Phóng sự - Ký sự

Nghệ sĩ Ưu tú Quang Tâm: “Vàng mười” của múa

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- “Tôi luôn đưa cuộc sống vào nghệ thuật múa vì cuộc sống quá đẹp. Những gì mình làm bằng trái tim đều có sức lay động”-Nghệ sĩ Ưu tú (NSƯT) Quang Tâm-nguyên Ủy viên Ban Chấp hành Hội Nghệ sĩ múa Việt Nam, nguyên Giám đốc Nhà hát Ca múa nhạc tổng hợp Đam San đúc rút kinh nghiệm sau gần nửa thế kỷ gắn bó với nghiệp múa.

Ông vừa được trao Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật với cụm tác phẩm: múa “Tiếng đàn đêm trăng”, “Tiếng trống Araf”, “Cầu mưa”, thơ múa “Huyền thoại Chư HDrông”. Đây cũng là cụm tác phẩm mang đậm dấu ấn Quang Tâm khi ông luôn xem vốn dân gian Tây Nguyên như một “kho báu” để thỏa sức khai thác, sáng tạo.

“Bay lên” từ đời sống

Thơ múa “Huyền thoại Chư HDrông” được NSƯT Quang Tâm ấp ủ suốt 6 năm (2006-2012) mới thành hình. Tác phẩm được nhạc sĩ Ngọc Tường viết nhạc và giành chiến thắng vang dội trên các sân khấu chuyên nghiệp. Nếu “Huyền thoại Chư HDrông” được NSƯT Quang Tâm khai thác từ một câu chuyện cổ dân gian thì 3 tác phẩm còn lại đều là những bức tranh đẹp đẽ về đời sống.

Ông kể: “Trong một lần đi diễn ở huyện Ia Grai, khi trở về nhà rông để ngủ, tôi bắt gặp hình ảnh những chàng trai ngồi chơi đàn goong trên bãi cỏ chảy tràn ánh trăng. Trong khi các thiếu nữ ngồi trên nhà sàn đong đưa những đôi chân trần, hòa giọng hát theo tiếng đàn goong. Giai điệu đó, hình ảnh đó cứ bám níu lấy tôi. Sau này, tôi về dựng vở múa “Tiếng đàn đêm trăng” (năm 1994), thể loại đi-ô (múa đôi). Tác phẩm được nhạc sĩ Ngọc Tường viết nhạc, lần đầu đi thi đã giành huy chương vàng (HCV) tại Hội diễn ca múa nhạc chuyên nghiệp toàn quốc (1995). “Cầu mưa” cũng là những rung động trong một lần tình cờ chứng kiến lễ cầu mưa của người Bahnar ở huyện Kông Chro. Hay hình ảnh những người đàn ông Jrai múa trống say sưa đến nỗi bàn tay tứa máu trong một lễ hội dân gian ở huyện Krông Pa mãi đọng lại trong tôi về cái chất nghệ sĩ và tình yêu nghệ thuật vô biên của họ”.

NSƯT Quang Tâm nhận Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật. Ảnh NVCC

NSƯT Quang Tâm nhận Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật. Ảnh NVCC

Nghệ sĩ Ưu tú Quang Tâm chia sẻ, ông luôn đưa cuộc sống vào nghệ thuật múa vì cuộc sống quá đẹp. Đề tài về văn hóa Tây Nguyên chỉ là một mảng nhỏ để ông khai thác trong gia tài múa đồ sộ mà người nghệ sĩ sáng tạo trong gần nửa thế kỷ gắn bó với nghiệp múa. Ông cho rằng văn hóa-lịch sử đất nước có biết bao câu chuyện đẹp và lay động khiến ông cứ muốn “bay lên” bằng ngôn ngữ riêng của múa. Và, sân khấu múa cần có diện mạo mới để phù hợp với đời sống đương đại, nhưng dù phát triển như thế nào nhất định phải dựa trên sự kế thừa.

“Vàng mười” của múa

17 tuổi, NSƯT Quang Tâm đã tham gia hoạt động nghệ thuật tại Đoàn nghệ thuật Đam San (nay là Nhà hát Ca múa nhạc tổng hợp Đam San). Ông là học trò cưng của cố Nghệ sĩ Nhân dân Y Brơm-cây đại thụ của nghệ thuật múa dân gian Tây Nguyên. Khi còn là diễn viên, NSƯT Quang Tâm ghi dấu ấn sâu đậm khi biểu diễn hàng trăm tác phẩm, giành nhiều huy chương, giải thưởng như: HCV múa “Took rook” năm 1997, huy chương bạc (HCB) múa “Vào hội” năm 1997, HCB múa “Hồn cồng” năm 1999… tại các liên hoan ca múa nhạc-sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc.

