Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Quốc phòng

Nghĩa tình người lính quân hàm xanh

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Em Ksor Chơnh (SN 2008, làng Dăng, xã Ia O, huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai) mồ côi cha mẹ từ lúc 6 tuổi. Cuộc sống vốn dĩ đã khó khăn, khi các chị lớn lần lượt lấy chồng, con đường tới trường của Chơnh càng thêm gập ghềnh. Năm 2019, Đồn Biên phòng Ia O đã nhận em làm con nuôi. Sống trong tình yêu thương của những người lính quân hàm xanh, Chơnh dần trưởng thành, học tập ngày càng tiến bộ.
Một chiều cuối tháng 4, chúng tôi có mặt tại Đội công tác địa bàn của Đồn Biên phòng Ia O. Trong căn phòng nhỏ có đủ bàn học, tủ sách, tủ quần áo, giường nằm được bố trí ngăn nắp, em Ksor Chơnh đang học bài. Thấy khách đến, em ra chào rồi rót nước mời và trò chuyện khá rôm rả. Nhìn nụ cười của cô bé người Jrai luôn tỏa sáng, ít ai biết em đã từng trải qua những mất mát lớn trong cuộc đời.
Năm 2013, bố của Chơnh qua đời sau một cơn bạo bệnh. 1 năm sau, mẹ em cũng ra đi để lại 4 đứa con gái côi cút trong căn nhà xập xệ. Rồi khi những người chị lần lượt lập gia đình, cuộc sống của Chơnh càng thêm phần khó khăn. Nhận thấy con đường đến trường của em khó có thể duy trì nếu không có những việc làm cụ thể, thiết thực, năm 2019, Đồn Biên phòng Ia O đã nhận em làm con nuôi. “Khi được nhận về nuôi, em rất vui vì được chăm sóc, dạy bảo tận tình. Sống ở đây, em học được nhiều thứ lắm, từ cách ăn ở, xếp chăn màn đến việc dọn dẹp nhà cửa, phụ nấu cơm. Đặc biệt, em được các bố chuẩn bị đầy đủ quần áo, sách vở để tới trường cùng các bạn. Hàng ngày, các bố thay nhau chỉ em học bài, trò chuyện và hướng dẫn em làm một số việc”-Chơnh chia sẻ.
Là người trực tiếp dạy học cho Chơnh, Trung úy Siu Thương-cán bộ Đội công tác địa bàn-cho biết: “Khi mới được nhận về làm con nuôi, Chơnh rất rụt rè, ít nói. Vì thế, cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị thường xuyên trò chuyện, chia sẻ để em quen với môi trường mới. Hàng ngày, khi Chơnh đi học về, chúng tôi hướng dẫn em chơi thể thao, các trò chơi dân gian. Dần dần, em đã hòa nhập với cuộc sống mới, thành tích học tập cũng tốt hơn. Khi trước, em là học sinh trung bình nhưng nay đã là học sinh tiên tiến”.
Trung úy Siu Thương hướng dẫn em Ksor Chơnh học bài. Ảnh: Thiên Thanh
Trung úy Siu Thương hướng dẫn em Ksor Chơnh học bài. Ảnh: Thiên Thanh
Sự quan tâm của cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Ia O và Trường THCS Chu Văn An đã giúp Ksor Chơnh mạnh dạn hơn trong giao tiếp và tham gia các hoạt động ở trường. Khi được hỏi chuyện, em khoe với chúng tôi: “Ở trường, em được các thầy-cô giáo rất yêu thương, quan tâm dạy bảo nhiều điều hay, lại được các bố nuôi thường xuyên động viên yên tâm học tập. Em hứa sẽ cố gắng học tập thật giỏi để không phụ niềm tin yêu của các bố nuôi và thầy-cô giáo”.
Trao đổi với chúng tôi, thầy Nguyễn Duy Tân-Hiệu trưởng Trường THCS Chu Văn An-cho hay: Em Chơnh được Đồn Biên phòng Ia O nhận nuôi, chăm sóc và lo mọi chi phí ăn học. Qua đó, em đã được tiếp thêm nghị lực để tới trường học chữ. Em luôn hòa đồng với mọi người, tham gia đầy đủ các hoạt động của trường và thành tích học tập của em cũng tốt hơn. Việc làm này có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, nhất là đối với đồng bào dân tộc thiểu số khu vực biên giới, nơi vẫn còn nhiều em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn.
Còn Đại úy Nguyễn Viết Hoàn-Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Ia O thì chia sẻ: Bên cạnh việc nhận cháu Chơnh làm con nuôi, đơn vị còn “Nâng bước cho em tới trường” cho 2 cháu và đỡ đầu 4 người già neo đơn. Mỗi tháng, đơn vị hỗ trợ những đối tượng này tổng cộng hơn 4,5 triệu đồng. “Đặc biệt, đối với em Ksor Chơnh do mồ côi cha mẹ từ sớm nên chúng tôi muốn bù đắp cho em những gì tốt nhất. Sau này, khi lên bậc THPT, em phải  đi học xa, đơn vị không thể nhận làm con nuôi. Tuy nhiên, đơn vị sẽ tiếp tục thực hiện chương trình “Nâng bước cho em tới trường” để giúp Chơnh hoàn thành ước mơ của mình, sau này có một công việc ổn định, đóng góp sức mình xây dựng quê hương”-Đại úy Hoàn thông tin.
THIÊN THANH

Có thể bạn quan tâm