(GLO)- Khi tòa nhà Landmark 81 ở TP. Hồ Chí Minh còn chưa đi vào vận hành kỹ thuật, truyền thông và mạng xã hội đã sôi nổi bàn luận đây là tòa nhà cao nhất thành phố, cao nhất Việt Nam, cao nhất Đông Nam Á (tính đến thời điểm hiện tại) và cao thứ 14 thế giới… Cái mới nào, nhất là cái mới to lớn, cao lớn, đồ sộ, nguy nga cũng có cái “uy” riêng, “sức nặng” riêng, gây tò mò, háo hức, choáng ngợp, đó là điều dễ hiểu. Thông tin cho thấy, Landmark 81 như tên gọi có 81 tầng, cao 461,2 m-chiều cao soán ngôi tòa tháp Bitexco Financial Tower 68 tầng, cao 262 m, vốn là tòa nhà cao nhất thành phố trước đó.
Thực ra, người viết không quan tâm nhiều lắm đến quy mô tòa nhà và chiều cao của nó, dẫu nó có giá trị và ý nghĩa nhất định, mà cái chính là muốn đề cập đến tính biểu tượng của một công trình, dự án. Nghĩa là công trình này mang lại cái gì mới mẻ, hấp dẫn và tên tuổi cho một đô thị, một vùng đất, một địa phương. Ý nghĩa không chỉ ở mặt kiến trúc, kinh tế mà còn ở cả văn hóa. Công trình nổi tiếng, đình đám, tên tuổi thì nghiễm nhiên nó đã hàm chứa yếu tố văn hóa.
Tòa nhà Landmark 81 ở TP. Hồ Chí Minh. Ảnh: internet |
Thành phố Hồ Chí Minh là trung tâm kinh tế, tài chính, dịch vụ, văn hóa lớn vào hàng nhất nước, cũng là đô thị đông dân nhất Việt Nam. Đặc biệt, tốc độ phát triển kinh tế của TP. Hồ Chí Minh đứng đầu cả nước, hoạt động dịch vụ phát triển vượt bậc. Đóng góp vào ngân sách, TP. Hồ Chí Minh luôn đứng đầu. Bên cạnh cơ sở vật chất hiện đại, thành phố có một đội ngũ trí thức và lực lượng lao động có trình độ cao cũng nhất nước. Về phương diện văn hóa, với hơn mấy trăm năm hình thành, đây là vùng đất có bề dày và truyền thống lịch sử, văn hóa đặc sắc. Đây cũng là nơi có hoạt động văn hóa nghệ thuật đi đầu, đặc biệt là văn hóa giải trí…
Nhưng trong những cái “nhất” đó của thành phố, ấn tượng nhất vẫn là tốc độ phát triển kinh tế. Phát triển như thế nên chưa bao giờ thành phố này ngừng sôi động và hấp dẫn các nhà đầu tư, các thành phần kinh tế đến từ các nơi. Môi trường đầu tư cạnh tranh, ưu việt; dịch vụ phát triển; khoa học công nghệ tiên tiến; nguồn lực tài chính dồi dào; chủ động đáp ứng nguồn nhân lực… tất cả đã làm nên sự hấp dẫn của TP. Hồ Chí Minh này. Tất nhiên, trong đó đã đề cập đến đội ngũ công chức thừa hành có chuyên môn và tính chuyên nghiệp cao. “Thiên thời, địa lợi, nhân hòa”, 3 yếu tố “truyền thống” thành phố này có đủ. Và đó là điều có thể lý giải cho sự thành công và đi đầu phát triển của TP. Hồ Chí Minh hôm nay cũng như trong tương lai.
Cứ nghĩ một tòa nhà như Landmark 81 với diện tích hàng trăm ngàn mét vuông, dung chứa nhiều công năng: trung tâm thương mại, căn hộ cao cấp, văn phòng cho thuê, vui chơi giải trí… kéo theo một chuỗi dịch vụ thì sức khai thác và khả năng hái ra tiền của nó lớn đến mức nào, đóng góp vào sự phát triển kinh tế của thành phố cũng tăng theo tỷ lệ thuận. Một công trình hoành tráng, hiện đại xuất hiện như Landmark 81 không chỉ là điểm nhấn trong không gian cảnh quan kiến trúc đô thị mà sâu xa hơn, nó là biểu tượng của sự năng động, mạnh mẽ phát triển và không ngừng tiến về phía trước. Đặt trong bối cảnh nền kinh tế đất nước còn đang vấp phải những khó khăn nhất định mới thấy công trình có tính biểu tượng mới này còn mang ý nghĩa vượt khó và hun đúc niềm tin thắng lợi to lớn.
Chợt nghĩ “thành phố đáng sống” Đà Nẵng mới đây cũng có một công trình mới-cây cầu Vàng trên đỉnh khu du lịch nổi tiếng Bà Nà. Đà Nẵng vốn là thành phố của những cây cầu: cầu Thuận Phước, cầu Sông Hàn (cầu Quay), cầu Rồng, cầu Nguyễn Văn Trỗi, cầu Trần Thị Lý, cầu Tiên Sơn, cầu Nguyễn Tri Phương… Được gợi mở từ danh xưng “thành phố của những cây cầu”, nhà đầu tư Sun Group đã hoàn thành thêm một trác tuyệt: cây cầu Vàng được nâng đỡ bởi 2 bàn tay trên đỉnh núi chót vót mù sương như giữa chốn bồng lai tiên cảnh. Từ ngày đưa vào khai thác, hàng triệu người, nhất là nam thanh nữ tú lại có cớ tìm đến nơi này đánh dấu sự có mặt của mình. Thông tin mới đây cho biết, từ đầu năm đến nay đã có hơn 5 triệu lượt khách tìm đến Đà Nẵng, tất nhiên là có sức hút từ cây cầu Vàng.
Biểu tượng và danh xưng thường song hành cùng nhau. Nó là chỉ dấu của một cột mốc, một quá trình phấn đấu, một bản sắc trầm tích văn hóa tiềm tàng. Thành phố Hoa phượng đỏ để chỉ Hải Phòng. Thành phố Cần Thơ là Tây Đô nổi tiếng không chỉ có “gạo trắng nước trong”. Nói thành phố mộng mơ lập tức nghĩ ngay đến Đà Lạt… Dẫu còn nhiều ý kiến khác nhau về tính biểu tượng nhưng sự hiện diện của nó thực sự đã đem lại một cái nhìn mới mẻ, ấn tượng về một địa phương, một vùng đất. Riêng với Gia Lai, lâu nay cũng có những biểu tượng được nhiều người liên tưởng khi nhắc đến mảnh đất cao nguyên này như: Biển Hồ, núi Hàm Rồng, hoa dã quỳ... Tất nhiên, đây mới chỉ là những biểu tượng thiên tạo, còn những biểu tượng ra đời từ ý chí con người như tòa nhà Landmark 81, cầu Thuận Phước, cầu Rồng... thì chắc chắn cũng sẽ được tỉnh tính đến.
Không gì vui hơn khi đất nước này có thêm nhiều công trình có tính biểu tượng, nhiều biểu tượng bị “đánh đổ” một cách ngoạn mục và có nhiều danh xưng đẹp đẽ đúng với ý nghĩa của nó.
Thất Sơn