(GLO)- Những người lính Trung đoàn 95 năm xưa nay đã già yếu nhưng tình đồng đội vẫn còn vẹn nguyên. Rời nhà ông Lâm Huế, các cựu chiến binh vẫn giữ thói quen “chào thủ trưởng” và hẹn gặp nhau trong một ngày gần nhất.
Chúng tôi gặp các cựu chiến binh của Trung đoàn 95 tại nhà nguyên Trung đoàn phó Lâm Huế. Những mái đầu đã điểm bạc nhưng nụ cười luôn rạng rỡ vì được gặp đồng đội. Mọi người hồ hởi nắm chặt tay nhau hỏi thăm tình hình sức khỏe và cuộc sống.
Các cựu chiến binh tới thăm ông Lâm Huế (thứ 2 từ trái sang)-nguyên Trung đoàn phó Trung đoàn 95. Ảnh: Thủy Bình |
Trong câu chuyện của họ, ai cũng xúc động khi nhắc lại trận đánh giao thông đầu tiên ở vùng Hà Ra (huyện Mang Yang) nhằm chia cắt địch trên đường 19. Ông Phạm Kim Xuân-Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh phường Hội Phú (TP. Pleiku) kể lại: “Chúng tôi có nhiệm vụ đánh chặn đoàn xe của địch từ An Khê lên Pleiku. Khi nhận nhiệm vụ, cán bộ, chiến sĩ đều quyết tâm hoàn thành tốt kế hoạch tác chiến đã đề ra. Tôi không thể nào quên hình ảnh đồng chí Ninh Xuân Trường ôm quả bộc phá lao vào chặn đứng xe địch. Bộc phá nổ, đoàn xe địch bị chặn lại, đồng chí Trường đã anh dũng hy sinh. Tinh thần hy sinh cao cả của đồng chí Trường đã cổ vũ toàn Trung đoàn xông ra mặt đường diệt địch. Trong trận này, Trung đoàn đã tiêu diệt gọn đoàn xe 69 chiếc, trong đó có 3 xe tăng, diệt 120 tên địch. Chứng kiến nhiều đồng đội hy sinh, lòng ai cũng đau như cắt nhưng vẫn quyết tâm cao trong mỗi trận chiến”.
Còn cựu chiến binh Nguyễn Xuân Hải thì không bao giờ quên khí thế hào hùng của những ngày tháng 3 lịch sử. Ngày 16-3-1975, Bộ Tư lệnh chiến dịch lệnh cho Trung đoàn 95 theo dõi tình hình và sẵn sàng đánh địch rút chạy. Trung đoàn 95 lệnh Tiểu đoàn 2 theo đường 19 cơ động về hướng đường 14 để chặn đánh địch từ Kon Tum rút chạy về Pleiku. Tiểu đoàn 4 xuyên rừng tiến về hướng Phú Bổn để tham gia đánh địch rút chạy trên đường 7. Ông Nguyễn Xuân Hải cùng các chiến sĩ Tiểu đoàn 2 tiến vào thị xã Pleiku và chiếm Sở chỉ huy Quân đoàn 2, Sân bay Cù Hanh, hệ thống kho tàng và bắt sống gần 400 tên địch. “Ngay khi tiếp quản thị xã Pleiku, Trung đoàn 95 đã nhanh chóng tổ chức nhiều đội công tác phối hợp với Thị đội Pleiku tuyên truyền, giáo dục quần chúng, ổn định tình hình an ninh trật tự”-ông Hải nhớ lại.
Trung đoàn 95 có nhiều năm tháng chiến đấu ở mặt trận Gia Lai, đặc biệt là ở khu vực đèo Mang Yang. Vì vậy, đơn vị được gọi là “Đoàn Mang Yang”. Năm 2015, Đền tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ Trung đoàn 95 đã được xây dựng tại thị trấn Kon Dơng (huyện Mang Yang), trở thành điểm đến trong mỗi hành trình về nguồn của các thế hệ cựu chiến binh Trung đoàn 95 và người dân.
Phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”, sau khi rời quân ngũ, các cựu binh Trung đoàn 95 tiếp tục tham gia công tác tại địa phương. Ông Phạm Kim Xuân cho biết: “Những câu chuyện, hồi ức về mỗi trận chiến được các cựu chiến binh kể lại chính là minh chứng sống động để giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ. Vì thế, chúng tôi thường được các trường học mời gặp mặt, kể chuyện truyền thống cho các cháu học sinh”.
Cựu chiến binh Phạm Kim Xuân vẫn còn lưu giữ hình ảnh của đồng đội Trung đoàn 95. Ảnh: Thủy Bình |
Tuy tuổi cao sức yếu, nhưng nghĩ đến nhiều đồng đội còn nằm lại ở chiến trường, ông Nguyễn Xuân Hải vẫn không ngại vất vả đi thu thập tư liệu, thông tin, gặp gỡ nhân chứng để giúp các gia đình tìm kiếm hài cốt người thân. Những năm qua, ông Hải đã giúp nhiều gia đình đưa hài cốt các liệt sĩ về quê, nhiều liệt sĩ chưa xác định được danh tính được quy tập về các nghĩa trang. “Cách đây 4 năm, qua xác minh, thu thập tài liệu, tôi đã tìm được phần mộ của một đồng đội tại khu rừng của xã Đak Djrăng (huyện Mang Yang). Tôi mừng lắm và đã liên hệ với gia đình đưa hài cốt liệt sĩ về tỉnh Tuyên Quang”-cựu chiến binh Nguyễn Xuân Hải kể lại.
Chiến tranh đã lùi xa, những người lính năm xưa nay đã già yếu, có chuyện nhớ, chuyện quên, nhưng tình đồng đội vẫn còn vẹn nguyên. Rời nhà ông Lâm Huế, các cựu chiến binh tóc đã điểm bạc vẫn giữ thói quen “chào thủ trưởng” và hẹn gặp nhau trong một ngày gần nhất.
THỦY BÌNH