Đồng hành cùng phụ nữ biên cương
Nhân dịp sơ kết 3 năm thực hiện chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương” giai đoạn 2021-2025, đoàn công tác của TP. Hồ Chí Minh còn trao tặng “Mái ấm tình thương”, phương tiện sinh kế, học bổng, bồn nước sạch… cho phụ nữ và học sinh có hoàn cảnh khó khăn xã biên giới Ia Mơr (huyện Chư Prông) và Ia Chía (huyện Ia Grai).
3 năm qua, chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương” đã huy động trên 5,3 tỷ đồng để hỗ trợ phụ nữ, trẻ em vùng biên giới tỉnh Gia Lai. Ảnh: M.C |
Ngược lên con dốc đất đỏ dẻo quánh sau những ngày mưa, đoàn công tác vào đến nhà chị Rơ Mah Hyil (làng Pó, xã Ia Chía). Căn nhà lợp tôn nằm lùi sâu trong vườn điều. Chị Hyil là 1 trong 20 hội viên có hoàn cảnh khó khăn được Hội LHPN TP. Hồ Chí Minh phối hợp với Hội Nữ doanh nhân thành phố trao phương tiện sinh kế đợt này.
Không giấu được niềm vui khi tiếp nhận 3 con heo giống, chị Hyil chia sẻ: “Mình cũng muốn chăn nuôi để tăng thu nhập nhưng kẹt vì không có tiền mua con giống. Cảm ơn chương trình đã quan tâm đến những hoàn cảnh khó khăn như gia đình mình. Mình sẽ cố gắng để phát triển đàn heo, vươn lên thoát nghèo”.
Là mẹ đơn thân nuôi 3 con đang độ tuổi ăn học và 1 người anh trai bị bệnh tâm thần, chị Rơ Mah Pyơn (làng Bang, xã Ia Chía) cho biết: Hàng ngày, chị vất vả lo cái ăn cái mặc cho đàn con. Nay được chương trình tặng 3 con heo giống, chị mừng lắm. “Mình còn được cán bộ Hội hướng dẫn cách làm chuồng trại, chăm sóc để heo nhanh lớn. Đây là niềm vui lớn với gia đình mình”-chị Pyơn tâm sự.
Tới thăm từng hoàn cảnh khó khăn, đoàn công tác lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của các chị để có sự chia sẻ, hỗ trợ kịp thời. Nữ doanh nhân Cao Thị Ngọc Hồng chia sẻ: “Với nhiều người, 7 triệu đồng không làm được việc lớn. Nhưng số tiền này mua được 3 con heo giống lại có thể giúp cho chị Hyil, chị Pyơn hay nhiều chị em khác có cơ hội vươn lên thoát nghèo. Hy vọng lần sau trở lại, chúng tôi nhìn thấy kết quả của chương trình trao sinh kế. Đó cũng là niềm hạnh phúc của chúng tôi khi đồng hành cùng chương trình này”.
Nghĩa tình với biên giới
Phó Chủ tịch Thường trực Hội LHPN TP. Hồ Chí Minh cho biết, đồng bào các dân tộc sinh sống trên địa bàn biên giới, hải đảo là những người cùng với Bộ đội Biên phòng tham gia bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới. Trách nhiệm lớn nhưng đời sống của người dân khu vực biên cương, đặc biệt là phụ nữ còn nhiều khó khăn. Họ là những người dễ bị tổn thương và cần sự chung tay hỗ trợ của cộng đồng.
Đây không chỉ là trách nhiệm mà còn là nghĩa tình của TP. Hồ Chí Minh hướng về phụ nữ, trẻ em và người dân vùng biên cương của Tổ quốc. Với ý nghĩa nhân văn đó, chương trình đã nhận được sự chung tay góp sức của nhiều Mạnh Thường Quân, đặc biệt là Hội Nữ doanh nhân thành phố.
Tặng bồn nước sạch giúp cải thiện điều kiện sinh hoạt cho phụ nữ, trẻ em vùng biên giới. Ảnh: Minh Châu |
Từ nguồn lực huy động, trong 3 năm qua, Hội LHPN TP. Hồ Chí Minh đã triển khai nhiều hoạt động thiết thực, ý nghĩa. Trong đó, tặng 9 “Mái ấm tình thương”, 3 nhà vệ sinh, 66 phương tiện sinh kế, 10 chiếc xe đạp, 1 tấn lúa giống, 1 ngàn lá cờ, 120 bồn nước và trên 800 suất quà cho các gia đình hội viên phụ nữ nghèo với tổng số tiền trên 2,3 tỷ đồng. “Không chỉ là hoạt động chăm lo, vấn đề lớn hơn là làm sao truyền thông cho đồng bào vùng biên giới yên tâm lao động sản xuất, trẻ em được đến trường, người dân được chăm sóc sức khỏe, từ đó góp phần giữ bình yên cho vùng biên cương Tổ quốc”-bà Hoa cho biết.
Trong 3 năm (2021-2023), Hội LHPN tỉnh Gia Lai phối hợp với Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, cùng sự chung tay của Hội LHPN 10 huyện, thị xã, thành phố trao tặng 18 “Mái ấm tình thương”, 100 bồn nước sạch, gần 4,1 ngàn suất quà, 478 phương tiện sinh kế, tổ chức các hoạt động chăm sóc sức khỏe cho người dân… với tổng giá trị trên 3 tỷ đồng.
Sau 3 năm triển khai, chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương” giai đoạn 2020-2025 đã huy động trên 5,3 tỷ đồng (tỉnh Gia Lai 3 tỷ đồng, TP. Hồ Chí Minh 2,3 tỷ đồng) để triển khai các hoạt động chăm lo đời sống cho hội viên phụ nữ, trẻ em và người dân có hoàn cảnh khó khăn tại 7 xã biên giới thuộc 3 huyện: Đức Cơ, Ia Grai và Chư Prông.
Thông qua chương trình, 65 hộ đã thoát nghèo theo tiêu chí đa chiều. Các hoạt động đồng hành cùng phụ nữ biên cương góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho phụ nữ, trẻ em và người dân vùng biên giới.
Chị Bel-Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ làng Bang-cho hay: “Sự hỗ trợ của chương trình đã giúp nhiều chị phát huy tiềm lực, khả năng của mình ở nhiều lĩnh vực. Nhiều chị sau khi được hỗ trợ sinh kế đã thoát nghèo và hướng dẫn, giúp đỡ cho các chị em khác cùng vươn lên”.
“Qua khảo sát thực tế, chúng tôi thấy người dân vẫn còn nhiều khó khăn về nước sạch, nhà ở, cần hỗ trợ sinh kế và nhiều điều kiện khác nữa. Hội LHPN TP. Hồ Chí Minh sẽ tiếp tục đồng hành cùng phụ nữ, trẻ em và người dân vùng biên giới trong thời gian tới bằng hình thức mới. Ngoài hỗ trợ sinh kế, chúng tôi sẽ triển khai dự án hỗ trợ người dân về kiến thức, kỹ thuật, kỹ năng, giúp đồng bào sản xuất và nâng cao giá trị nông sản địa phương, tạo nguồn sinh kế bền vững trên đất đai của mình. Đây cũng là dự án chúng tôi ấp ủ và nhận được sự ủng hộ, đồng hành của Hội Nữ doanh nhân thành phố, sự phối hợp của Hội LHPN tỉnh Gia Lai để hỗ trợ tốt nhất người dân nơi biên cương Tổ quốc”-Phó Chủ tịch Thường trực Hội LHPN TP. Hồ Chí Minh cho biết thêm.