(GLO)- Gặp Phương Uma (tên đầy đủ là Nguyễn Nhật Minh Phương, SN 1986) trong chuyến thiện nguyện tại xã biên giới Ia Chía (huyện Ia Grai, Gia Lai), tôi tình cờ biết được chị là người Việt Nam đầu tiên làm tranh bằng chất liệu dây đồng. Điều đáng nói, đằng sau những bức tranh tinh xảo ấy là câu chuyện đầy cảm động của một cô gái hết lòng vì người khuyết tật.
* P.V: Xin chào chị Uma. Cơ duyên nào đưa chị đến với nghề “vẽ” tranh bằng dây đồng?
- PHƯƠNG UMA: Uma quê gốc ở Quảng Nam nhưng sinh ra và lớn lên tại TP. Hồ Chí Minh. Năm 19 tuổi, khi đang là sinh viên Trường Đại học Sài Gòn, Uma được một người bạn thân hướng dẫn cách làm hoa voan. Từ những sợi kẽm mỏng manh lại có thể uốn nắn thành những hình dạng khác nhau khiến mình cảm thấy vô cùng thích thú. Uma bắt đầu sáng tạo thêm các đồ vật, dần dần làm đến trang sức và tranh bằng dây đồng. Niềm đam mê ấy của mình được nuôi dưỡng đến nay đã 14 năm rồi.
* P.V: Từ những sợi dây kim loại thô cứng, Uma đã tạo ra nhiều bức tranh và đồ trang sức rất có hồn. Phải chăng, đây là năng khiếu nghệ thuật có sẵn trong chị từ bé?
Phương Uma bên bức tranh "Mẹ trái đất" được quấn bằng dây đồng do chị tạo nên. Ảnh: M.T |
- PHƯƠNG UMA: Uma nghĩ rằng, năng khiếu và tài năng chỉ là một phần, nó sẽ giúp bạn thực hiện những điều mình muốn dễ dàng hơn. Tuy nhiên, quan trọng vẫn là sự nỗ lực rèn luyện, kiên trì sáng tạo. Ở thời điểm cách đây 14 năm và kể cả đến bây giờ, khi thế giới chưa có ai làm dòng tranh quấn dây đồng thì Uma vẫn phải tự mày mò làm và dần dần rút kinh nghiệm. Nhưng khó khăn lớn nhất đối với Uma là mình không được học qua các trường lớp mỹ thuật, không biết vẽ và cũng chẳng biết phối màu, phối cảnh. Vẽ một bức tranh bản thảo theo như ý mình muốn đã khó, vẽ và quấn dây đồng y như bản vẽ còn khó gấp trăm gấp ngàn lần. Nhưng bằng nỗ lực và sự kiên trì, mình đã làm được.
Đặc biệt, vừa qua, Uma rất bất ngờ và hạnh phúc khi được đề xuất kỷ lục về “Nghệ nhân làm tranh dây đồng đầu tiên ở Việt Nam”. Đây chính là sự ghi nhận, là một phần thưởng tuyệt vời nhất cho những nỗ lực và phấn đấu của bản thân mình.
Những món đồ trang sức xinh lung linh được uốn bằng dây đồng. Ảnh: Nhật Linh |
* P.V:Được biết, chị chỉ truyền nghề cho đối tượng là người khuyết tật. Lý do này xuất phát từ đâu?
- PHƯƠNG UMA: Uma tham gia làm từ thiện cũng đã tròn 14 năm. Cách đây 8 năm, Uma quyết định làm chương trình cho riêng mình mang tên “Bếp mùa xuân” và đối tượng Uma chọn để giúp đỡ là trẻ em khuyết tật, mồ côi. Tại chương trình “Bếp mùa xuân” năm 2013 được thực hiện ở La Gi (tỉnh Bình Thuận), rất nhiều bà mẹ tay bồng bế, cõng, địu con đến tham dự. Chứng kiến quá nhiều hoàn cảnh khó khăn, Uma và các tình nguyện viên đã bật khóc. Ngay khoảnh khắc ấy mình đã suy nghĩ rằng phải làm một điều gì để giúp cho người khuyết tật. Hai năm sau, khi dòng tranh của mình được công nhận thì Uma đã quyết định chỉ truyền nghề cho người khuyết tật. Ở thời điểm ấy cũng có người bỏ ra cả tỷ đồng để mua nghề của mình nhưng Uma từ chối và theo đuổi quyết định ấy cho đến giờ.
Tính đến nay, dù chưa có ai học nghề thành công nhưng tất thảy họ đều tìm được niềm vui, sống có ích và từng bước hòa nhập cộng đồng. Hiện tại, Uma đang tổ chức cho các bạn khuyết tật làm việc theo đội nhóm, chia đều các kỹ năng và tố chất phù hợp với từng cá nhân. Các bạn ấy làm việc hết sức hiệu quả và đoàn kết. Để hoàn thiện một bức tranh trung bình mất từ 5 ngày đến 1 tháng, tùy thuộc vào size tranh, họa tiết quấn, cách quấn và phối màu.
Hiện Uma đã thành lập Công ty Shark Uma ở quận Gò Vấp (TP. Hồ Chí Minh). Tranh Uma làm chủ yếu về chủ đề tôn giáo, thế giới, môi trường, văn hóa và truyền cảm hứng, động lực sống. Thị trường mình hướng đến chủ yếu là ở nước ngoài vì họ rất tôn trọng sức lao động thủ công và câu chuyện làm nên sản phẩm.
Một góc không gian làm việc tại Công ty Shark Uma ở Quận Gò Vấp (TP. Hồ Chí Minh). Ảnh: Nhật Linh |
* P.V:Đây là lần thứ mấy chị lên Gia Lai làm từ thiện và cảm nhận của chị về vùng đất, con người nơi đây như thế nào?
- PHƯƠNG UMA: Uma không tính nổi đã đến Gia Lai bao nhiêu lần và thực hiện bao nhiêu chương trình, bởi rất nhiều. Nhưng mình nhớ nhất là lúc làm chương trình thiện nguyện ở Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học Đak Rong (huyện Kbang) và Trường Tiểu học Cù Chính Lan (xã Ia Chía, huyện Ia Grai) vừa qua. Các em đều có cùng điểm chung là dù sống trong điều kiện còn nhiều khó khăn, thiếu thốn song lại rất thông minh, ngoan hiền, lễ phép, luôn cố gắng phấn đấu trong học tập.
Hiện Uma đang tập trung vào việc hoàn thiện Học viện-Trung tâm dạy nghề, bảo trợ cho các bé khuyết tật mới lớn vào cuối năm nay để chào đón và hỗ trợ được nhiều bạn khuyết tật khắp cả nước; xây thêm đội nhóm làm nghề tranh và trang sức dây đồng; bảo trợ và dạy dỗ thêm được nhiều bạn khuyết tật dưới 18 tuổi. Ở Gia Lai, Uma được biết cũng có khá nhiều người khuyết tật cần giúp đỡ. Hy vọng trong thời gian gần nhất, Uma sẽ thành lập được chi nhánh làm nghề ở Gia Lai để hỗ trợ các em.
* P.V: Cảm ơn chị về ý tưởng nhân văn đó và cho cả cuộc trò chuyện thú vị này!
MỘC TRÀ (thực hiện)