Thời sự - Bình luận

Nghị quyết 57 - Chìa khóa vàng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22-12-2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia là bước đi mang tính nền tảng, là cơ sở hành động cho quá trình bước vào Kỷ nguyên phát triển thịnh vượng của dân tộc.

Đồng thời là điều kiện “đủ” để hoàn tất cuộc cách mạng số mà ở cấp độ quốc gia, Việt Nam đã và đang kiên trì, tự lực, chứng minh được sức tự cường của một thị trường mới nổi về công nghệ chip bán dẫn, thị phần có sức tăng trưởng vượt bậc về thương mại điện tử…

Chắc chắn trong các bản quy hoạch chiến lược quốc gia, địa phương - trong đó có TPHCM đi cùng chiến thuật tái cấu trúc nền kinh tế quốc dân, Nghị quyết 57 là kim chỉ nam để dẫn dắt các phương thức tiếp cận và thực thi có tính đột phá mạnh mẽ. TPHCM đang tận dụng Nghị quyết 98 (thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM) và bám sát Nghị quyết 57 theo hướng tiếp tục đẩy mạnh triển khai các chính sách hỗ trợ phát triển KH-CN, nghiên cứu kỹ những quy định trong Luật KHCN kết hợp vận dụng các điểm mới, điểm mở trong các nghị quyết Trung ương và kế hoạch của thành phố. Đồng thời xây dựng và ban hành chính sách miễn thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế thu nhập cá nhân liên quan đến hoạt động phát triển KH-CN, đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp đổi mới sáng tạo để thu hút doanh nghiệp, nhà đầu tư đến “làm tổ” tại thành phố.

Cùng lúc, thành phố giải quyết nhanh, dứt điểm các vướng mắc cũ, vừa đột phá những hướng đi với cơ chế mới. Nhiệm vụ kép mà các hệ thống công vụ phải thực thi là một mặt tiếp tục cải cách hành chính với chất lượng cao; mặt khác ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, trí tuệ nhân tạo để gia tăng hiệu quả phục vụ người dân, doanh nghiệp. Cả hai đầu việc này đều kết hợp song song với quá trình đào tạo, tái đào tạo nguồn nhân sự để đảm bảo vận hành thông suốt bộ máy trong và sau khi tinh gọn.

Mục tiêu tăng trưởng 2 con số từ năm 2025 sẽ là bất khả thi nếu chúng ta không sớm đưa và đưa một cách thực chất, cụ thể, có kiểm soát, đánh giá trên từng lộ trình, lộ trình song song các nhóm nhiệm vụ của Nghị quyết 57 vào thực tế. Tất nhiên, phải tính đến vai trò “phụ trợ” chính, sức tác động đến từ cuộc cách mạng tinh gọn để đặt công tác lãnh đạo, quản lý, tham mưu phải mang tính kinh tế, hiểu và có tầm nhìn, quyết đoán đối với các quyết sách kinh tế như một lời giải tối ưu cho mục tiêu đặt ra.

Hơn nữa, vai trò của trí thức với thể chế và văn hóa để tạo ra xung lực sáng tạo, cống hiến và nhất là cơ chế bảo vệ những người thúc đẩy đổi mới sáng tạo và thí điểm các phương thức mới, công nghệ mới là điểm sáng của Nghị quyết 57. Nếu trước đây chỉ quan tâm đến xử lý các rủi ro thì nay đã mạnh dạn đầu tư cho các nghiên cứu rủi ro như một “bảo chứng” cho cam kết “dám làm” sau “được làm, có thể làm”.

Từ tư duy mới, quan điểm mở về phát triển KH-CN, Nghị quyết 57 sẽ cụ thể hóa các chỉ số để đẩy mạnh phương thức đa dạng hóa nguồn đầu tư cho KH-CN và chuyển đổi số. Mà trước tiên là việc tăng nguồn kinh phí chi cho nghiên cứu phát triển lên 2% GDP từ mức 0,4% GDP như hiện nay, tổng chi ngân sách hàng năm dành cho phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số quốc gia tăng lên 3%; đến việc cơ chế giải ngân sẽ thực hiện theo cơ chế quỹ; hợp tác với doanh nghiệp, tập đoàn, đối tác trong và ngoài nước để tăng cường đầu tư, nguồn nhân lực, tài lực.

Thúc đẩy đầu tư vào các ngành nghề đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp, khoán sản phẩm, hợp tác công - tư, miễn trừ hình sự cho các nghiên cứu mạo hiểm, thu hút nhà đầu tư chiến lược trong lĩnh vực hạ tầng số; phát triển kinh tế dữ liệu, thị trường dữ liệu và các sàn giao dịch dữ liệu. Tiếp tục tìm kiếm, thu hút người tài, người có năng lực; huy động được người giỏi, người tài, thậm chí phải là các tài năng vượt trội trong các lĩnh vực quan trọng mà đất nước muốn đột phá. Đặt hàng cụ thể theo từng chương trình trọng điểm quốc gia, tập trung nguồn lực cho các trung tâm nghiên cứu xuất sắc (CoE), có cơ chế thoáng, hợp lý giữa lĩnh vực công - tư, giữa trong và ngoài nước, không câu nệ xuất xứ miễn có sản phẩm, đóng góp giá trị… là những lựa chọn tối ưu để người và việc song hành, phát huy thành tựu.

Theo TS TRƯƠNG MINH HUY VŨ (SGGPO)

Có thể bạn quan tâm