còn khá nhiều, nhưng với đất nung thì không còn nhiều người đeo đuổi, Lê Đức Hạ là một trong ít người kiên trì theo nghề tới nay.
Ông kể rằng trong đời làm nghề của mình, có những lúc thất bại tưởng chừng như đánh bật ông khỏi mớ đất nung tươi đỏ. Những năm 1989, những món đồ ông làm ra bị hàng sành sứ Trung Quốc đổ vào đánh dạt. Chán nghề, ông lang thang xuống Hội An làm tay chụp ảnh dạo. Trong túi đồ nghề của ông lúc nào cũng có mớ đất, rảnh là ông đem ra ngồi nhào nặn để luyện tay nghề.
Một buổi chiều của năm 1990, nhận được lời khuyên của người bạn tâm giao Phùng Tấn Đông (hiện là cán bộ Trung tâm Văn hóa thể thao và phát tranh truyền hình Hội An), Hạ đạp xe quay trở về làng cũ Đông Khương nép bên sông Thu Bồn để bắt tay trở lại với nghề gốm nung.
Tới nhiều khu du lịch lớn, các cửa hàng đồ trang trí buồng phòng, không gian du lịch của Hội An hiện nay dễ dàng bắt gặp các mặt hàng được làm hết sức tinh xảo, đẹp mắt bằng những thớ đất đỏ tươi, được nung chín bằng lửa mà không dùng men sành sứ phủ bên ngoài. Đó là tượng đất nung Champa, vật treo tường thông dụng, tượng cô gái bán thân, lồng đèn đất nung, đèn trụ, đèn vườn... Không nhiều người biết cha đẻ của những tác phẩm nghệ thuật này chính là nghệ nhân Lê Đức Hạ.
Ông Hạ cho biết cả đời theo đất nung, ông chưa từng gầy dựng được cái gì thật bề thế cho riêng mình ngoài những tác phẩm. Khi thị xã Điện Bàn bố trí khu làng nghề tập trung ở khu nghĩa địa cũ làng Đông Khương, ông dốc hết vốn liếng để gọi thợ, gầy dựng lên xưởng đất nung quy mô. Xưởng của ông hiện nay cung cấp đồ trang trí đất nung cho thị trường miền Trung, Tây Nguyên.
Bi kịch của người nghệ nhân tài hoa này là tượng đất nung ông làm ra rất đẹp nhưng khá kén người chơi, lại chịu sự cạnh tranh khốc liệt của đồ gốm sành sứ Trung Quốc. Bởi vậy dù rất nổi tiếng, Lê Đức Hạ bảo rằng ông vẫn là một nghệ nhân nghèo, chạy theo đam mê tới cuối đời nhưng chẳng sống được sung túc với đam mê.
Theo THÁI BÁ DŨNG (TTO)