Điểm đến Gia Lai

Nghề nuôi trâu giúp người dân Tơ Tung có cuộc sống khá giả

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Hiện nay, nhiều gia đình ở xã Tơ Tung (huyện Kbang, tỉnh Gia Lai) vươn lên thoát nghèo, thậm chí làm giàu nhờ nghề nuôi trâu.

Người dân xã Tơ Tung có tập quán nuôi trâu lâu đời và khá phát triển. Trước đây, trong khi nhiều vùng nuôi trâu chỉ để cúng Yàng thì người dân nơi đây dùng trâu để làm sức kéo phục vụ sản xuất kinh doanh.

Ông Bri cùng con vực trâu làm sức kéo. Ảnh: Đinh Yến
Ông Bri cùng con trai vực trâu tập kéo cày. Ảnh: Đinh Yến


Ông Bri (làng Đak Pkao) nói: Trong kháng chiến, nhờ có sức trâu, người dân trong làng cứ hết trồng mì, lại trồng bắp, trồng lúa vừa để có lương thực cho gia đình, vừa tiếp tế cho bộ đội đánh giặc. Đám ruộng của gia đình ông trước phải huy động nhiều người làm đất nhưng sau nhờ có sức trâu thì chỉ trong một buổi đã xong. “Trâu cày đất tơi xốp lại có thêm phân bón, biết chăm sóc thì trồng cây gì cũng phát triển nhanh, khác với kiểu chọc lỗ tra hạt mùa được mùa mất”-ông Bri cho hay. Đến nay, nhiều hộ dân trong làng vẫn dùng trâu trong sản xuất và hơn thế họ còn biết nuôi trâu để phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng.

Dẫn chúng tôi xem đàn trâu của gia đình, ông Bri bộc bạch: “Khi lập gia đình, bố mẹ chia cho mình 1 con trâu cái làm vốn. Vợ chồng mình chịu khó chăm bẵm nên sau 1 năm, trâu đã đẻ thêm 1 con nghé”. Hiện tại, gia đình ông có đàn trâu 5 con. Mỗi năm, ông bán 1-2 con nghé. Không chỉ gia đình ông Bri mà nhiều hộ trong làng cũng giàu lên nhờ nuôi trâu.

Nói về việc nuôi trâu, ông Bri cho biết: Nuôi trâu không đòi hỏi nhiều kỹ thuật, lại không tốn kém, thức ăn của chúng chỉ là rơm, cỏ, lá cây, phế phẩm nông nghiệp. Hàng ngày, lùa trâu lên rẫy thả, nếu chăn gần nhà thì cắt cỏ cho ăn, thêm cám gạo, bột bắp. Chăm sóc trâu cũng không tốn nhiều công sức, chủ yếu là vệ sinh chuồng trại sạch sẽ, mùa hè nóng cho trâu ra ao hồ tắm, còn nhốt ở chuồng thì mình phải tắm cho trâu.

 Nhờ nuôi trâu, gia đình bà Lý Thị Bình (làng Cao Lạng, xã Tơ Tung, huyện Kbang) ngày càng khá giả. Ảnh: Đinh Yến
Nhờ nuôi trâu, gia đình bà Lý Thị Bình (làng Cao Lạng, xã Tơ Tung, huyện Kbang) ngày càng khá giả. Ảnh: Đinh Yến


Gia đình bà Lý Thị Bình (làng Cao Lạng) giàu lên nhờ nuôi trâu. Bà Bình kể: Năm 1996, từ tiền hỗ trợ hộ nghèo 1,2 triệu đồng, bà vay mượn thêm để mua 1 con trâu với giá 3,7 triệu đồng. Hơn 1 năm sau, bà có thêm 1 con nghé. Khi đó, kinh tế gia đình còn khó khăn nhưng bà chưa nghĩ đến việc bán trâu. Theo bà, gây dựng được đàn trâu thì mới sớm thoát nghèo. Nhờ chăm sóc tốt, đàn trâu của gia đình bà tăng đều hàng năm. Đến khi chuồng trại không đủ để nuôi nhốt thì bà mới tính đến chuyện bán.

Theo bà Bình, nuôi trâu dễ hơn nuôi bò vì ít bị bệnh. Giá bán 1 con trâu cũng cao hơn 1 con bò. Cụ thể, 1 con trâu đực nuôi 3 năm trở lên sẽ bán được 30-40 triệu đồng. Hiện tại, gia đình bà duy trì đàn trâu 17 con, trong đó có 6 con trâu mẹ. “Mỗi năm, gia đình tôi thu về gần 100 triệu đồng từ tiền bán trâu. Từ số tiền này, tôi đầu tư mua thêm đất sản xuất để phát triển kinh tế”-bà Bình bộc bạch.

Trao đổi với P.V, ông Trần Xuân Nam-Chủ tịch UBND xã Tơ Tung-cho biết: “Toàn xã có khoảng 900 hộ nuôi trâu với tổng cộng hơn 1.900 con. Trâu chiếm tỷ lệ cao nhất trong tổng đàn gia súc trên địa bàn, mang lại nguồn thu nhập ổn định và cao hơn so với các loài vật nuôi khác. Nhờ phát triển đàn trâu mà đời sống của người dân từng bước được cải thiện. Tính đến cuối năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo của xã giảm còn 6,34%, bình quân mỗi năm giảm 0,5%”.

Tuy nhiên, theo Chủ tịch UBND xã, diện tích chăn thả đang ngày càng bị thu hẹp. Do đó, xã khuyến cáo người dân chủ động trồng cỏ làm thức ăn cho trâu và làm chuồng trại để nuôi nhốt, không thả rông.
 

 ĐINH YẾN

Có thể bạn quan tâm