Hơi thở Gen Z

Tips học tập

Nghị lực của nữ thủ khoa người Nùng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Phạm Thị Phượng (người Nùng, xã Krông Á, huyện M’đrắk, Đắk Lắk), vừa trở thành thủ khoa khối C của tỉnh Đắk Lắk. Bên cạnh niềm vui, là sự nỗ lực để mong đạt mơ ước tiếp tục được đi học.
Em Phượng tranh thủ đi làm thêm để kiếm tiền học đại học.

Em Phượng tranh thủ đi làm thêm để kiếm tiền học đại học.

Trong lúc chờ kết quả xét tuyển đại học, Phượng đi phụ giúp tại quán kiếm thêm tiền. Làm từ sáng đến tối, Phượng sẽ nhận mức lương 4 triệu đồng/tháng. Đây là số tiền em rất cần để trang trải chi phí khi nhập học. Phượng là cựu học sinh Trường THPT Nguyễn Tất Thành, huyện M’đrắk. Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024, em đạt điểm khá cao (Ngữ văn 9,5; Lịch sử 10; Địa lý 10), tổng 29,5 điểm, trở thành thủ khoa khối C tỉnh Đắk Lắk.

Nhà Phượng cách trường 15 cây số nên thuê trọ đi học suốt ba năm THPT. Phượng là con thứ 2 trong gia đình làm nông nghiệp, khá khó khăn. Bố hay ốm đau, người mẹ quần quật lo thuốc và miếng ăn cho cả nhà. Thương bố mẹ vất vả, anh trai Phượng gác giấc mơ đại học, vào Bình Dương làm công nhân, kiếm tiền phụ gia đình.

“Đậu đại học là ước mơ của em và niềm tự hào của gia đình. Lúc biết điểm, em rất mừng nhưng cũng rất lo lắng. Em sợ mình không đủ tiền đi học. Em băn khoăn nên đi học hay đi làm kiếm tiền. Em đã tâm sự và được gia đình, thầy cô, động viên. Cô giáo dạy em môn Ngữ văn luôn giúp đỡ, truyền cảm hứng học tập, giúp em vượt qua thử thách trong cuộc sống”, Phượng nói đồng thời cho biết thêm, em nộp hồ sơ xét tuyển ngành sư phạm Ngữ văn, Trường Đại học Tây Nguyên và đang hồi hộp chờ kết quả.

Hành trang sắp tới của bản thân sẽ khó nhọc nên càng phải chủ động tự lập. Phượng dự định, sau khi nhập học ổn định sẽ đi làm thêm, kiếm tiền trang trải sinh hoạt phí. Thậm chí, em cũng tính đến chuyện tiết kiệm để sau này mua máy tính phục vụ việc học. Dù con đường đến giảng đường còn nhiều khó khăn, song Phượng tự hứa sẽ cố gắng vượt qua.

Cô Trần Thị Oanh, giáo viên chủ nhiệm của Phượng cho hay, cả 3 năm THPT em đều đạt học sinh giỏi. Kết quả thi tốt nghiệp THPT vừa qua là “quả ngọt” nhiều năm nỗ lực học tập của em ấy. Hoàn cảnh em Phượng khá khó khăn.

Ngoài số tiền được hỗ trợ hằng tháng của Nhà nước dành cho con em người dân tộc thiểu số, Phượng còn thu xếp việc học để đi làm thêm, trang trải chi phí sinh hoạt. Khi biết nữ sinh băn khoăn học tiếp hay đi làm, cô giáo chủ nhiệm đã động viên, chia sẻ, khích lệ em tiếp tục theo đuổi ước mơ của mình.

Có thể bạn quan tâm