Trong vai trò biên đạo, NSƯT Quang Tâm là tác giả của nhiều tác phẩm xuất sắc, đạt nhiều giải thưởng trên các sân khấu toàn quốc. Giải thưởng đầu tay của NSƯT Quang Tâm là HCB với tác phẩm “Bên dòng thác” tại Hội diễn ca múa nhạc chuyên nghiệp tại Hà Nội (năm 1990). Ông kể: “Trước đó nửa năm, tôi đi diễn ở huyện Chư Păh, đêm về ngủ ở làng được nghe kể truyền thuyết thác Ia Ly với câu chuyện tình yêu đầy ngang trái. Ngày đó, trong đoàn có nữ diễn viên múa Rơ Lan Tiếp có suối tóc bồng bềnh tuyệt đẹp. Chỉ mất 3 ngày, tôi đã dàn dựng xong tác phẩm múa “Bên dòng thác” để Rơ Lan Tiếp múa solo. Trên sân khấu Nhà hát Lớn Hà Nội, vở diễn đã được yêu cầu diễn lại ngay khi kết thúc trong tiếng vỗ tay vang dội”.

Khi làm lãnh đạo Nhà hát, NSƯT Quang Tâm còn tham gia nhiều chương trình với tư cách là tổng đạo diễn, chỉ đạo nghệ thuật và để lại dấu ấn mạnh mẽ, trong đó phải kể đến HCV tại Liên hoan nghệ thuật 5 nước tại Quảng Trị năm 2016 với chương trình “Khúc hát đại ngàn về đất mẹ”; HCB Cuộc thi nghệ thuật ca múa nhạc chuyên nghiệp toàn quốc năm 2015 với “Rừng vọng”.

Nếu nhạc sĩ Nhật Lai và cố Nghệ sĩ Nhân dân Y Brơm là 2 nghệ sĩ lớn làm nên “thánh đường nghệ thuật” mang đậm dấu ấn và phong cách riêng của nghệ thuật múa dân gian thì đi cùng với sự nghiệp múa của NSƯT Quang Tâm luôn thấp thoáng bóng dáng âm nhạc Ngọc Tường. Nhiều nhạc sĩ từng viết nhạc múa cho NSƯT Quang Tâm như Nguyễn Cường, Ma Quang Hạ… nhưng có thể nói, nhạc Ngọc Tường rất đậm dấu ấn trong các tác phẩm múa của ông. Hai người nghệ sĩ đã tìm được sự đồng điệu, đồng cảm để sáng tạo những tác phẩm để đời trong dòng chảy của nghệ thuật múa dân gian Tây Nguyên.

Nhạc sĩ Ngọc Tường chia sẻ: “Quang Tâm là người có tình yêu đặc biệt với nghệ thuật múa. Anh có thể lăn lê, bò toài cả ngày trên sân khấu như người ta đang tận hưởng thánh đường của riêng mình mà không biết chán, biết mệt. Anh say mê đến nỗi có cảm giác bỏ múa là sẽ… chết. Nhưng năng khiếu thôi chưa đủ, anh luôn có ý thức khổ luyện, tiếp thu những cái mới, những tinh túy của các biên đạo đi trước, những người thầy tài hoa một cách say mê để sáng tạo ra cái riêng”.

Nhạc sĩ Ngọc Tường kể thêm, năng khiếu cùng với sự đam mê tận cùng với múa của Quang Tâm khiến bất cứ biên đạo nào cũng muốn ông biểu diễn các tiết mục của họ. “Những thập niên trước, trong một chương trình nghệ thuật thường có 12 tiết mục thì có tới 6-7 là tiết mục múa. Mỗi đêm diễn như vậy, Quang Tâm gần như múa chính từ solo, đi-ô, tri-ô (múa 3) hay múa tập thể. Điều đó đòi hỏi sức khỏe dẻo dai và niềm đam mê với múa vượt lên tất cả, chỉ để làm một nghệ sĩ đích thực trên sân khấu. Chính tinh thần, thái độ đó, tình yêu và niềm say mê với nghệ thuật múa đó đã làm nên một người nghệ sĩ có độ chín trong nghệ thuật. Vì vậy mà dù ở vai trò là diễn viên, biên đạo múa hay sau này là tổng đạo diễn, chỉ đạo nghệ thuật nhiều chương trình, Quang Tâm luôn làm hết sức lực, làm với tất cả đam mê”-nhạc sĩ Ngọc Tường bày tỏ.

Nghệ sĩ Ưu tú Quang Tâm nhận Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật năm 2022 (ảnh nhân vật cung cấp).

Nghệ sĩ Ưu tú Quang Tâm nhận Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật năm 2022 (ảnh nhân vật cung cấp).

