Kinh tế

Tài chính

Nghĩ về sự phát triển kinh tế

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Mới rồi vợ tôi kể, cô bạn làm cùng công ty dẫn con gái khăn gói ra Đà Nẵng làm thủ tục nhập học sau khi đỗ một trường đại học ngoài đó. Con gái được chăm bẵm nuông chiều từ nhỏ nên nhút nhát, lại không người thân, bạn bè, ký túc xá không đủ phục vụ, chị kia chỉ còn cách thuê phòng cho con trọ học. Để chủ động, 2 mẹ con ra trước cả tháng tìm chỗ trọ. Khu vực gần trường được ưu tiên tìm kiếm, lựa chọn nhưng mãi vẫn không có chỗ, nếu có thì giá lại “chát”. Buồn, giận, 2 mẹ con lục tục quay về trong bất lực. Không biết từ bấy đến giờ tình hình thế nào, bé kia đã có chỗ thuê trọ để yên tâm học tập hay chưa?
Chỉ ở những đô thị mà ngành nghề, dịch vụ kinh tế-xã hội phát triển thì mới tạo ra nhiều sản phẩm, dịch vụ, kéo theo nhu cầu cần nhiều việc làm. (ảnh minh họa)
Chỉ ở những đô thị mà ngành nghề, dịch vụ kinh tế-xã hội phát triển thì mới tạo ra nhiều sản phẩm, dịch vụ, kéo theo nhu cầu cần nhiều việc làm. (ảnh minh họa)
Sẽ không là điều đáng suy nghĩ với tôi nếu mới đây không xảy ra trường hợp tương tự: Anh bạn làm ở một công ty du lịch cho biết vợ anh cũng vất vả tìm chỗ trọ cho con ăn học ở TP. Hồ Chí Minh. Một thành phố lớn, sôi động nhất nước như thế mà nhiều cái cũng thiếu, trong đó có chỗ trọ sinh viên. Phòng trọ chật chội, xập xệ, ở chung với nhiều sinh viên lạ, nơi ở xa nơi học... vợ chồng anh thương và lo cho con lắm. “Tôi tự trấn an bản thân và con, tin tưởng con sớm thích nghi cuộc sống mới để yên tâm học tập, chứ chẳng còn cách gì khác”-anh bạn bộc bạch. 
Trong bối cảnh xã hội “thừa thầy thiếu thợ”, tâm lý trọng học vẫn còn nặng nề, kết quả đào tạo thật-giả lẫn lộn, nhiều cuộc tuyển sinh, tuyển dụng tai tiếng, áp lực việc làm ngày càng khốc liệt... câu chuyện khó khăn thuê phòng trọ sinh viên khiến ai cũng phải suy nghĩ. 
Vì sao thiếu phòng trọ sinh viên? Thật ra, các loại hình lưu trú du lịch: biệt thự, căn hộ, buồng phòng khách sạn, nhà nghỉ, nhà khách ở những nơi đó không thiếu, thậm chí còn khủng hoảng thừa trong một số thời điểm, như không là mùa du lịch chẳng hạn. Nhưng xét trên diện rộng, một đồng nghiệp tại Đà Nẵng cho biết: Lý do quan trọng mà nhiều người bỏ qua, đó là một lượng lớn người nhập cư đang bám trụ sinh sống ở đây. Khoảng 10, 15 năm trước, Đà Nẵng chỉ chừng 800 ngàn dân thì nay đã hơn 1,5 triệu. Là thành phố du lịch, trung tâm miền Trung nhưng người “cố cựu” không nhiều, trong khi người nhập cư biến động theo chiều hướng tăng lên rất nhanh. Tôi rất ngạc nhiên là nhiều người sinh sống tại Gia Lai nhưng lại thành công khi kinh doanh tại Đà Nẵng. Ngoài khách du lịch (kể như đã có nơi lưu trú), lượng người nhập cư tới từ nhiều nơi-từ cán bộ, nhân viên trong ngành dịch vụ-du lịch, nhân viên các dự án, công nhân trong các nhà máy, công ty, làm môi giới bất động sản-luôn cần có chỗ ở, chỗ trọ để làm việc, mưu sinh. Trong số này không thể không liệt kê nhiều sinh viên sau khi ra trường đã trụ lại thành phố này để kiếm sống, vì về nhà không đủ sức chen chân vào cơ quan nhà nước, vì về quê không tìm được việc làm phù hợp, vì không thân thích “ô dù”, đại gia...
Thông cảm, chia sẻ khó khăn nhưng rồi cũng mừng cho họ, vì dù gì ở đây họ cũng có việc làm, thu nhập, duy trì cuộc sống để tin tưởng và hy vọng. Đáp ứng nhu cầu đó không gì khác, chính là hoạt động kinh tế sôi nổi ở một đô thị phát triển. Chỉ ở những đô thị mà ngành nghề, dịch vụ kinh tế-xã hội phát triển thì mới tạo ra nhiều sản phẩm, dịch vụ, kéo theo nhu cầu cần nhiều việc làm. Người lao động được hưởng lợi chính là ở điểm này. Và ngược lại, những nơi kinh tế trì trệ, giẫm chân tại chỗ, hoạt động kinh tế bèo nhèo, ngành nghề, dịch vụ, sản phẩm nghèo nàn thì nhu cầu việc làm chính đáng khó có khả năng được đáp ứng một cách đầy đủ!   
 THẤT SƠN

Có thể bạn quan tâm