Kinh tế

Nông nghiệp

Nghe nông dân Jrai, Bahnar kể chuyện làm giàu

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- 85 nông dân đã vinh dự nhận bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai và Ban Chấp hành Hội Nông dân tỉnh tại hội nghị biểu dương nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi giai đoạn 2022-2024 do Hội Nông dân tỉnh Gia Lai tổ chức. Trong đó có 31 nông dân Jrai, Bahnar.

Câu chuyện làm giàu của họ đã cho thấy khát khao cùng quyết tâm thay đổi nếp nghĩ, cách làm để vươn lên làm giàu trên quê hương.

Chia sẻ về kinh tế gia đình, ông Nay Sin (buôn Ia Klon, xã Ia Rmok, huyện Krông Pa) cho hay: Trừ các khoản chi phí, mỗi năm gia đình tôi thu về khoảng 600 triệu đồng từ trồng trọt, chăn nuôi và nhận xây dựng một số công trình nhà ở trong xã.

z5899333296276-bd0d6712d0681179d09a9703853c3c21-3826.jpg
Ông Nay Sin (bên trái) chia sẻ về cách làm giàu tại hội nghị biểu dương nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi giai đoạn 2022-2024. Ảnh: P.D

Gia đình ông Sin sở hữu 7,4 ha đất sản xuất; trong đó 4 ha đất trồng cây điều, 3 ha đất trồng cây mì và 4 sào đất trồng lúa. Tuy nhiên, kinh tế gia đình cũng chỉ dừng lại ở mức đủ ăn, không dư dả. Năm 2019, sau khi tham gia lớp dạy nghề ngắn hạn và tập huấn về chăn nuôi bò tại địa phương, ông nhận ra, cần phải thay đổi cách thức trong phát triển kinh tế. Thay vì canh tác cây trồng theo phương thức truyền thống, ông sử dụng máy móc vào cày bừa đất sau mỗi vụ thu hoạch, sử dụng giống mới cho năng suất cao và đầu tư phân bón, công chăm sóc. Cùng với đó, ông vay 50 triệu đồng từ Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Krông Pa mua 5 con bò sinh sản về nuôi.

“Đất đai bà con đều tận dụng để trồng cây, phát triển kinh tế nên đồng cỏ ngày càng thu hẹp. Vì vậy, mình kết hợp giữa chăn thả tự nhiên và nhốt chuồng. Mỗi ngày, mình lùa bò ra ngoài đồng cỏ khoảng vài giờ đồng hồ, sau đó lùa về chuồng và cho ăn thêm thức ăn từ rơm khô trữ lại sau mỗi vụ thu hoạch. Nhờ đó, đàn bò phát triển và sinh sản đều qua từng năm”-ông Sin cho hay.

Hiện tại, gia đình ông duy trì đàn bò 20 con. Mỗi năm, đàn bò tăng thêm 6-7 con. Tuy nhiên, vì diện tích chuồng nuôi không đảm bảo, nguồn thức ăn không đủ nên sau thời gian chăm sóc, ông đều xuất bán với giá từ 15 triệu đồng đến 30 triệu đồng/con. Còn về trồng trọt, mỗi năm gia đình ông thu về hơn 200 triệu đồng từ 4ha điều và 3ha mì. Ngoài ra, mỗi năm ông còn đứng ra nhận 2-3 công trình xây dựng nhà ở trên địa bàn xã, vừa tạo thêm việc làm, thu nhập cho gia đình và nhiều lao động tại địa phương.

Còn gia đình anh Đinh Văn Thịnh (làng Bờ-Chư Pâu, xã Kông Lơng Khơng, huyện Kbang) cũng trở thành triệu phú sau khi chuyển đổi 10ha đất trồng cây mì, cây bắp sang trồng cây mía. Đặc biệt, anh đã tích cực tham gia cùng các ngành, đoàn thể tại địa phương tuyên truyền, vận động hộ dân trong làng và các làng lân cận cùng liên kết, thực hiện thành công mô hình cánh đồng lớn chuyên canh cây mía.

z5899335311496-d7abeb48681da1b0fccac27b3878f0eb-6239.jpg
Anh Thịnh (thứ 5 từ trái qua) nhận bằng khen của Ban Chấp hành Hội Nông dân tỉnh. Ảnh: P.D

Theo anh Thịnh, từ năm 2007, một số hộ dân trong làng đã trồng cây mía. Nhưng là trồng xen trong cây mì, cây bắp theo kiểu đa cây để thất thu từ cây trồng này còn có cây khác. Do vậy, hiệu quả kinh tế mà cây mía mang lại không rõ ràng. Qua công tác tuyên truyền, vận động, đến năm 2017, có 27 hộ dân trong làng mạnh dạn tham gia tổ liên kết trồng mía với tổng diện tích 68,7ha. Trong đó, gia đình anh Thịnh tham gia 10ha và anh được tín nhiệm trong vai trò tổ trưởng.