Sống với lòng biết ơn

Nghệ sĩ Ưu tú Quang Tâm cho rằng trong đời ông có nhiều sự may mắn, đó là trưởng thành sớm trong môi trường nghệ thuật, được gặp gỡ người thầy đặc biệt-cố Nghệ sĩ Nhân dân Y Brơm, được sống trong Nhân dân nên tích lũy được vốn sống, chất liệu dân gian để làm sống lại bằng ngôn ngữ riêng của múa.

Vì vậy “Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật trước nhất tôi xin dâng lên người thầy kính yêu Y Brơm. Ông dạy tôi từ những ngày chập chững bước vào con đường nghệ thuật, đến khi ông về hưu cho tới khi mất (năm 2013), ông vẫn theo sát dạy tôi như một học trò nhỏ. Công ơn đó không thể kể hết được. Các thế hệ anh chị đi trước thuộc Đoàn ca múa Tây Nguyên, sau này là Đoàn nghệ thuật Đam San cũng truyền cho tôi rất nhiều điều quý báu. Ngay cả những người không chuyên cũng cho tôi những bài học, kinh nghiệm quý. Tất cả đã tạo ra một Quang Tâm-người múa như bây giờ”-ông trải lòng.

Nghệ sĩ Ưu tú Quang Tâm sinh năm 1959 tại Thừa Thiên-Huế. Ông tham gia hoạt động nghệ thuật từ năm 1976 tại Nhà hát Ca múa nhạc tổng hợp Đam San trong vai trò diễn viên múa solo, biên đạo múa, trưởng đoàn và Giám đốc Nhà hát cho đến khi về hưu (năm 2018). Ông được phong tặng danh hiệu NSƯT năm 1997, huy chương “Vì sự nghiệp nghệ thuật múa Việt Nam” năm 2000, kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp tư tưởng-văn hóa” của Ban Tư tưởng-Văn hóa Trung ương năm 2002; bằng khen của Thủ tướng Chính phủ vì đã có thành tích góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc năm 2014; 14 năm liên tục là chiến sĩ thi đua; Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật năm 2022.

Sống với lòng biết ơn, NSƯT Quang Tâm chỉ mong mình còn nhiệt huyết, đam mê với múa để truyền đạt lại cho thế hệ trẻ, đó cũng là trách nhiệm của người nghệ sĩ với thế hệ tiếp nối. Ông quan niệm nghệ sĩ không có tuổi hưu. Vì vậy, ông vẫn tham gia dàn dựng các tiết mục múa cho các cơ quan, đơn vị và liên tục gặt hái huy chương trên các sân khấu không chuyên toàn quốc.

Năm 2022, NSƯT Quang Tâm phát hiện mình bị ung thư vòm họng. Ông kể, khi phát hiện bệnh, ông buồn nhưng bình thản đón nhận. Thời gian đó, có khi ông không ăn, không nói được và liên tục bị những cơn đau hành hạ nhưng vẫn đi dàn dựng các tiết mục múa phong trào. Không chỉ bởi công việc mang đến cho ông niềm vui mà “hễ được sống với múa là tôi quên hết đau đớn”-ông nói.

Ông chia sẻ, ai rồi cũng phải đi về cõi tận. Mà ở cuộc sống này, ông đã được sống tận với mọi thứ đã chọn, đặc biệt là với múa nên không còn gì phải nuối tiếc. Có lẽ nghị lực, tinh thần sống tận hiến và luôn biết ơn cuộc sống tươi đẹp đã giúp ông chiến thắng bệnh tật. Ông được bác sĩ thông báo là tình trạng sức khỏe tiến triển tốt, hết tế bào ung thư sau 8 lần hóa trị.

Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật trao cho biên đạo múa, NSƯT Quang Tâm có ý nghĩa không chỉ với cá nhân tác giả mà với cả chuyên ngành múa. Ảnh: Hoàng Ngọc

Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật trao cho biên đạo múa, NSƯT Quang Tâm có ý nghĩa không chỉ với cá nhân tác giả mà với cả chuyên ngành múa. Ảnh: Hoàng Ngọc

Nhìn lại chặng đường ấy, ông chiêm nghiệm: “Hãy luôn sống vị tha. Ai làm được gì hãy mừng cho họ, ai đạt thành tựu gì hãy vui cùng với họ. Bởi cũng như nghiệp múa, không ai biết mình đã khổ luyện, rơi nước mắt và máu trên sàn tập như thế nào, không ai biết mình trải qua những ngày đói rét cơm không đủ ăn, chỉ cần khán giả cho một tràng vỗ tay là tôi cảm thấy hạnh phúc và quên đi hết nhọc nhằn”.

Có thể bạn quan tâm