Pháp luật

Tin tức

Nghịch lý chuyện giữ rừng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Krông Pa nằm ở phía Tây Nam của tỉnh Gia Lai, giáp với các huyện: Ea H’Leo, Ea Kar, Krông Năng (Đak Lak) ở phía Tây, Tây Nam và giáp các huyện: Đồng Xuân, Sơn Hòa, Sông Hinh (Phú Yên) ở phía Đông. Những năm trước kia, rừng ở Krông Pa được xem là nơi có nhiều gỗ quý bậc nhất ở Gia Lai như trắc, hương… Tuy nhiên, đến giai đoạn hiện nay, rừng quý ở Krông Pa cơ bản đã bị xóa sổ.

Hầu như ngày nào vào giờ cao điểm (buổi trưa hoặc chiều tối) trên khắp các nẻo đường vào rừng ở các xã: Chư Rcăm, Ia Dréh, Krông Năng, Ia Rsai… đều có xe vận chuyển gỗ trái phép. Cứ thành thông lệ, buổi sáng từng đoàn xe máy được độ chế khá công phu, phân khối lớn nườm nượp chở cưa máy vào rừng, đến trưa hoặc chiều tối lại đưa gỗ về. Có nơi thanh niên, đàn ông cả thôn đi rừng lấy gỗ về bán lại cho đám đầu nậu thu gom chở đi ngoài tỉnh tiêu thụ. “Mỗi m3 gỗ trắc giá hàng trăm triệu đồng, gỗ hương 20-70 triệu đồng/m3 (tùy đường kính lớn nhỏ) nên bình quân mỗi ngày vào rừng cưa chừng 2 khúc gỗ hương đường kính 20 cm x 2 mét (vừa để chở xe máy) là kiếm được bạc triệu ăn chơi”-một người dân địa phương thổ lộ.

Gỗ thu giữ ở Trạm Kiểm lâm Chư Rcăm. Ảnh: Ngọc Như
Gỗ thu giữ ở Trạm Kiểm lâm Chư Rcăm. Ảnh: Ngọc Như
Theo báo cáo của Đội Kiểm lâm Cơ động số 3, từ đầu năm đến nay đã phát hiện 37 vụ mua bán, vận chuyển, cất giữ lâm sản trái phép, với khối lượng trên 40 m3 gỗ thu giữ, xử phạt và bán lâm sản tịch thu nộp ngân sách nhà nước gần 700 triệu đồng. Cái khó của lực lượng Kiểm lâm cơ động ở đây là không thể bố trí quân đi bắt việc chở gỗ nhỏ lẻ hàng ngày từ khắp các nẻo rừng mà chỉ tập trung ở địa bàn trọng điểm, tuyến đường chính hoặc xây dựng cơ sở để triệt phá các đối tượng đầu nậu chính thu gom gỗ về điểm tập kết.


Còn Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Krông Pa-Trần Đức Đại thì rất bức xúc chuyện chính quyền địa phương các xã và Ban Quản lý rừng để lâm tặc ngang nhiên làm ăn dưới cơ sở. Ông Đại cho rằng, Kiểm lâm địa bàn phân về các xã chỉ một vài người như con kiến ở rừng nên chủ yếu làm nhiệm vụ tham mưu, hướng dẫn cho cơ sở chứ không thể trực tiếp giữ rừng. Trong khi đó rừng ở những khu vực “nóng” như Ia Rsai, Krông Năng… thì được giao cho xã và Ban Quản lý Rừng phòng hộ quản lý. Dư luận đặt câu hỏi tại sao rừng ở đây bị phá nát mỗi ngày nhưng không ai chịu trách nhiệm?

Chở cưa máy vào rừng. Ảnh: N.N
Chở cưa máy vào rừng. Ảnh: N.N
Một nghịch lý khác ở huyện Krông Pa là hiện có tới 11 doanh nghiệp và cơ sở chế biến gỗ được cấp phép (trước đó đã thu hồi 42 cơ sở). Ông Đại cho rằng, các doanh nghiệp và cơ sở chế biến gỗ ở đây không giải quyết công ăn việc làm cho người dân tại chỗ mà chỉ làm khổ cho công tác quản lý bảo vệ rừng. Thực tế, nhiều năm qua, rừng tự nhiên ở Krông Pa không hề có chỉ tiêu khai thác gỗ nào vậy mà các doanh nghiệp chế biến gỗ tồn tại mua bán gỗ theo giấy tờ từ đâu? Không hiểu mỗi năm gỗ ở các doanh nghiệp này liên tục xuất bán đi ngoài tỉnh được lấy từ đâu ra. Điều đó ai cũng biết, người dân hàng ngày đi lấy gỗ về bán cho ai ở địa phương này nhưng tại sao các cơ quan chức năng không xử lý được?

Ngọc Như

Có thể bạn quan tâm