“Vì chưa có kinh nghiệm trồng, chăm sóc nên năm đầu tiên, năng suất cây mía mang lại chưa như mong muốn. Song so sánh với cây mì, cây bắp thì cây mía cho hiệu quả kinh tế cao hơn nên bà con có niềm tin.

Mặt khác, cây mía chỉ cần trồng 1 năm có thể cho thu 5-6 năm; nhìn cây phát triển sẽ ước tính được năng suất. Cây mì thì khác, cây có thể đẹp nhưng năng suất thì phải chờ thu hoạch, vì củ nằm dưới đất. 1ha cây mía, trừ chi phí, bà con thu về 60-65 triệu đồng; còn 1 ha mì nếu chăm sóc tốt, được mùa, được giá cũng chỉ đạt 50-60 triệu đồng. Chưa kể còn phải trừ chi phí dọn vườn sau thu hoạch”-anh Thịnh làm phép so sánh về hiệu quả giữa 2 cây trồng trên cùng 1 diện tích.

Từ 27 thành viên, đến nay tổ liên kết trồng mía của làng Bờ-Chư Pâu đã tăng lên 60 thành viên với tổng diện tích 150 ha. Theo anh Thịnh, việc hình thành tổ liên kết giúp người dân thay đổi tập quán canh tác, gắn kết và hỗ trợ lẫn nhau, tạo nên vùng nguyên liệu ổn định. Đặc biệt, trong làng không còn tình trạng người dân bỏ đất trống cũng như cho thuê đất nông nghiệp trái phép, từ đó góp phần ổn định an ninh trật tự trên địa bàn.

Đề cập đến mô hình trồng trọt, chăn nuôi của gia đình, anh Ksor Am (làng Bỉh, xã Ia Púch, huyện Chư Prông) bộc bạch: “Cả đất bố mẹ cho, rồi vợ chồng mình khai hoang, mua thêm tổng cộng có 22ha. Đất thì nhiều nhưng phần lớn là khô cằn, đồi dốc; có đám thì quanh năm thiếu nước, có đám lại ngập úng vào mùa mưa nên gia đình cũng loay hoay, chuyển đổi nhiều loại cây trồng khác nhau. Sau nhiều cố gắng, mới đây mình buộc phải chặt bỏ 2ha cây cà phê chuyển sang trồng cây điều cao sản, vì không đảm bảo nước tưới, năng suất cà phê sụt giảm. Mình cũng tham khảo ở một số nơi, trồng thử nghiệm 250 cây dừa nước ở khu vực thường xuyên bị ngập úng”.

z5899626459871-219e9e7a8283c5207d84c68f0ccbac7f-2745.jpg
Anh Ksor Am bên vườn cây cao su của gia đình. Ảnh: NVVC

Sở hữu nhiều diện tích đất cằn cỗi, bạc màu nên vợ chồng anh đầu tư nuôi 8 con bò với mục đích tận dụng nguồn phân bón cho cây trồng, giảm chi phí đầu tư. Trong số 22 ha (2.000 cây cao su, 2,5 ha cây bạch đàn, 250 cây dừa nước, 12ha cây điều), vợ chồng anh Am đang thu ổn định từ 10ha cây điều và 1.000 cây cao su đã cho khai thác mủ. Bình quân mỗi năm, gia đình anh thu về khoảng 500 triệu đồng sau khi trừ chi phí và tạo việc làm cho nhiều lao động tại địa phương.

… Xuất phát điểm không giống nhau nên hành trình vươn lên làm giàu của mỗi người cũng khác nhau. Song tựu trung lại, họ đều cho thấy nỗ lực cùng tinh thần, quyết tâm vượt khó để thay đổi cuộc sống, vươn lên làm giàu, góp sức xây dựng quê hương.

Có thể bạn quan tâm